12 dự án ngành Công Thương: Cơ hội “hồi sinh” từ quyền cung cấp tài chính và bảo lãnh vay vốn của DATC

29/10/2020, 16:48

TCDN - Việc Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) được cung cấp tài chính và bảo lãnh vay vốn sẽ tạo cú huých quan trọng giúp doanh nghiệp tái cơ cấu nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với tình trạng “bi đát” của 12 dự án ngành Công Thương, liệu DATC có làm nên kỳ tích?

nam2890-1554220972511817070926-16021496096871459602878

Cần tối thiểu 2-3 năm để hoạt động ổn định

Tại phiên họp lần thứ 9 Ban chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu, DATC nghiên cứu, tham gia quá trình tái cơ cấu theo đúng vai trò, chức năng trong quá trình thoái vốn nhà nước tại các dự án này. Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để DATC tham gia tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo quy định, cố gắng giảm thiểu thiệt hại tối đa cho Nhà nước. 

Theo đó, quy trình thực hiện phương án tái cơ cấu thông qua hoạt động xử lý nợ tại DATC đòi hỏi phải tuân thủ một loạt yêu cầu công việc, từ tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp để đánh giá khả năng tái cơ cấu, phục hồi, phát triển và xác định phương án xử lý nợ phù hợp.

Tiếp đến, DATC sẽ xác định giá và đàm phán mua nợ để trở thành chủ nợ mới; đàm phán với chủ sở hữu doanh nghiệp để chuyển nợ thành vốn góp nhằm cơ cấu lại nguồn vốn và nợ phải trả để giảm gánh nặng trả nợ cho doanh nghiệp.

Sau đó, DATC tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để tận dụng những kinh nghiệm quản trị, trình độ kỹ thuật, kênh phân phối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sau tái cơ cấu; tái cấu trúc bộ máy quản lý điều hành và nguồn nhân lực của doanh nghiệp; tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thị trường tiêu thụ, vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, DATC còn hỗ trợ hoạt động sau chuyển đổi như điều chỉnh kế hoạch trả nợ, xây dựng thể chế, xây dựng mục tiêu chiến lược để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các dự án của ngành Công Thương đều trong tình trạng nợ tồn đọng lớn, thua lỗ nhiều năm, mất hết vốn chủ sở hữu, thậm chí âm vốn, mất khả năng thanh toán. Nếu DATC tham gia tái cơ cấu các doanh nghiệp phải có thời gian phục hồi và tối thiểu cũng cần 2-3 năm mới hoạt động ổn định.

Đặc biệt, sau tái cơ cấu các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về vốn, việc chuyển nợ thành vốn góp của DATC không tạo ra dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần có một nguồn vốn lưu động nhất định để sửa chữa máy móc thiết bị, chuẩn bị nguồn nhiên vật liệu… phục vụ cho sản xuất nhưng các dự án, doanh nghiệp sau khi được DATC mua nợ và tái cơ cấu tài chính hầu như không có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng theo nguyên tắc cho vay của ngân hàng quy định.

Cung cấp tài chính từ nguồn vốn kinh doanh

Với quy định không cho phép DATC cho vay hoặc bảo lãnh các doanh nghiệp này vay vốn ngân hàng đã khiến đợn vị này gặp không ít khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ xử lý nợ gắn với tài cơ cấu doanh nghiệp. Theo đó, do không nhận được sự hỗ trợ kịp thời sau khi tái cơ cấu tài chính, không được xử lý triệt để các tồn tại tài chính như xóa nợ phần lỗ lũy kế nhưng chưa âm vốn chủ sở hữu nên việc các dự án, doanh nghiệp tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ và khả năng trả nợ cho DATC là khó khả thi.

Để đẩy nhanh sự phục hồi của doanh nghiệp thông qua hoạt động mua bán, xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp, Nghị định 129/2020/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp tái cơ cấu do DATC nắm giữ trên 50% vốn điều lệ có phương án sản xuất kinh doanh, phương án sử dụng vốn khả thi (bao gồm cả nguồn trả nợ) và hiệu quả thì được DATC xem xét hỗ trợ theo 02 phương án.

Thứ nhất, cung cấp tài chính từ nguồn vốn kinh doanh của DATC. Biện pháp hỗ trợ này cần đảm bảo nguyên tắc, DATC quyết định và chịu trách nhiệm về việc cung cấp tài chính cho doanh nghiệp tái cơ cấu, trên cơ sở phương án thu hồi vốn hiệu quả và khả thi.

Không cung cấp tài chính đối với các doanh nghiệp tái cơ cấu mà DATC đã có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của DATC trong năm tài chính. Đối với doanh nghiệp tái cơ cấu đã được DATC cung cấp tài chính, trường hợp DATC có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của DATC tại doanh nghiệp thì phải có phương án thu hồi khả thi khoản cung cấp tài chính trước khi chuyển nhượng vốn góp.

Doanh nghiệp tái cơ cấu phải sử dụng đúng mục đích khoản cung cấp tài chính của DATC, không được sử dụng khoản cung cấp tài chính của DATC để trả nợ cho chính DATC.

DATC thông qua Người đại diện để thực hiện giám sát doanh nghiệp tái cơ cấu trong việc sử dụng khoản cung cấp tài chính của DATC theo đúng phương án sử dụng vốn.

Thứ hai, bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng, DATC thực hiện bảo lãnh theo nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Việc bảo lãnh vay vốn để thực hiện dự án đầu tư phải trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án đầu tư và phải có cam kết trả nợ đúng hạn đối với khoản vay được bảo lãnh.

Bộ Tài chính nhận định, việc bổ sung quyền được cung cấp tài chính hoặc bảo lãnh cho các doanh nghiệp được DATC tham gia tái cơ cấu là cần thiết vì đối tượng DATC hỗ trợ là các doanh nghiệp (có vốn góp chi phối của DATC) khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh và xác định đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ tái cơ cấu, xử lý tài chính cho doanh nghiệp (tạo điều kiện để doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh). Khi thực hiện các nghiệp vụ cung cấp tài chính hoặc bảo lãnh cho các doanh nghiệp, DATC phải đảm bảo gắn với phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn và phải hỗ trợ cho việc thu hồi nợ và vốn của DATC khi chuyển nhượng, đồng thời phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.

Vấn đề đặt ra là với quy mô hiện nay, liệu việc DATC tham gia quá trình tái cơ cấu 12 dự án ngành Công Thương có cải thiện được tình trạng “bi đát”? Bởi theo số liệu ước tính 6 tháng đầu năm 2020, tình hình tài chính của 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương có tổng tài sản là hơn 59.000 tỉ đồng, nhưng âm vốn chủ sở hữu lên tới 7.264,61 tỉ đồng. Tổng số nợ phải trả của các dự án/doanh nghiệp này là 63.308,82 tỉ đồng và còn lỗ lũy kế là 26.360,88 tỉ đồng.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết 12 dự án ngành Công Thương: Cơ hội “hồi sinh” từ quyền cung cấp tài chính và bảo lãnh vay vốn của DATC tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Năm 2019: DATC mua và xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu
Năm 2019, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã mua và xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Doanh thu từ hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản là 1.785 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch, bằng 124% so với năm 2018.