Xung quanh khiếu nại tại dự án sân bay Long Thành: ACV nói gì?
TCDN - Xung quanh thông tin khiếu nại của liên danh Hoa Lư tại gói thầu dự án Sân bay Long Thành, đại diện chủ đầu tư cho biết, việc đánh giá năng lực nhà thầu đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đấu thầu
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa có văn bản gửi liên danh Hoa Lư về việc giải quyết kiến nghị của liên danh này liên quan gói thầu 5.10.
ACV cho biết, chủ đầu tư, bên mời thầu gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã nhận được thư kiến nghị số 01 ngày 1/8 của liên danh Hoa Lư về năng lực của đơn vị này khi tham gia dự thầu gói thầu 5.10.
Sau khi xem xét nội dung thư kiến nghị của nhà thầu đề ngày 1/8, ACV cho biết, trên cơ sở hồ sơ dự thầu đã nộp ngày 12/6 của các nhà thầu tham dự, bên mời thầu, tổ chuyên gia lựa chọn nhà thầu đã thực hiện đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật căn cứ vào các tiêu chí, yêu cầu, tiêu chuẩn đánh giá được quy định trong.
Trước đó, ACV đã công bố thông tin nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách, thuộc dự án thành phần 3 của dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án sân bay Long Thành, với tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng.
Theo công bố của ACV, nhà thầu duy nhất có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu 5.10 là liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng ICISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu.
ACV cho biết, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, các nội dung cần làm rõ theo quy định pháp luật về đấu thầu, ACV đã có các văn bản yêu cầu nhà thầu bổ sung, làm rõ đúng theo quy định đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch đối với các nhà thầu tham gia dự thầu.
Việc làm rõ các nội dung đề xuất về kỹ thuật tuân thủ nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ thầu đã nộp, đảm bảo cạnh tranh, công bằng giữa các nhà thầu tham dự. Các nội dung về đề xuất kỹ thuật của nhà thầu bao gồm các thuyết minh, tài liệu kỹ thuật, bản vẽ kèm theo đã hội đủ thông tin làm cơ sở để ACV, tổ chuyên gia đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá được quy định trong hồ sơ mời thầu đã được phê duyệt và phát hành trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đã được chủ đầu tư phê duyệt căn cứ vào kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đã được thẩm định. Bên mời thầu đã thông báo danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đến tất cả các nhà thầu tham dự gói thầu (thông báo 3146 ngày 1/8) theo đúng quy định Nghị định 63 ngày 26/6/2014 của Chính phủ.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 43 Luật Đấu thầu, đối với nhà thầu không được lựa chọn, trong thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do nhà thầu không trúng thầu.
Chủ đầu tư sẽ thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu rõ nhà thầu trúng thầu (nếu có) và lý do các nhà thầu không trúng thầu đến tất cả các nhà thầu tham dự.
ACV cho biết, hiện nay đang trong quá trình xét thầu, các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu là bảo mật theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Tại thư kiến nghị số 01 ngày 1/8 của Hoa Lư, liên danh gửi kiến nghị đến nhiều cấp lãnh đạo, cấp quản lý, các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư là chưa phù hợp với quy trình giải quyết kiến nghị.
“Việc này có thể ảnh hưởng đến uy tín của nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu khi chưa hết hạn giải quyết kiến nghị. Vì vậy, chủ đầu tư đề nghị liên danh Hoa Lư tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại các Điều 91, 92 của Luật Đấu thầu, Điều 118 của Nghị định 63 và Hồ sơ mời thầu đã phát hành”, văn bản của ACV đề cập.
Các doanh nghiệp dự thầu thực hiện nghĩa vụ thuế như thế nào?
Được biết, liên danh Hoa Lư gồm các công ty: Công ty Cổ phần xây dựng Coteccons (đứng đầu liên danh), Công ty Cổ phần Xây dựng Hòa Bình, Công ty Cổ phần Xây dựng Central, Tổng Công ty Thành An (Binh đoàn 11 – Bộ Quốc phòng), Công ty Delta, Công ty Xây dựng An Phong, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons và Công ty Power Line Engineering (Thái Lan).
Trong khi đó, liên danh Vietur bao gồm 10 thành viên do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại - Xây dựng IC ISTAS đứng đầu. IC ISTAS thuộc IC İbrahim Cecen Investment Holding (Thổ Nhĩ Kỳ), thành lập năm 1969. Đơn vị này có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn như bến cảng, sân bay, năng lượng,... tại khu vực Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nga... trong đó có các sân bay quốc tế lớn tại các nước: Nga, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari...
Theo dữ liệu Tài chính Doanh nghiệp có được, tại ngày 30/6/2023, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) là doanh nghiệp có quy mô lớn hàng đầu ở liên danh liên danh Vietur. Đáng chú ý khi nợ vay tài chính hơn 13.349 tỷ đồng, chiếm khoảng 62% tổng nợ phải trả. Vinaconex còn nợ thuế 418 tỷ đồng tăng 210% sau 6 tháng.
Trong quý 1 và quý 2/2023, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt lần lượt 545,8 tỷ đồng và 1.236,07 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, CC1 được ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 18,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 5,8 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của CC1 đạt 4.502 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,6% so với đầu kỳ. Dòng tiền hoạt động kinh doanh của CC1 đã được cải thiện đáng kể từ mức âm 2.343 tỷ đồng cùng kỳ giảm xuống còn âm 814 tỷ đồng.
Theo BCTC quý 2/2023 của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (UPCoM: HAN), tổng tài sản công ty tại ngày 30/6/2023 đạt 7.483 tỷ đồng, biến động không đáng kể so với hồi đầu năm. Tiền mặt doanh nghiệp còn hơn 17 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng hơn 218 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng gần 13 tỷ đồng. Ngoài ra, HAN còn 71 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng và 100 triệu đồng chứng khoán kinh doanh. Kết thúc quý 2/2023, nợ phải trả của HAN còn 5.844 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu (1.638 tỷ đồng). Bao gồm, nợ vay tài chính ngắn hạn hơn 1.089 tỷ đồng, Thuế và khoản phải nộp nhà nước 105 tỷ đồng.
Đối với CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC), tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản công ty khoảng 2.846 tỷ đồng. Phần lớn tài sản PHC nằm ở khoản phải thu với 1.503 tỷ đồng, doanh nghiệp có hơn 641 tỷ đồng hàng tồn kho. Tiền và các khoản tương đương tiền còn khoảng 27 tỷ đồng. Đáng chú ý khi thuế và các khoản phải nộp nhà nước chỉ hơn 2 tỷ đồng.
Đối với BCTC năm 2022 của CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons cho thấy, tính đến hết năm 20222, tổng tài sản Ricons đạt 8.193 tỷ đồng, phần lớn là tài sản ngắn hạn với 7.280 tỷ đồng, còn lại là tài sản dài hạn. Nợ phải trả Ricons đạt 5.785 tỷ đồng, chiếm trên 70% tổng tài sản Rincons. Trong đó, nợ vay tài chính hơn 753 tỷ đồng, nợ thuế và các khoản phải nộp nhà nước của công ty còn hơn 5 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo BCTC hợp nhất quý 2/2023 của CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD), ghi nhận tổng tài sản doanh nghiệp đạt 21.371 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2.400 tỷ đồng sau 6 tháng. Nợ phải trả tại ngày 30/6/2023 của Coteccons đạt 13.103 tỷ đồng, tăng thêm 2.350 tỷ đồng sau 6 tháng. Chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn với 12.603 tỷ đồng, nợ dài hạn là 500 tỷ đồng. Nhìn vào cơ cấu nợ của Coteccons có thể thấy, nợ vay tài chính Coteccons đạt 1.195 tỷ đồng, tăng thêm 118 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899