Cà Mau giảm thu 20% vì hoạt động kinh doanh khí không nộp thuế tại tỉnh
TCDN - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, việc điều chỉnh kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh khí tại Cà Mau (kê khai, nộp thuế tại TP Hà Nội và Tp.HCM) đã làm giảm số thu, quy mô thu ngân sách hàng năm của tỉnh Cà Mau khoảng 20%.
Ngày 7/8, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 đã có buổi khảo sát và làm việc tại Công ty Khí Cà Mau và Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau.
Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 đã cung cấp sản lượng điện lũy kế trên 108 tỷ kWh, nộp ngân sách nhà nước trên 4.300 tỷ đồng.
Sản lượng điện sản xuất trong 6 tháng đầu năm đạt 112% so với kế hoạch và doanh thu đạt 115% so với kế hoạch là do nhu cầu hệ thống tăng cao trong giai đoạn mùa khô nên EVN đã huy động hai Nhà máy vận hành bằng nhiên liệu khí vượt 8,5% kế hoạch (2.994/2.759 triệu kWh).
Ngoài ra, EVN/A0 đã huy động Nhà máy điện Cà Mau 1 vận hành bằng nhiên liệu dầu trong tháng 4 và tháng 5/2023 với sản lượng là 104 triệu kWh, lượng dầu tiêu thụ là 16.840 tấn.
Báo cáo với đoàn giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, đến nay, một số dự án điện gió đã thi công hoàn thành, nhưng chỉ được vận hành với giá mua điện bằng 50% giá trần của Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, chưa có giá bán điện mới. Đồng thời, chưa có cơ chế, chính sách cụ thể phát triển thêm các loại hình điện mặt trời. Từ đó, gây khó khăn cho nhà đầu tư đang triển khai thực hiện dự án, cũng như thu hút thêm nhà đầu tư mới thực hiện các dự án theo quy hoạch được phê duyệt. Điều này cần được tháo gỡ.
Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt mong muốn Trung ương quan tâm đến việc huy động nguồn năng lượng từ các nhà máy điện ở Cà Mau, trong đó có nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, góp phần cho địa phương phát triển nhanh trên lĩnh vực công nghiệp; có những cơ chế, chính sách trong thực hiện chiến lược phát triển tiềm năng năng lượng; xem xét hình thành nhà máy điện khí Cà Mau 3.
Cùng với đó, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (văn bản trước đây thuộc giai đoạn 2012-2015 đã hết hiệu lực); xem xét, đề nghị cấp thẩm quyền có phương án tăng cường nguồn cấp khí vì mỏ khai thác khí PM3-CAA trong giai đoạn cuối vòng đời dự án, khả năng cấp khí vào bờ suy giảm trong các năm tới.
Theo ông Việt, việc điều chỉnh kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh khí tại Cà Mau theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn (kê khai, nộp thuế tại TP Hà Nội và Tp.HCM) đã làm giảm số thu, quy mô thu ngân sách hàng năm của tỉnh Cà Mau khoảng 20%; từ đó kéo giảm trần nợ vay của chính quyền địa phương, làm giảm quy mô, khả năng đầu tư phát triển của tỉnh, nhất là đầu tư hạ tầng; khả năng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ không thực hiện được.
Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt kiến nghị: “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, thành lập mới chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại tỉnh Cà Mau, hoặc bổ sung trong Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, để kê khai, nộp thuế đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên địa bàn tỉnh”.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Đoàn giám sát đã làm việc với nhiều bộ ngành địa phương, thông qua khảo sát thực tế tại các địa phương ghi nhận những khó khăn vướng mắc đồng thời đoàn giám sát cũng sẽ yêu cầu tập đoàn, các cơ quan giải trình làm rõ những vấn đề đặt ra.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899