Cần thêm cơ chế quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu

08/11/2022, 08:14

TCDN - Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, cần có thêm cơ chế để việc dùng Quỹ bình ổn giá xăng dầu một cách linh hoạt. Mục tiêu của quỹ bình ổn giá là để đảm bảo đáp ứng những lúc giá biến động nhưng với cơ chế vận hành như hiện nay không đáp ứng được yêu cầu.

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, dự thảo Luật còn còn nhiều điều khoản giao Chính phủ quy định. Qua rà soát cho thấy, trong số 72 điều luật thì có đến 13 điều luật giao Chính phủ quy định với nhiều nội dung quan trọng như Danh mục hàng hóa bình ổn giá; trường hợp quyết định chủ trương bình ổn giá hàng hóa không thuộc Danh mục bình ổn giá...

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân khi quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết có vẻ như sẽ thuận lợi, linh hoạt nhưng thực tế khi bắt tay vào thực hiện sẽ phát sinh nhiều vướng mắc, có vấn đề tự Chính phủ không thể quyết định được.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương).

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương).

Đại biểu dẫn chứng trong quản lý giá xăng dầu, bình ổn giá thông qua điều hòa cung cầu, xuất nhập khẩu, tài chính tiền tệ… nhưng thực tế việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu không thực sự linh hoạt, không theo đúng tinh thần của luật. Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị không nên quy định giao Chính phủ quy định về Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá và giá tham chiếu.

Đại biểu cho biết thêm, việc quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt nhằm tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước ảnh hưởng đến quy luật cung-cầu; bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, ổn định, giúp doanh nghiệp, người dân có chiến lược kinh doanh phù hợp. Việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật cũng khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”.

Mặt khác, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật giá hiện hành cũng đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều họp hàng tháng và thậm chí có thể họp bất thường nên đáp ứng được yêu cầu quyết định kịp thời.

Ngoài ra, cũng từ những bất cập, vướng mắc trong quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhiều bộ ngành cùng tham gia, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Luật cần có thêm cơ chế để việc dùng Quỹ bình ổn giá xăng dầu một cách linh hoạt. Đại biểu nhấn mạnh, mục tiêu của quỹ bình ổn giá là để đảm bảo đáp ứng những lúc giá biến động nhưng với cơ chế vận hành như hiện nay không đáp ứng được yêu cầu.

Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng, sự phân cấp phân quyền trong thẩm định giá cần thể hiện thật rõ ràng; tránh chồng chéo về trách nhiệm; làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản và các cấp địa phương.

Bên cạnh đó, theo đại biểu cơ chế hiệp thương về giá cần quy định chặt chẽ, tránh tạo ra sự thông đồng, hoặc có lợi cho một bên. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu quy định rõ hơn, đảm bảo tính khả thi đối với các quy định liên quan đến hiệp thương về giá.

Cụ thể vừa qua giá xăng giá điện có biến động rất nhiều, điều chỉnh nhưng khó giảm, ảnh hưởng đến người sử dụng. Hoặc như việc điều chỉnh giá phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu cũng biến động, ảnh hưởng đến người dân khá lớn.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Cần thêm cơ chế quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chính phủ chưa muốn bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Chính phủ nhận định, trong thời gian vừa qua Quỹ bình ổn giá xăng dầu có lợi ích và tác dụng lớn trong quá trình thực hiện bình ổn giá, đặc biệt là sự biến động mạnh nhất trong năm 2022 do đó nên chưa đề xuất bỏ trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
Bộ Công Thương nói về đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, một điều hết sức quan trọng ở Việt Nam nếu giá xăng tăng thì tất cả các mặt hàng khác đều tăng nhưng nếu giá xăng giảm thì các mặt hàng khác lại chưa giảm. Quỹ bình ổn tham gia việc bình ổn giá xăng dầu trong nước.