Chính sách tài chính “chưa có tiền lệ” giúp nền kinh tế “vượt bão”:

Bài 2: Năm 2023 thách thức ngành Tài chính và câu hỏi chính sách thuế, phí

13/03/2023, 10:30
báo nói -

TCDN - Năm 2023 hoạt động xuất nhập khẩu khó khăn, doanh nghiệp gần như cạn tiền, thị trường lao động, đơn hàng giảm, lãi suất ngân hàng tăng cao, vướng mắc pháp lý không được tháo gỡ kịp thời gây lên ách tắc cho nền kinh tế… sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách tài khóa, thu ngân sách nhà nước của ngành Tài chính.

Bài 1: Giằng co bài toán giảm thuế, phí nhưng vẫn tăng thu ngân sách

Doanh nghiệp có mạnh thì tài chính mới vững

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 19,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 164,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 119,6 nghìn lao động, giảm 3% về số doanh nghiệp, giảm 40,7% về vốn đăng ký và giảm 20,1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Năm 2022, thu ngân sách nhà nước đã vượt dự toán Quốc hội và Chính phủ giao. Trong năm 2023, dự toán tổng thu ngân sách nhà nước là 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 1.334,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,3% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước; thu từ dầu thô là 42 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước…

Theo dự báo, năm 2023 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp những thách thức do kinh tế toàn cầu đối mặt với suy giảm, lạm phát. Thực tế, từ quý 3/2022 đến nay, nền kinh tế trong nước đã bị ảnh hưởng khi tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường như xung đột, khủng hoảng năng lượng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác, các nước lớn áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất.

Ở trong nước, áp lực lạm phát gia tăng; thị trường vốn, bất động sản, chứng khoán, tiền tệ, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều điểm nghẽn,… chưa thể khắc phục ngay. Bên cạnh đó, sức ép về lãi suất, tỷ giá, lạm phát đẩy chi phí đầu vào tăng cao, trong khi hàng hóa tiêu thụ chậm, đơn hàng xuất khẩu giảm sút…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, dòng tiền ảnh hưởng tới sau tết. Khi doanh nghiệp không làm ăn được thì sẽ không có nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tại cuộc họp giao ban tháng 1, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong triển khai nhiệm vụ năm 2023, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, toàn ngành Tài chính tập trung thực hiện các chính sách tài khóa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. “Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, doanh nghiệp có mạnh thì tài chính mới vững mạnh”, Bộ trưởng lưu ý.

Trong năm 2022 chính sách tài khóa đã chứng minh là trụ đỡ của nền kinh tế. Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến, cân đối với điều kiện thực tế để nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp, trước mắt tập trung nghiên cứu triển khai một số giải pháp ngay từ đầu năm 2023.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước năm nay như mức áp dụng trong năm 2022. Các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp, sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp của năm 2023.

Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện và chuẩn bị trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023. 

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022. Theo đó, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2023 để hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh giá các mặt hàng này vẫn còn ở mức cao, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Miễn giảm thuế mới kích thích nền kinh tế

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, năm 2023, Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai đồng bộ các gói tài chính hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng bộ các công cụ thuế trong chính sách tài khóa. Việc thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế thông qua công cụ chủ yếu miễn, giảm thuế; gia hạn nộp thuế… là giải pháp cần thiết tiếp tục được triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp chờ đợi các chính sách miễn, giảm thuế, phí. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp chờ đợi các chính sách miễn, giảm thuế, phí. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, dư địa cho các chính sách tài khóa vẫn còn, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhưng phải bảo đảm có hướng đích và có mục tiêu; nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn thuế mà không thực hiện miễn giảm thuế, nhất là với thuế thu nhập doanh nghiệp, không lựa chọn giảm thuế theo tiêu chí doanh thu như năm 2020, năm 2021; rà soát cụ thể lại các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp.

TS.Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay, việc Việt Nam đưa ra các chính sách hồi phục, phát triển kinh tế được thế giới đánh giá cao trong đó có các chính sách về giãn, hoãn, giảm thuế.

“Mong mỏi của doanh nghiệp, các hiệp hội là thực thi chính sách tốt hơn nữa. Bởi lẽ năm 2023 sẽ khó khăn hơn. Thế giới sẽ khó khăn, các nước rơi vào suy thoái do lãi suất và khủng hoảng năng lượng. Điều đó khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp và thu hút FDI cũng sẽ khó khăn”, ông Lực nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua khảo sát, điều tra hơn 12.000 doanh nghiệp trong 63 tỉnh, thành cho thấy, dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, tác động nhiều mặt tới doanh nghiệp. doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn về vốn, nhân sự, thị trường…và sự lạc quan của doanh nghiệp cũng giảm đi nhiều.

“Chính sách tài chính đóng góp cực kỳ quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế. Chương trình phục hồi được đánh giá là nhanh, kịp thời. Tuy nhiên, mức độ thực hiện có khác nhau. doanh nghiệp tiếp cận về thuế, phí là nhanh nhất và trên diện rộng”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, như tiếp tục gia hạn giảm 2% thuế GTGT, vì ông cho rằng “đây là nhóm chính sách quan trọng và hiệu quả cao”. Cũng như cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới cách thức quản lý, chuyển sang hậu kiểm, quản lý rủi ro. Đồng thời thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường, thanh tra, kiểm tra, quản lý bằng rủi ro.

Đối với gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023, VCCI cũng đề xuất cho phép gia hạn 6 tháng thời điểm nộp cho toàn bộ các kỳ kê khai và nộp thuế trong năm 2023.

Theo VCCI, năm 2023 được dự đoán sẽ tiếp tục là một năm khó khăn về dòng vốn đối với các doanh nghiệp do những biến động kinh tế vĩ mô tại Việt Nam và trên thế giới. Trong khi đó, tình hình thu ngân sách trong nhiều năm trở lại đây đều vượt dự toán, còn chi đầu tư công lại không đạt kế hoạch. Nếu khoản tiền “nhàn rỗi” này được sử dụng để cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế và dịp cuối năm trước và đầu năm sau thì sẽ giúp tháo gỡ được sự mất cân về dòng tiền giữa công và tư, góp phần rất lớn để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và thưởng tết cho người lao động.

Bài 3: Chủ tịch VTCA: Chính phủ nên tiếp tục gói hỗ trợ về thuế, phí cho doanh nghiệp 

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Bài 2: Năm 2023 thách thức ngành Tài chính và câu hỏi chính sách thuế, phí tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Tài chính thanh tra dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất
Thanh tra Bộ Tài chính vừa ra quyết định thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Dự án do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.