Yêu cầu xử nghiêm vi phạm kinh doanh xăng dầu

18/01/2023, 08:17

TCDN - Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành tăng cường giám sát, kiểm tra toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa ban hành Công văn số 77 về việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, kiểm tra toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình.

Từ đó, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Xử lý nghiêm vi phạm kinh doanh xăng dầu dịp Tết.

Xử lý nghiêm vi phạm kinh doanh xăng dầu dịp Tết.

“Thủ trưởng Cục QLTT các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay hoặc làm ngơ cho các đối tượng, hành vi vi phạm”, Tổng cục QLTT chỉ đạo.

Hiện nguồn cung xăng, dầu đang được bảo đảm, không còn tình trạng người dân phải xếp hàng chờ đổ xăng tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu. Tuy nhiên, nguồn cung xăng, dầu của nước ta vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu (khoảng 20-25%).

Trong khi đó, thị trường xăng, dầu thế giới năm 2023 được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, tác động trực tiếp tới sự ổn định của thị trường trong nước.

Tổng cục QLTT đề nghị thủ trưởng Cục QLTT các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai; trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc báo cáo kịp thời về Tổng cục QLTT để thống nhất chỉ đạo.

Bộ Công Thương khẳng định, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 nguồn cung xăng dầu cho thị trường không thiếu.

Ngày 28/12/2022, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn xảy ra sự cố rò rỉ xúc tác tại phân xưởng RFCC. Công ty đã phải tạm dừng và giảm công suất chung để khắc phục sự cố.

Sự cố trên đã làm giảm sản lượng xăng dầu từ nhà máy khoảng 20 - 25% so với kế hoạch trong tháng 1, tương đương khoảng 200.000 m3 (kế hoạch ban đầu là 800.000 m3, thực tế còn khoảng 600.000 m3), đồng thời làm ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.

Tuy nhiên chiều 13/1, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã khắc phục xong sự cố và đạt 100% công suất từ chiều 15/1. Đại diện nhà máy này đã khẳng định và cam kết bảo đảm cung ứng đủ lượng xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Nhà máy cũng sẽ chủ động tăng công suất cao nhất trước kỳ bảo dưỡng định kỳ trong năm để bù đắp sản lượng trong thời gian bảo dưỡng, góp phần cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thị trường và an ninh năng lượng quốc gia.

Như Quỳnh
Bạn đang đọc bài viết Yêu cầu xử nghiêm vi phạm kinh doanh xăng dầu tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thủ tướng: Bộ Công Thương khẩn trương sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh chưa được xử lý triệt để. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Chuyên gia Ngô Trí Long: Cần điều chỉnh lại chi phí kinh doanh xăng dầu
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng Bộ Tài chính cần phải xem xét điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu và premium trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu để doanh nghiệp không “càng bán càng lỗ” dẫn tới đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh.