Tận dụng cơ hội từ EVFTA: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại chuyên sâu

24/08/2020, 14:09

TCDN - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tạo một cú hích lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Do vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động XTTM chuyên sâu để tận dụng hiệu quả các cơ hội từ EVFTA đòi hỏi phải được triển khai quyết liệt.

4-4

Đa dạng hóa mặt hàng có lợi thế cạnh tranh

Chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường EU rộng lớn, cũng là động lực quan trọng để các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm xuất sang EU, đặc biệt những mặt hàng chủ lực như điện tử và linh kiện điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản, rau quả, nông sản chế biến…

“Trong khi đó, các nước EU có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao và tương đối đồng đều, đã định hình một thị trường chung với hạ tầng thương mại phát triển nên những sự kiện xúc tiến thương mại diễn ra tại EU luôn có quy mô hàng đầu thế giới, thu hút được lượng lớn khách giao dịch từ châu lục khác. Do vậy, chúng ta thực hiện ở một nước nhưng có thể dễ dàng tiếp cận với đối tác ở nhiều khu vực khác…” - Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đánh giá.

Cũng theo Cục Xúc tiến thương mại, EU còn cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận… đều là mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, do đó doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá nhãn hiệu, marketing… với những mặt hàng này để có thể tận dụng được ưu đãi từ EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu sang EU.

Thực tế, hàng năm có khoảng 10 - 15 Chương trình xúc tiến thương mại, với kinh phí trung bình khoảng 20 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% tổng kinh phí của Chương trình) trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoặc hướng dẫn các hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại lựa chọn các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành lớn, có uy tín tại thị trường Châu Âu.

Việc tham dự những hội chợ có uy tín, lớn hàng đầu thế giới ở châu Âu liên tục, hàng năm giúp các doanh nghiệp đạt kết quả ngay tại sự kiện như các hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành nông thủy sản, rau quả, thực phẩm chế biến tại Pháp, Đức, Bỉ (Triển lãm thủy sản toàn cầu Brusels - Bỉ, Hội chợ Rau quả Logistica Berlin - Đức, Hội chợ quốc tế công nghiệp thực phẩm Anuga - Đức, Hội chợ Quốc tế Công nghiệp thực phẩm SIAL Paris - Pháp…). Bên cạnh đó, sự xuất hiện thường xuyên, liên tục của doanh nghiệp Việt Nam tại các hội chợ này góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa, tích cực, dần xây dựng uy tín, hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại thị trường EU nói riêng và thị trường thế giới nói chung.

Tuy nhiên, Cục Xúc tiến thương mại nhận định, việc xúc tiến thương mại vào thị trường EU cũng gặp một số khó khăn vì EU là một thị trường lớn nhưng khó tính, đòi hỏi nghiêm ngặt và khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường… trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được các yêu cầu.

Khó khăn tiếp theo đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường EU là rào cản ngôn ngữ cũng như hiểu biết hạn chế đối với các quy định tại thị trường EU.

Theo Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) - cơ quan thuộc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ước tính thị trường EU còn tới 49% dung lượng mà Việt Nam có thể khai thác. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến còn 35% - 60% chưa khai thác; nhóm nông sản thực phẩm còn có thể khai thác từ 35% - 90%, tuỳ theo sản phẩm cụ thể. Điều này cho thấy dư địa của những ngành hàng nói trên còn rất lớn.

Vấn đề đặt ra là, cần thay đổi cách tiếp cận và phương thức xúc tiến thương mại. Trước hết, cần thay đổi cách nhìn nhận về những yêu cầu mới được đưa ra theo EVFTA cho thị trường EU, không nên xem đó là hàng rào thương mại mà chính cánh cửa mở ra sự bảo đảm cho phát triển sản xuất, xuất khẩu bền vững của Việt Nam.

Quan hệ thương mại song phương bình đẳng và bền vững phải được xây dựng trên sự tôn trọng, hợp tác và minh bạch. Qua các kỳ hội chợ thủy sản Brussels, Hội chợ Quốc tế Công nghiệp thực phẩm ở Đức, ở Pháp rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh hạt điều, cà phê, hồ tiêu, trái cây, mật ong, cá tra, cá ngừ, tôm sú, tôm thẻ… của Việt Nam vượt qua hàng rào kỹ thuật vào châu Âu dù chưa được ưu đãi thuế.

EVFTA có hiệu lực, mức thuế sẽ giảm, tính cạnh tranh của hàng Việt Nam cao hơn, nhưng con đường đi chắc chắn không có gì khác với những doanh nghiệp đã từng xuất khẩu vào EU trước đây: vẫn phải vượt qua hàng rào kỹ thuật. Đây là con đường xuất khẩu bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Điều cần thay đổi thứ hai là đa dạng hoạt động, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong marketing xuất khẩu và thương mại điện tử (TMĐT).

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong điều kiện bình thường thì EVFTA sẽ góp phần giúp GDP của Việt Nam tăng thêm bình quân lên đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, lên đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72% trong 5 năm sau đó.

Tập trung nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác

Để xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao và mang lại cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhấn mạnh, Cục Xúc tiến thương mại sẽ đẩy mạnh phối hợp với các địa phương tăng cường các sự kiện xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, liên kết sản xuất từ các khâu đầu vào đến chế biến với các doanh nghiệp, đối tác EU đầu tư tại Việt Nam để dễ dàng đáp ứng được các quy tắc của EU.

Về phía doanh nghiệp, bên cạnh nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại chuyên sâu như nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, để tận dụng hiệu quả cơ hội mà hiệp định mang lại. Hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản có quy mô lớn và kinh doanh bài bản đã vào thị trường EU. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D (nghiên cứu và phát triển), chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu, thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU. Doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động, tích cực trong việc phối hợp với tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến, bên cạnh bệ đỡ vững chắc từ địa phương.

Các chuyên gia nhấn mạnh, ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như: nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, phát triển thương hiệu...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư phát triển sản phẩm đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn và quy định về hàng hóa nhập khẩu của EU cũng như chuẩn bị kỹ kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu; tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu.

Cùng với việc nâng cao chất lượng, doanh nghiệp phải cải thiện năng suất để giảm giá thành, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao tính chủ động, đầu tư kinh phí cho xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự nhằm chuyên nghiệp hóa năng lực thực thi và tối đa hóa hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường EU.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị, để doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có thể tham gia sâu, có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, vấn đề đặt ra là cần có các hội nghị, khóa tập huấn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiểu rõ hơn về các nội dung của Hiệp định EVFTA, những khía cạnh doanh nghiệp có thể khai thác và hưởng lợi từ hiệp định, cũng như những vấn đề cần lưu ý. Qua đó, giúp doanh nghiệp có chiến lược, kế hoạch và hành trang sẵn sàng cho sự phát triển của doanh nghiệp trong điều kiện thị trường và bối cảnh thương mại mới với Hiệp định EVFTA.

Tiếp đến, cần đẩy nhanh hơn nữa cải cách hành chính đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về hiệp định, tăng nguồn lực, vốn vay và tạo thuận lợi để triển khai các dự án EVFTA, cắt giảm các tiêu chí đấu thầu để doanh nghiệp SMEs có cơ hội tham gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong ứng dụng khoa học và công nghệ, tập trung khai thác thị trường nội địa cùng với khai thác “nền kinh tế ban đêm”.

4 mục tiêu xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường EVFTA

1. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhằm chuẩn bị những hành trang cần thiết để tiếp cận và khai thác thị trường EU một cách chủ động, hiệu quả;

2. Định hướng, hỗ trợ xây dựng kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) mang tính trung và dài hạn, bài bản phù hợp với thị trường EU cho những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam;

3. Tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà xuất khẩu, hiệp hội tận dụng hiệu quả các nguồn lực, tối đa hóa lợi ích mà các cam kết của hiệp định EVFTA mang lại;

4. Bảo đảm cân bằng các yếu tố xuất khẩu bền vững - bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng về số lượng (kim ngạch và thị phần xuất khẩu), tăng cường chất lượng xuất khẩu (mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ và thị trường; chất lượng sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu; khả năng tận dụng EVFTA thiết lập chuỗi giá trị bền vững).

Xuân Duy

Tạp chí in số tháng 8/2020
Bạn đang đọc bài viết Tận dụng cơ hội từ EVFTA: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại chuyên sâu tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

EVFTA giúp GDP tăng bình quân lên đến 3,23% trong 5 năm đầu
Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong điều kiện bình thường thì Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ góp phần giúp GDP tăng thêm bình quân lên đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, lên đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72% trong 5 năm sau đó.