Xúc tiến xuất khẩu hỗ trợ DNNVV: Tận dụng ưu thế mạng xã hội

19/04/2019, 10:12

TCDN -
Hiện phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn thiếu thông tin về thị trường, đặc biệt là thông tin về đối tác xuất nhập khẩu, khách hàng tiềm năng, thị trường tiềm năng.



Phải thể hiện được thương hiệu

Theo phân tích của Phó Trưởng ban hợp tác quốc tế (Cơ quan đại diện thương mại và đầu tư Pháp - Business France) Christophe Legillon, việc khảo sát trực tiếp tại thị trường nước ngoài giúp các doanh nghiệp nắm bắt được nhiều thông tin về xu hướng của các thị trường. Thông qua đó, doanh nghiệp có thêm cơ hội hợp tác và xuất khẩu sản phẩm đối với các thị trường này.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú thừa nhận, XTTM được là công cụ chính, hỗ trợ hiệu quả cho thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi bản thân các tổ chức XTTM có đầy đủ năng lực chuyên môn, công cụ thực hiện và một cơ sở dữ liệu khách hàng cũng như quản trị nội bộ phù hợp.

Hiện nay, phần lớn doanh DNNVV vẫn thiếu thông tin về thị trường, đặc biệt là thông tin về đối tác xuất nhập khẩu, khách hàng tiềm năng, thị trường tiềm năng khiến năng lực cạnh tranh giảm, thiếu thị trường bền vững. Do đó, việc tăng cường thông tin, XTTM trở thành vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu, mở rộng và chiếm lĩnh thị trường.

Theo bà Cecile Delettre, Trưởng phòng hợp tác và truyền thông sáng tạo, Ban Xúc tiến và truyền thông, Business France, các công cụ hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu rất đa dạng, sự cộng hưởng sức mạnh từ các yếu tố này sẽ tạo nên kết quả rất tốt. Mạng xã hội là một ví dụ. Thông qua mạng xã hội có thể kết nối khách hàng và đối tác, do vậy DNNVV muốn tồn tại và phát triển phải thể hiện được thương hiệu trên mạng xã hội, từ đó nâng được giá trị thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, muốn xuất khẩu phải quảng bá sản phẩm đến được nhiều khách hàng càng tốt, hiện nay một số công cụ mạng xã hội phổ biến như twitter, facebook, youtube… có lượng lớn người sử dụng. Khi khách hàng gõ từ khóa có thể liên kết tới các doanh nghiệp và sản phẩm từ đó kết nối được với nhiều khách hàng hơn. Do vậy, các doanh nghiệp cố gắng đưa được nhiều hình ảnh sản phẩm lên mạng xã hội, còn trên youtube có thể đăng tải các video về dây chuyền sản xuất, công nghệ gắn với chất lượng sản phẩm.

Về thương mại điện tử, hiện có nhiều nền tảng lớn như Alibaba, Lazada, Amazon, eBay… doanh nghiệp cũng nên sử dụng các nền tảng lớn này do có lượng khách hàng lớn, kênh phân phối uy tín, từ đó bảo đảm sản phẩm có thể đến tay khách hàng một cách thuận lợi nhất.

Giúp doanh nghiệp tham gia xây dựng và đạt thương hiệu quốc gia

Bà Pascale Lariviere, Chuyên gia truyền thông và thương hiệu, Business France cho rằng, một yếu tố quan trọng giúp cơ quan quản lý nhà nước về XTTM, cũng như các tổ chức XTTM khác tối ưu hoá các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu là giúp doanh nghiệp tham gia xây dựng và đạt thương hiệu quốc gia. Thương hiệu quốc gia Việt Nam hiện đang là chương trình duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh của Việt Nam thông qua thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm. Qua 15 năm triển khai thực hiện, chương trình đã giúp không ít doanh nghiệp định vị vị trí trên thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để phù hợp với bối cảnh hiện tại, chương trình cần có sự thay đổi phù hợp về giá trị cốt lõi, có thể tìm đại sứ thương hiệu để quảng bá. Quan trọng hơn, kết nối các thương hiệu ngành hàng thành một thể thống nhất dưới thương hiệu quốc gia nhằm nổi bật giá trị cũng như thấy được sự kết nối giữa các giá trị.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục XTTM nhận đinh, XTTM giữ một vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu, tuy nhiên do hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực, dữ liệu về doanh nghiệp nên các đơn vị XTTM gặp nhiều khó khăn trong thực hiện hoạt động. Cơ quan Phát triển thương mại Pháp (AFD) cần tiếp tục hỗ trợ Cục XTTM xây dựng cơ sở dữ liệu về quản trị khách hàng nội bộ, từ đó chia sẻ thông tin tới các tổ chức XTTM tại địa phương và doanh nghiệp nhằm tận dụng hiệu quả nguồn dữ liệu này. Các DNNVV muốn tận dụng tốt các cơ hội xúc tiến xuất khẩu, chinh phục thị trường nước ngoài cần xây dựng thương hiệu, chiến dịch marketing. Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cũng phải tận dụng website của mình để chủ động đưa thông tin sản phẩm, hàng hóa đến khách hàng.

Các chuyên gia khuyến nghị, để nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu, các DNNVV cần tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có. Bên cạnh đó, cần chủ động liên hệ với các các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác thương mại tại các thị trường mục tiêu, “mở đường” cho việc ký thỏa thuận thương mại và tạo thị trường xuất khẩu bền vững. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để có thể tận dụng tối đa những lợi thế của thương mại điện tử trong xúc tiến xuất khẩu.

Hơn nữa, ngoài việc thúc đẩy nhận thức của các nhà phân phối và người tiêu dùng ngoài nước về các sản phẩm thương hiệu Việt, Chính phủ cần tạo ra một hình ảnh của Việt Nam là một quốc gia nổi tiếng về sự phong phú, đa dạng và chất lượng cao của hàng hóa dịch vụ. Các bộ, ngành cần “đến gần” hơn các hiệp hội, doanh nghiệp để tìm hiểu khó khăn, hạn chế của DNNVV. Từ đó, có thể đưa giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong từng ngành hàng cụ thể để khai thác tốt hơn thị trường nước ngoài thông qua xúc tiến xuất khẩu.

Ông Vũ Bá Phú cũng cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục XTTM đã hợp tác với Business France và AFD… nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống XTTM của Việt Nam. Trong đó, dự án tập trung sâu hơn về việc tiếp cận thông tin về thị trường cũng như sử dụng các phương pháp xúc tiến thương mại hiện đại và hiệu quả vào trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu cho doanh nghiệp như truyền thông, thương mại điện tử, mạng xã hội… qua đó có thể xây dựng thương hiệu cũng như xây dựng các chiến dịch marketing cho doanh nghiệp.

Một trong số các hoạt động mới của dự án là việc các bên đã có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể đến gặp Hiệp hội, DNNVV để tìm hiểu các khó khăn của doanh nghiệp, từ đó có các chương trình và hoạt động rất cụ thể, chi tiết. Ví dụ như nhu cầu về thông tin, cách làm truyền thông hiệu quả hơn thông qua ứng dụng mạng xã hội, thương mại điện tử… các kỹ năng này được cơ quan phát triển của Pháp và Cục Xúc tiến thương mại có hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp một cách cụ thể. Bộ Công Thương, Cục XTTM đã có bước đầu trao đổi với cơ quan phát triển Pháp AID cùng với Business France… đi sâu vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể để khai thác hiệu quả hơn dự án này.


Hoàng Hà - Tạp chí TCDN số 4/2019
Bạn đang đọc bài viết Xúc tiến xuất khẩu hỗ trợ DNNVV: Tận dụng ưu thế mạng xã hội tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận