Sửa đổi Luật Đất đai: Nhìn từ chính sách tài chính

Bài 3: Thuế cao với đầu cơ - Công cụ ổn định thị trường bất động sản

14/09/2022, 08:23
báo nói -

TCDN - Để ổn định thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng, trong Luật Đất đai sửa đổi lần này, cần phải đánh thuế lũy tiến đối với những người sở hữu nhiều nhà đất, chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời gian ngắn.

Bài 1: 7 khoản thu ngân sách từ đất đai vẫn có nguy cơ thất thoát

Bài 2: Đề xuất thuế điều tiết giá trị tăng thêm từ nhà, đất 

Đánh thuế lũy tiến người nhiều nhà đất, triệt tiêu ý chí “đầu cơ”

GS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, quản lý nhà nước về đất đai theo cơ chế thị trường tất yếu phải sử dụng các công cụ tài chính là giá và thuế để điều tiết. Luật Đất đai hiện hành mới chỉ quy định về giá đất mà chưa có quy định các nguyên tắc đánh Thuế đất. Thiếu các quy định có tính nguyên tắc về thuế đất trong Luật Đất đai có nghĩa là Luật Đất đai mới chỉ sử dụng một cách nửa vời các công cụ thị trường trong quản lý nhà nước về kinh tế đất.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

“Việc đưa các quy định mang tính nguyên tắc về thuế đất vào Luật Đất đai không phải là chồng chéo hay thay thế các quy định về thuế đất trong Luật Thuế sử dụng đất. Những quy định mang tính nguyên tắc về thuế đất trong Luật Đất đai chính là cầu nối tạo nên sự nhất quán, thống nhất giữa các công cụ kinh tế trong Luật Đất đai với các chính sách cụ thể về thuế trong Luật Thuế sử dụng đất”, GS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

TS Nguyễn Hồ Phi Hà, Học viện Tài chính cho rằng cần bổ sung thêm quy định về các khoản thu tài chính từ đất như thuế lũy tiến đối với trường hợp chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời gian ngắn, chưa thực hiện đầu tư.

Theo TS Hà, đề xuất này nhằm mục đích đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh sẽ chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu; đánh thuế đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí “đầu cơ”.

Đề xuất mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng nhà đất trong năm đầu tiên. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 3 năm hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà đất là chính đáng thì áp dụng thuế suất bình thường; đánh thuế cao để xử lý các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, giữ đất, không đưa vào sản xuất kinh doanh, để hoang hóa đất đai.

Để việc đánh thuế giúp thực sự điều tiết thu nhập tạo sự công bằng, tránh việc sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên đất, người sử dụng nhiều đất đai phải nộp thuế nhiều… TS Hà cho rằng cần một biểu thuế chi tiết đánh trên diện tích, giá trị đất đai hay vị trí, tránh đánh đồng chỉ dựa trên giao dịch mua bán. Đi vào cụ thể phải tính giá trị tính diện tích, điều này phụ thuộc vào đất đô thị, đất nông thôn ở từng khu vực khác nhau.

Chẳng hạn những vùng miền núi xa xôi, sử dụng nhiều đất canh tác để làm nông nghiệp, để sản xuất, để làm du lịch thì có thể khuyến khích. Ngược lại, đất tại nơi đông đúc, mật độ dân cư thì phải là 1 mức thuế khác hoàn toàn nhằm điều tiết cung cầu. Tuy nhiên, để thực hiện được việc đánh thuế, quan trọng là phải có cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tránh việc đánh thuế nhầm đối tượng hoặc đánh thuế dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế.

Đánh thuế từ nhà thứ 2

Chia sẻ về tiền sử dụng đất, TS Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng hiện Dự thảo đã quy định bổ sung tiền sử dụng đất tăng thêm đối với dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng phù hợp với thực trạng nhiều đất bỏ hoang, đất/khu biệt thự mua chờ tăng giá chứ không sử dụng. Tuy nhiên, cần đưa ra khái niệm, căn cứ rõ ràng hơn, học tập kinh nghiệm quốc tế để xác định thế nào là đất bỏ hoang, không sử dụng (cả đất nông nghiệp và đất thổ cư…) để đánh thuế phù hợp, chính xác.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, theo TS Cấn Văn Lực vấn đề đánh thuế bất động sản lũy tiến (nhà thứ hai trở đi) chưa quy định trong Dự thảo, có thể cần được nghiên cứu kỹ hơn để đảm bảo việc thực thi hiệu quả, tránh chồng chéo với quy định “thu thuế đất không sử dụng” (chẳng hạn nếu người sở hữu nhiều nhà đất song chỉ sinh sống ở một nhà, nếu đánh thuế “nhà không sử dụng” với các nhà đất còn lại thì sẽ không nên đánh thuế “bất động sản lũy tiến” nữa).

Cũng liên quan đến bất động sản, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ và nhóm nghiên cứu Học viện Tài chính đề xuất thống nhất một sắc thuế “Thuế sử dụng đất” hoặc “Thuế bất động sản” điều tiết vào quyền sử dụng đất (đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp). Thống nhất các căn cứ tính thuế đối với đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp (diện tích, giá đất tính thuế, thuế suất).

Lý giải về đề xuất này, theo GS Cơ, thuế sử dụng đất là thuế điều tiết vào tất cả các tổ chức cá nhân có sử dụng đất bất kể sử dụng cho mục đích gì, qua đó thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và công bằng.

Đánh thuế lũy tiến theo giá trị đất (cả diện tích đất và giá đất tính thuế đối với đất phi nông nghiệp góp phần chống đầu cơ đất và tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội.

GS Nguyễn Trọng Cơ cũng cho rằng, Luật thuế Thu nhập cá nhân chưa đánh thuế lũy tiến đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và cũng chưa phân biệt mức độ điều tiết theo thời gian nắm giữ bất động sản, dẫn đến tình trạng đầu cơ, bong bóng thị trường bất động sản, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Do đó nhóm nghiên cứu đề xuất cần xây dựng biểu thuế suất lũy tiến đánh vào thu nhập thực tế nhận từ chuyển nhượng bất động sản để đảm bảo tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Mức thuế suất cũng cần xây dựng trên cơ sở thời gian nắm giữ bất động sản từ khi nhận chuyển nhượng đến khi chuyển nhượng, thời gian càng ngắn thì thuế suất càng cao để hạn chế việc đầu cơ, mua gom, thao túng thị trường bất động sản.

Cùng với đó, nhóm cũng kiến nghị nghiên cứu Luật Thuế đăng ký tài sản thay cho Lệ phí trước bạ và đánh thuế sử dụng đất với mức thuế suất cao đối với các dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng theo quy định.

Bài 4: Chống thất thu thuế từ xây dựng bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường 

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Bài 3: Thuế cao với đầu cơ - Công cụ ổn định thị trường bất động sản tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Sửa đổi Luật Đất đai: Nhìn từ chính sách tài chính
Sau hơn 8 năm thực hiện Luật Đất đai, chính sách tài chính về đất đai đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể, tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, chính sách này hiện vẫn chưa khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; chưa hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật về đất.
Sửa Luật Đất đai: Đề xuất tính thuế đất tăng thêm với các dự án chậm tiến độ
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung quy định thu tiền sử dụng đất hàng năm khi sử dụng đất kết hợp với các mục đích khác; tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm đối với các dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng nhằm giải quyết tình trạng đầu cơ, chậm sử dụng đất, bỏ hoang.