6 tháng đầu năm: Cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục

07/07/2023, 19:46
báo nói -

TCDN - Trong 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu; tuy nhiên sản xuất công nghiệp lại chưa đạt kết quả như mong muốn.

Cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "6 tháng đầu năm nay, tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, kinh tế nước ta đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà phục hồi và đạt được những kết quả khả quan, nổi bật là xuất, nhập khẩu có sự phục hồi tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế".

Đặc biệt, cán cân thương mại xuất siêu kỷ lục, đạt mức 12,25 tỷ USD trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu. Thị trường trong nước duy trì mức tăng trưởng cao (2 con số), bảo đảm cung ứng các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng của ngành Công Thương trong 6 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa)

Xuất nhập khẩu là điểm sáng của ngành Công Thương trong 6 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa)

Ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện tại, hoạt động xuất khẩu đã lấy lại được đà phục hồi và tăng trưởng. Thặng dư thương mại lớn đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hồi, tạo dư địa lớn trong điều hành chính sách tiền tệ. Xuất khẩu hàng công nghiệp giảm mạnh trong khi hàng nông sản tăng trưởng khá tốt, nhất là một hàng rau quả, gạo và hạt điều.

Để lấy lại đà tăng trưởng trong xuất khẩu, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, hỗ trợ sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu; kiến nghị thêm chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chủ trì triển khai đồng bộ các chương trình trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược phát triển các mặt hàng chủ lực; trong đó, có Chiến lược xuất khẩu mặt hàng gạo. Ngoài ra, Bộ tiếp tục thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; trong đó, tập trung vào việc xây dựng hình ảnh và công bố doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel. Đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các thị trường còn là tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại…

Sản xuất công nghiệp đạt kết quả chưa mong muốn

Lý giải nguyên nhân sản xuất công nghiệp nửa đầu năm 2023 đạt kết quả chưa mong muốn, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng: Chủ yếu nền sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do xu thế thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như EU, Mỹ, từ đó ảnh hưởng mạnh đến đơn hàng của các ngành xuất khẩu chủ lực.

Hơn nữa, thị trường nội địa của ngành sản xuất cũng sụt giảm mạnh; thị trường vốn và tín dụng chưa được khơi thông dẫn đến sức mua trong nước còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Cùng đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chưa đạt yêu cầu, thị trường bất động sản đình trệ đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất liên quan.

Theo ông Trương Thanh Hoài, 6 tháng cuối năm, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu....

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Để giúp các ngành công nghiệp khôi phục đà tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm, lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng đề xuất Lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ổn định thị trường tài chính, trọng tâm là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, phối hợp đồng bộ, hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời tạo thị trường cho các ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí, thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải…Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản nhằm tạo động lực cho tiêu dùng cũng như ngành công nghiệp xây dựng liên quan.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương trong 6 tháng cuối năm 2023:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2023; đồng thời, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, nâng cao năng lực dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả để tham mưu, đề xuất các đối sách, giải pháp phù hợp, khả thi và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt ...

2. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định; chủ động phối hợp với các đơn vị và địa phương liên quan bám sát tiến độ, kịp thời tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc để sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng, tính lan tỏa cao trong các lĩnh vực.

3. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế trong các lĩnh vực Ngành quản lý. Khẩn trương hoàn thành xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện 8 và Chiến lược phát triển ngành Điện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tích cực triển khai xây dựng luật Hóa chất, luật Phát triển công nghiệp, luật Điện lực (sửa đổi), luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), luật Phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp,..

4. Đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng (như Israel, UEA, Mercosur…); tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại.

5. Các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường và thường xuyên cập nhật các quy định, chính sách mới của nước sở tại để tham mưu, đề xuất những phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy; đồng thời, giúp các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp. Tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực mà trong nước đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư...

6. Củng cố, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành trong thực thi công vụ, nhất là việc đề cao trách nhiệm trước pháp luật, lãnh đạo Bộ và nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp.

Thái Bình
Bạn đang đọc bài viết 6 tháng đầu năm: Cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Xuất khẩu rau quả đạt 2,7 tỷ USD, tăng hơn 60%
Trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 723 triệu USD, tăng 10,2% so với tháng trước và tăng tới 182,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2022.