36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu "cầu cứu" Thủ tướng

07/10/2022, 19:41
báo nói -

TCDN - Theo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại khu vực Tp.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhận định, việc điều hành thị trường xăng dầu trong thời gian qua “có vấn đề”, gây bất lợi đến doanh nghiệp, dẫn đến bất ổn thị trường.

36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Tp.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vừa đồng loạt ký tên gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ phản ánh những bất cập trong điều hành của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, các DN cùng ký đơn cho rằng việc điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua có vấn đề, kéo theo những bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu.

Một trong những bất cập được các doanh nghiệp nêu ra chính là việc vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu đang diễn ra ngang nhiên trên thị trường nhưng không có ai bị xử lý.

36 doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị Thủ tướng về bất cập trong kinh doanh xăng dầu.

36 doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị Thủ tướng về bất cập trong kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, theo Nghị định 95 của Chính phủ, doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố. Nhưng thực tế trong quản lý, liên bộ đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, để các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách "lách" quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hoá đơn khác theo bảng kê của các hoá đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng 0 đồng.

“Với cách này, khi cộng phí vận chuyển, doanh nghiệp bán lẻ phải mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định. Chúng tôi thấy, với quan điểm đè giá, chẳng hạn như giá xăng dầu theo thị trường là 20.000 đồng/lít nhưng muốn điều hành giá còn 19.000 đồng/lít và lấy đó làm thành tích quản lý thì chúng tôi cho rằng việc bất ổn sẽ còn kéo dài. Bởi từ quan điểm đó dẫn đến không tính đúng tính đủ chi phí trong giá cơ sở, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ phải chịu tình trạng giá mua vào cao hơn giá bán ra”, các doanh nghiệp cho hay.

Các doanh nghiệp đề nghị khi kinh doanh xăng dầu chưa theo quy luật thị trường một cách hoàn toàn thì cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ, tránh tình trạng "thả nổi" chiết khấu.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, việc trích quỹ bình ổn cũng cần xem xét loại bỏ, vì hoạt động không khách quan. Nên đưa công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn, người dân và toàn bộ doanh nghiệp cũng theo dõi được rõ ràng hơn.

Từ đó, 36 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu này đưa ra một số kiến nghị lên Chính phủ. Đó là thị trường xăng dầu cần có sự chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời, đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường. Thứ 2 là các giải pháp nhằm khắc phục hoàn toàn tình hình thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cần phải có, không để doanh nghiệp bán lẻ bị bắt buộc bán ra với giá thấp hơn giá mua vào.

Kế tiếp là cần thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay vì nó chưa phù hợp, chưa tính đủ chi phí dẫn đến doanh nghiệp càng bán ra càng thua lỗ. Thứ 4 là khi chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới, doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị trước mắt nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ theo tỉ lệ trên mỗi lít xăng dầu. Cuối cùng, kiến nghị xem xét loại bỏ quỹ bình ổn xăng dầu do hoạt động của quỹ “không khách quan”. Chính phủ nên có công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho biết, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất có thể điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành giá xăng dầu sớm nhất có thể, giúp giải quyết khó khăn và tăng lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu, từ đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ. Hai đơn vị cũng tác động đến chiết khấu, nâng chiết khấu các cửa hàng bán lẻ giúp tháo gỡ khó khăn cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Danh sách các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đồng ký tên vào đơn kiến nghị:

Các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH hoặc TNHH Một thành viên (MTV): Tân Tân, Bội Ngọc, Dương Anh Thư, Đoàn Việt, Tân Nguyên Sơn, Tân Thịnh Phát, Minh Đạt, Tân Thịnh Phát, Võ Văn Vân, Thông Thái, Lê Hồng Thư, Minh Phát, kinh doanh xăng dầu miền Nam, Bùi Công Trừng - cửa hàng xăng dầu Láng Le, Đông Sài Gòn Long An, Nguyên Long - trạm xăng dầu Đông Sài Gòn, dầu khí Đông Sài Gòn, Hữu Nghị, Tân Phú, Hiệp Lợi Sài Gòn, Quang Liêm, năng lượng Sài Gòn, Phan Thị Nga, Hiệp Phú Thành, Thành Minh Phát, Thủ Đức Oil, Xuân Vinh, Hiệp Phú Phát - chi nhánh TP.HCM, xăng dầu PLX, Quang Anh, Phương Thủy, Tân Cảnh, Thanh Nga, Phúc An, Trường Vạn Lý, Vĩnh Thành..

PV
Bạn đang đọc bài viết 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu "cầu cứu" Thủ tướng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan