Xúc tiến thương mại thị trường Bắc Âu: Ứng dụng CNTT tin tìm kiếm khách hàng, quảng bá sản phẩm bảo vệ môi trường
TCDN - Việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu khó hơn nhiều so với các nước trong EU có dân số lớn và nằm ở vị trí trung tâm châu Âu.
Đa dạng hoá nguồn cung, thị trường
Số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy, trong năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu đạt khoảng 2,85 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang các nước Bắc Âu đạt 1,92 tỷ USD tăng 4%, nhập khẩu của Việt Nam từ các nước Bắc Âu đạt 933,71 triệu USD tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến hết tháng 4 năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 1,03 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó số liệu xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng là 689,13 triệu tăng 19,2% và 342,16 triệu tăng 7,3%.
Theo phân tích của Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, Bắc Âu là các nước nhỏ, nhưng có nền kinh tế mở, hiện đại. Xuất nhập khẩu thường chiếm 50-60% GDP. Mặc dù dân số ít nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của các nước Bắc Âu khá ấn tượng. Các ngành kinh tế thế mạnh của các nước Bắc Âu bao gồm công nghiệp dược, công nghiệp chế biến thủy sản và thực phẩm, sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng gió và năng lượng tái tạo, môi trường và công nghệ xanh - sạch, thiết kế công nghiệp và hàng tiêu dùng…
Tuy nhiên, do nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi, cộng thêm nhân công cao nên các nước Bắc Âu phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, đồng thời ngày càng có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất sang các nước đang phát triển với chi phí nhân công thấp hơn. Đây là cơ hội cho Việt Nam - vốn là một quốc gia mạnh về sản xuất hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực EU và thu hút các doanh nghiệp đầu tư từ khu vực này.
Ngoài ra, do những bất ổn liên tục của thế giới trong những năm gần đây như chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đại dịch covid-19, và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina khiến cho các nước Bắc Âu và các quốc gia khác trên thế giới nhận ra không thể phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống. Các nước này đã và đang tích cực đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hoá thị trường. Do vậy, đây có thể được coi là cơ hội tốt nếu Việt Nam khai thác được để mở rộng thị trường.
Song hành cùng cơ hội là không ít thách thức. Do các nước Bắc Âu dân số ít, thị trường nhỏ, có yêu cầu cao đối với hàng hóa tiêu dùng trong nước, nên các nước này chủ yếu nhập khẩu từ các nước châu Âu xung quanh thông qua các đại lý phân phối trong khu vực. Nhiều mặt hàng của Việt Nam nhập khẩu vào khu vực này nhưng số liệu nhập khẩu không thể hiện nhập khẩu từ Việt Nam nên hàng Việt Nam thực tế tại khu vực nhiều hơn so với số liệu thống kê.
Bên cạnh đối thủ cạnh tranh truyền thống là Trung Quốc, Thái Lan thì còn rất nhiều nước khác có các đặc điểm tương đồng như Việt Nam cũng đang tích cực đa dạng hoá sản phẩm và đưa ra nhiều biện pháp để tận dụng xu hướng chuyển dịch, đa dạng hoá nguồn cung của Bắc Âu như Campuchia, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ…
Ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh và xung đột Nga và Ucraine khiến cho giá cả vận chuyển vốn đã rất cao trong năm 2021, còn bị tắc nghẽn do các lệnh cấm vận cũng là một khó khăn, thách thức đối với hàng Việt Nam. Điều này đã làm hạn chế việc nhập khẩu của các doanh nghiệp đến các thị trường nhỏ lại xa xôi như Bắc Âu. Nếu tình hình này không được cải thiện, các doanh nghiệp Bắc Âu sẽ chuyển nhập khẩu từ các nước gần với châu Âu hoặc trong châu Âu để tiết kiệm chi phí.
Do vậy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Bắc Âu cần lưu ý việc tuân thủ các quy định nhập khẩu vào EU mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ. Để hàng hóa được chấp nhận tại thị trường này, các doanh nghiệp cần đáp ứng cả các điều kiện bổ sung của người mua hàng.
Bên cạnh đó, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đúng và trúng cũng là một giải pháp tốt để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá. Cụ thể, đối với thực phẩm, người Bắc Âu ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ với phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động với môi trường. Trong tiêu dùng hàng ngày, họ có xu hướng chọn các sản phẩm đơn giản, tiện dụng, dùng được nhiều lần, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế...
Do vậy, các biện pháp xúc tiến thương mại hiệu quả với thị trường Bắc Âu là tăng cường quảng bá các sản phẩm mới lạ, được quảng bá là có lợi cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, các sản phẩm gắn với các câu chuyện vùng miền, có chỉ dẫn địa lý. Tăng cường các hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến để tăng cường tính hiệu quả và tiết kiệm kinh phí.
Xu hướng chuyển sang sản xuất bền vững
Chia sẻ thông tin về thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, khu vực Bắc Âu gồm 5 nước: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland. Đây là những nước nhỏ nhưng có nền kinh tế mở và hiện đại. Dân số tuy ít nhưng có mức thu nhập cao.
Trong khối EU, các doanh nghiệp Việt mới chỉ tập trung khai thác tại thị trường Tây Âu truyền thống và còn “bỏ ngỏ” tiềm năng thị trường Bắc Âu khá lớn. Các nước Bắc Âu luôn đi đầu trong vấn đề bảo vệ môi trường, do vậy những vấn đề bảo vệ môi trường, tiêu dùng xanh và xu hướng chuyển sang sản xuất bền vững đang là chủ đề nóng tại khu vực Bắc Âu. Điều này ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết thêm, người dân Bắc Âu ngày càng có xu hướng giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản và các thực phẩm thay thế thịt. Bởi vậy, các sản phẩm thực phẩm có hàm lượng protein cao, có thể thay thế thịt rất dễ dàng được đón nhận.
Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tìm kiếm khách hàng. Thí dụ đối với thị trường Thụy Điển, sau cuộc khủng hoảng của đại dịch Covid-19, nhiều nhà sản xuất thực phẩm đã mất đi khách hàng do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy Cơ quan Organic Thụy Điển đã xây dựng một cổng thông tin giúp các công ty tìm kiếm các kênh bán hàng mới, gọi là Eko-Portalen.
Mục đích của cổng thông tin này là thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm và nguyên liệu hữu cơ bằng cách kết nối các nhà sản xuất với người mua tiềm năng. Do đó, các doanh nghiệp muốn tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thực phẩm hữu cơ có thể vào cổng này để tìm hiểu.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên tích cực tham gia các hội chợ triển lãm để có cái nhìn sâu sắc về thị trường nước ngoài, xu hướng sản phẩm và sự cạnh tranh. Một số hội chợ triển lãm thực phẩm hữu cơ tại Bắc Âu, như: Foodexpo tại Đan Mạch diễn ra vào tháng 3 hằng năm; Nordic Organic food fair tại Thụy Điển diễn ra vào tháng 11 hằng năm...
Bên cạnh đó, do người tiêu dùng Bắc Âu rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường nên một yếu tố nhỏ nhưng vô cùng quan trọng là doanh nghiệp cần cải tiến bao bì sản phẩm và nhãn mác. Người tiêu dùng ưa thích các sản phẩm có bao bì tự nhiên, làm từ vật liệu tái chế và không gây tổn hại đến môi trường. Theo đó, bao bì và nhãn mác cần hướng tới các tiêu chuẩn cao và bền vững, như: giảm khối lượng và thể tích bao bì; giảm lượng chất thải đến bãi chôn lấp thông qua khả năng tái chế, khả năng tái sử dụng hoặc khả năng phân hủy; giảm ảnh hưởng môi trường bằng cách sử dụng tài nguyên bền vững và giảm phát thải...
Là doanh nghiệp tại Hà Lan, ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC chia sẻ, muốn đưa các sản phẩm vào thị trường Hà Lan, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, thực hiện nhiều bước để quảng bá thương hiệu nông sản để người tiêu dùng hiểu được giá trị của nông sản đó.
Bên cạnh việc đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn, các doanh nghiệp cần tạo dựng niềm tin với khách hàng, nắm bắt được văn hóa tiêu dùng, văn hóa trong kinh doanh, xuất nhập khẩu của các đối tác tại Hà Lan. Trước mắt, trong ngắn hạn, doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào các mặt hàng giá trị cao cũng như giữ vững thương hiệu.
Bích Liên
email: [email protected], hotline: 086 508 6899