Đánh thuế tài sản, bất động sản:

Bài 4: Cải cách thuế tài sản để chống đầu cơ, găm đất

21/03/2022, 17:21

TCDN - Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã hướng tới việc cải cách thuế tài sản như là một phần của cải cách tổng thể hệ thống thuế. Việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong khu vực là điều chúng ta nên làm.

Bài 1: Luật thuế tài sản, bất động sản: Quy định mới nào cho thuế cổ xưa nhất? 

Bài 2: Nhà hai giá, phá nát thị trường - thiên đường trốn thuế

Bài 3: Thuế bất động sản có ngăn được “sốt đất”? 

Đó là ý kiến của ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam liên quan đến luật thuế tài sản, thuế bất động sản.

Theo ông Minh, dự thảo Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2021 - 2030 đã đề cập tới việc mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế để phát triển nguồn thu ngân sách theo đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW năm 2016 của Bộ Chính trị. Việc xây dựng một Luật thuế sẽ không thể vì mục tiêu quản lý, điều tiết thị trường trong ngắn hạn mà thường là một bài toán được tính toán cân nhắc nhằm hướng tới sự đồng bộ, tổng thể và lâu dài, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, chúng ta cần hướng tới việc cùng nhau xây dựng để các quy định tại Luật thuế tài sản trở nên công bằng trong việc thu thuế, minh bạch, rõ ràng trong cơ chế kê khai, nộp thuế và đồng bộ với các hệ thống thuế hiện hành trên cùng một tài sản là nhà, đất…

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam.

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam.

“Việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong khu vực là điều chúng ta nên làm. Xu hướng cải cách thuế tài sản đã diễn ra từ khá lâu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ hướng tới việc cải cách thuế tài sản như là một phần của cải cách tổng thể hệ thống thuế”, ông Minh nói.

Theo dẫn chứng của Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, Nhật Bản đã thực hiện cải cách, nghiên cứu toàn diện hệ thống thuế đất dựa trên các nguyên tắc thuế như công bằng, trung lập và đơn giản vào những năm 90 của thế kỉ XX. Trung Quốc cũng nhìn nhận thuế tài sản như một biện pháp quan trọng để giúp thị trường nhà ở của Trung Quốc đi đúng hướng. Tại Thái Lan, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế đất và Công trình trên đất vào năm 2020, với mục đích thúc đẩy việc sử dụng đất cũng như việc xây dựng các công trình trên đất được hiệu quả hơn; phân bổ nguồn thu thuế cho cấp chính quyền địa phương; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, ông Minh cũng lưu ý, việc xây dựng Luật thuế tài sản cần phù hợp với bối cảnh, nên cân nhắc kỹ lưỡng một cách tổng thể trong hệ thống các Luật thuế có liên quan đến tài sản hiện hành, tránh ảnh hưởng tác động tiêu cực đến sự phát triển thị trường bất động sản mà vẫn đảm bảo được bản chất điều tiết hài hòa của nguồn thu ngân sách, tránh tình trạng “thuế chồng thuế”.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Vừa qua, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ về vấn đề đất đai, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội Đắc Lắc) cũng đã chất vấn về trốn thuế trong các giao dịch đất đai, dấu hiệu “bong bóng” bất động sản đang làm “rung lắc” thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận, về vấn đề thổi giá, đầu cơ đất đai, đây là hiện tượng rõ ràng có thật. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, người dân và doanh nghiệp đã gửi tài sản của mình vào đất, và khi đất lên giá phi mã ai cũng nghĩ là thành công. Nhưng ở góc độ vĩ mô, khi người dân đầu tư vào đất đai thì xu hướng đó không mang lại hiệu quả và đấy là điều rất không tốt với nền kinh tế.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tính toán dùng công cụ về thuế đối với những doanh nghiệp găm đất, để chờ giá lên, không muốn đầu tư dự án. Công vụ về thuế sẽ làm cho người đang ôm đất sẽ bỏ đất ra. Giá đất đang cao có thể thấp xuống. Người thu nhập trung bình ở Việt Nam đang thiếu nhà cửa. Các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, công chức, viên chức sẽ được xây dựng để làm sao để có giá phù hợp.

Ông Bùi Tuấn Minh cho rằng, để đảm bảo thực thi Luật thuế tài sản hiệu quả và đi vào đời sống, việc ban hành Luật nên được cấu trúc như một phần không thể tách rời của Chiến lược cải cách thuế 2021 - 2030 (tới nay chưa được ban hành), đồng thời cần đồng bộ nhiều quy định liên quan ví dụ như thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, thuế trước bạ, luật quản lý thuế. Điều này sẽ giúp giúp dễ dàng huy động các nguồn lực, khuyến khích các sáng kiến ​​cải cách, tạo ra sức mạnh tổng hợp cần thiết giữa cơ quan quản lý nhà nước, người nộp thuế để thực hiện và duy trì áp dụng thành công thuế tài sản.

Thứ hai, nhằm phát huy vai trò điết tiết thu nhập của công cụ thuế, việc xây dựng Luật tài sản cần được cân nhắc tới thực trạng sở hữu tài sản là nhà đất, bất động sản… của từng nhóm đối tượng trên phân loại thu nhập. Theo đó, ngưỡng chịu thuế, không chịu thuế cần được xây dựng với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế theo từng khu vực, đảm bảo công bằng xã hội.

Thứ ba, căn cứ tính thuế (giá tính thuế và thuế suất) cần được xác định một cách đơn giản, dễ hiểu trong quá trình áp dụng. Giá tính thuế nên được xác định dựa trên các căn cứ rõ ràng, dễ dàng tham chiếu, tránh tình trạng quy định chung chung gây ra nhiều cách hiểu khác nhau có thể gây bất lợi cho người nộp thuế cũng như nguy cơ xảy ra tình trạng thất thu thuế do hiểu sai quy định. Đồng thời, giá tính thuế đối với nhà, đất… nhất thiết nên đảm bảo đồng bộ với các quy đinh của Luật đất đai.

Thứ tư, việc quy định các thủ tục về đăng ký, kê khai và nộp thuế cần được xây dựng sao cho đơn giản, dễ thực hiện và nên được áp dụng công nghệ để có thể tính toán kê khai tự động.

Bài cuối: Xây dựng luật thuế bất động sản cần nhưng không gấp

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Bài 4: Cải cách thuế tài sản để chống đầu cơ, găm đất tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan