Ngân hàng Nhà nước yêu cầu cấp đủ vốn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

09/11/2022, 06:55

TCDN - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện 4 giải pháp để cung ứng đủ vốn cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Ngày 8/11/2022, NHNN đã có Công bản số 7881/NHNN-TD gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại (NHTM) về cấp vốn cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Văn bản nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân. Từ đầu năm 2022, NHNN đã có nhiều chỉ đạo về công tác tín dụng, ngoại tệ cho lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung, không để thiếu hụt xăng dầu cho thị trường trong nước.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thực hiện 4 giải pháp cấp đủ vốn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thực hiện 4 giải pháp cấp đủ vốn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 02/11/2022 về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, Thống đốc NHNN yêu cầu các NHTM khẩn trương thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được Thống đốc NHNN chỉ đạo tại công văn số 1509/NHNN-TD ngày 15/03/2022 về việc cấp tín dụng đối với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các nguyên tắc tín dụng hiện hành và quy định của pháp luật.

Hai là, chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công thương) phục vụ việc mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được phân giao, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra thiếu hụt, không để xảy ra tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật.

Ba là, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các NHTM chỉ đạo sát sao trong toàn hệ thống; tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cso đủ điều kiện theo quy định; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm gây chậm trễ trong công tác tín dụng.

Bốn là, định kỳ hàng tháng, thực hiện báo cáo tình hình cấp tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu về NHNN. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc trong quá trình, kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN để được xem xét, xử lý.

Cũng trong ngày 8/11, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu. Văn bản nêu rõ, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương tại công văn số 6436/BCT-TTTN ngày 18/10/2022, kết quả tổng hợp báo cáo chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi về Bộ Tài chính và ý kiến của Bộ Công Thương tại công văn số 720/BCT-TTTN ngày 03/11/2022, công văn số 725/BCT-TTTN ngày 04/11/2022; Bộ Tài chính thông báo như sau:

Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu): Xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 là 640 đồng/lít (tăng 290 đồng); Xăng RON95 là 1.280 đồng/lít (tăng 560 đồng); Dầu diesel là 730 đồng/lít (tăng 160 đồng); Dầu hỏa là 1.740 đồng/lít (660 đồng) và Dầu mazut là 1.290 đồng/kg (tăng 60 đồng).

Thời gian thực hiện, Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu áp dụng từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11/2022.

Đối với Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, theo Bộ Tài chính các khoản chi phí này theo báo cáo không phát sinh đột biến như khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam. Mặt khác, các khoản chi phí này mới được điều chỉnh tăng ngày 7/10/2022 và sẽ được tiếp tục rà soát, đánh giá theo định kỳ vào cuối năm 2022, thông báo áp dụng vào 10/01/2023. Vì vậy Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi rà soát căn cứ trên báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và công bố điều chỉnh vào 10/01/2023 theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC.

PV
Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Nhà nước yêu cầu cấp đủ vốn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Dự kiến tăng chi phí đưa xăng dầu nước ngoài về Việt Nam từ 11/11
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương phương án tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu với mức tăng từ 60 đồng đến 660 đồng/lít xăng dầu dự kiến thực hiện từ 11/11.
Cần thêm cơ chế quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, cần có thêm cơ chế để việc dùng Quỹ bình ổn giá xăng dầu một cách linh hoạt. Mục tiêu của quỹ bình ổn giá là để đảm bảo đáp ứng những lúc giá biến động nhưng với cơ chế vận hành như hiện nay không đáp ứng được yêu cầu.
Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng bán xăng dầu tự phát
Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội đề nghị các sở, ngành có liên quan và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã, tăng cường xử lý tình trạng kinh doanh xăng dầu tự phát nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường xăng, dầu.