Đánh thuế tài sản, bất động sản:

Bài 5: "Xây dựng luật thuế bất động sản cần nhưng không vội"

23/03/2022, 09:21

TCDN - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: việc xây dựng luật thuế bất động sản là việc cần thiết. Tuy nhiên cần phải nghiên cứu có lộ trình, không vội vã và thực hiện kiên quyết để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Bài 1: Luật thuế tài sản, bất động sản: Quy định mới nào cho thuế cổ xưa nhất? 

Bài 2: Nhà hai giá, phá nát thị trường - thiên đường trốn thuế

Bài 3: Thuế bất động sản có ngăn được “sốt đất”? 

Bài 4: Cải cách thuế tài sản để chống đầu cơ, găm đất 

Liên quan tới việc Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Luật thuế tài sản hoặc thuế bất động sản, Tài chính Doanh nghiệp đã có những trao đổi với ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, người đã rất nhiều lần kiến nghị đổi mới cơ chế thu thuế bất động sản. Hiện nay, ông đang là tư vấn cho Ngân hàng Thế giới về tài chính đất đai, trong đó có thuế đất và tài sản gắn liền.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ.

Là người nhiều lần đề xuất cần phải xây dựng Luật thuế bất động sản, ông có thể chia sẻ cụ thể về việc này?

Từ năm 2005, tôi đã nghiên cứu kỹ về thuế đất và tài sản trên thế giới và tôi tán thành việc xây dựng Luật thuế bất động sản. Đến năm 2008, tôi cũng tham gia vào nhóm nghiên cứu Thuế tài sản của Bộ Tài chính do EU trợ giúp. Mục tiêu chung là chúng ta cần phải chuyển hệ thống thu từ đất bằng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước giao đất ở và cho thuê đất công nghiệp - dịch vụ là chính sang hệ thống thu bằng thuế bất động sản là chính. Nói là hiện nay thu từ giao đất, cho thuê đất nhưng thực chất là giao, cho thuê đất nông nghiệp nhưng tính theo giá đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất ở. Tức là một quyết định hành chính về chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm ra được rất nhiều tiền. Sự phát triển kinh tế theo cách này quả là không bền vững, lạm phát luôn rình rập.

Cách làm của Việt Nam như vậy đang trái hẳn với các nước công nghiệp phát triển, công nghiệp mới hay đang công nghiệp hóa trên thế giới.

Ở các nước đang công nghiệp hóa, họ có tỷ lệ thu từ đất chủ yếu từ thuế, không phải từ việc thu hồi đất nông nghiệp để chuyển thành phi nông nghiệp. Ở Việt Nam, 82% thu từ giao đất, cho thuê đất, trong đó 67% từ giao đất ở có thu tiền và 15% từ cho thuê đất sản xuất, dịch vụ; chỉ có 3,5% từ các khoản thu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và phí trước bạ, thuế chuyển quyền (số liệu trung bình trong giai đoạn 2014 - 2020).

Xét trên tổng thể, trong giai đoạn 2014 - 2020, tổng thu từ đất ở Việt Nam cũng đạt 29% tổng thu ngân sách địa phương và 3,4 GDP, ngang mức thu của các nước phát triển trung bình khá thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD). Việt Nam chỉ khác là nguồn thu chủ yếu từ việc giao đất, cho thuê đất nông nghiệp, tính theo giá đất phi nông nghiệp thông qua thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

Một trong những hình thức tham nhũng là tham nhũng về đất hoặc nhà. Trước đây, tham nhũng về đất, nhà đứng đầu bảng. Ngân hàng thế giới và 1 số nước đứng ra đối thoại với Chính phủ Việt Nam về tham nhũng đất đai vào năm 2011.

Việc ban hành Luật thuế tài sản, thuế bất động sản cũng sẽ góp phần chống tham nhũng trong vấn đề đất đai. Tuy nhiên, việc đó không hề dễ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ

Nếu tính riêng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (tức thuế bất động sản), Việt Nam thuộc nhóm các nước lạc hậu, kể cả trong khu vực ASEAN. Thu từ thuế này, Việt Nam chỉ đạt 0,034% GDP, trong khi Indonesia đạt 0,42%, Thái Lan đạt 0,25% và Philippines đạt 0,84% (nhóm nước trung bình thuộc khối ASEAN).

Thuế tài sản của nhóm các nước G7 đều đạt từ 1% tới 4% GDP, của nhóm các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ trong OECD cũng đạt từ 0,2% tới 1%, trung bình toàn khối OECD đạt 1,856%. Nói như vậy để thấy việc cải cách thuế bất động sản là nhu cầu thực sự cần thiết tại Việt Nam để phục vụ sự phát triển kinh tế bền vững và giải quyết được những bức xúc xã hội không đáng có.       

Nếu chúng ta tiếp tục thu thuế từ bất động sản như hiện nay thì đất ở, nhà ở ngày một tăng giá. Người ta thiên về đầu tư vào đất ở, nhà ở khiến giá đất ngày càng cao, bong bóng ngày càng lớn. Hơn nữa, đồng tiền nhàn rỗi của dân chỉ nằm yên trong nhà, ở đầu cơ thì đồng tiền đó bị “chết” cùng lạm phát. Cần đưa tiền của dân vào sản xuất, kinh doanh mới tạo được hàng hóa tiêu dùng.

Việt Nam đã trải qua 4 lần sốt đất là 1990 - 1992, 2000 - 2002, 2006 - 2007, 2020 - 2022. Đất ở Việt Nam chưa bao giờ xuống giá, mà tiếp tục tăng, tức là bong bóng bất động sản chưa bao giờ bị “xì”. Đây là nguyên nhân chính gây lạm phát vượt giới hạn. Về mặt xã hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn cách xa hơn.

Chúng ta muốn đến được đích là nước công nghiệp vào năm 2030 và nước phát triển vào năm 2045 thì chúng ta phải chuyển động ngay từ bây giờ nhiều cải cách quan trọng, trong đó có cải cách sắc thuế bất động sản.

Hệ thống thuế đối với bất động sản hợp lý sẽ tạo ra nguồn thu bền vững. Thu từ giao đất, cho thuê đất là nguồn thu không bền vững. Nguồn thu này sẽ dần mất đi và hết khi công nghiệp hóa, đô thị hóa đến một giai đoạn nhất định.

Ông vừa nói về sốt đất, bong bóng bất động sản. Nhiều ý kiến cho rằng tăng thuế bất động sản sẽ ngăn chặn được tình trạng đó, ông nghĩ sao về điều này?

Tôi cho rằng điều đó không hoàn toàn đúng. Tình trạng sốt đất hiện nay không phải do thuế thấp bởi thuế thấp từ nhiều năm rồi.

Việc sốt đất do hàng loạt những nguyên nhân như đây là giai đoạn năm đầu của một kỳ quy hoạch mới, nhiều ý tưởng về quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng đã được đề xuất. Một số quy hoạch mới như thành phố Thủ Đức, thành phố biển Cần Giờ tại TP. HCM, thành phố phía Bắc, thành phố Sơn Tây, thành phố Sông Hồng tại Hà Nội và nhiều quyết định tăng đầu tư công cho các tuyến cao tốc huyết mạch.

Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm giảm đáng kể đến thu nhập của người dân. Trong khi lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng chỉ ở mức 4%, gần ngang với tỷ lệ lạm phát cơ bản được phép, do đó nhiều người nghĩ tới giải pháp đầu tư vào bất động sản để tăng thu nhập.

Ngoài ra, giới đầu cơ, cò mồi đất vì trục lợi bất chính đã gây nhiễu loạn thông tin, tung tin thất thiệt về pháp luật, về quy hoạch, tạo nên những cơn sốt đất ảo để lôi kéo mọi người tung tiền vào mua đất.

thue-tai-san

Một nguyên nhân khác khá đáng kể là hiện nay thị trường bất động sản đang thiếu cung, nhiều dự án bất động sản đang nằm chờ phê duyệt nhưng không thể phê duyệt do pháp luật liên quan chưa được sửa kịp thời. Quốc hội và Chính phủ cũng đã khá tích cực trong việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, các Luật có liên quan đến quy hoạch. phát triển,… nhưng có 2 Luật gốc mang tính cơ bản là Luật Đất đai và Luật Quy hoạch đô thị lại chưa được sửa. Ách tắc vẫn nằm yên đó, các dự án vẫn tiếp tục chờ và thiếu cung trên thị trường bất động sản vẫn đang tồn tại...     

Để xây dựng thành công Luật thuế bất động sản, theo ông cần tập trung vào những nội dung nào?

Từ năm 2008 Bộ Tài chính đã nghiên cứu và đưa ra đề xuất xây dựng Luật thuế tài sản. Sau đó, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra nội dung đánh thuế vào căn nhà thứ 2, nhà giá trị cao… nhưng chưa được chấp nhận.

Đến thời điểm này việc ban hành Luật thuế tài sản, bất động sản đã muộn nhưng chúng ta phải nghiên cứu kỹ để làm. Chúng ta phải cải cách thuế bất động sản. Ở đây, tôi dùng thuật ngữ cải cách vì đừng hiểu là chỉ tăng thu. Có nhiều vấn đề phải xem xét kỹ, đối tượng nào thì tăng thu và đối tượng nào thì giảm thu, thậm chí miễn thuế. Một số trường hợp dân nghèo chỉ có một chỗ ở xuềnh xoàng có thể miễn thuế. Những người có nhiều bất động sản mang tính đầu cơ, tích trữ phải tăng thuế để không còn hoạt động này nữa.

Bên cạnh việc nghiên cứu sắc thuế này, chúng ta còn nhiều việc phải nghiên cứu hơn nữa. Hiện nay, việc thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vẫn làm theo cách rất thủ công, giao cho thôn, xóm tại nông thôn và tổ dân phố tại đô thị thu theo giấy tờ. Hệ thống hành chính đất đai, bất động sản và hành chính thuế vẫn chưa chuyển sang được hành chính số. Vậy liệu có thu đúng, thu đủ được hay không?

Một trong những điều chúng ta vẫn băn khoăn rằng người có nhiều bất động sản có thể nhờ vợ, con, bố, mẹ, họ hàng, bạn bè đứng tên hộ. Thời gian vừa qua cũng đã rộ lên tin người nước ngoài đang mượn người Việt Nam đứng tên hộ bất động sản của họ. Bộ luật Dân sự cũng phải sửa đổi sao cho ngăn chặn được các trường hợp đứng tên hộ bất động sản bằng cách có xử lý đối với những trường hợp không giải thích được nguồn gốc, có chế tài xử lý đối với các trường hợp bị phát hiện giả danh. Nói chung, không chuyển đổi số được thì khó có thể có một Luật thuế bất động sản hiệu quả.      

Tôi muốn chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đừng vội vàng. Vội quá đôi khi hỏng việc.

Đó là những điều chúng ta phải tính toán, rành mạch bởi Luật thuế này sẽ gặp phải nhiều tranh cãi cũng như ý kiến trái chiều. Do đó, cần có nghiên cứu cụ thể trong một khoảng thời gian cần thiết, lấy ý kiến rộng rãi để có luật thuế đạt được đồng thuận cao trong xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Bài 5: "Xây dựng luật thuế bất động sản cần nhưng không vội" tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận