Bamboo Airways có trở thành “Thánh Gióng” trên sàn chứng khoán như FLC Faros?

05/11/2019, 06:40

TCDN - Chỉ sau mấy tháng cất cánh, Bamboo Airways (Mã CK: BAV) đã đưa ra kế hoạch huy động vốn qua IPO khoảng 100 triệu USD, và niêm yết trên sàn chứng khoán với giá từ 50-60.000 đồng/cổ phiếu. Liệu Bamboo Airways có trở thành hiện tượng “Thánh Gióng” trên sàn chứng khoán như người anh em CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã CK: ROS).

Liệu Bamboo Airways có trở thành “Thánh Gióng” trên sàn chứng khoán như FLC Faros?

Liệu Bamboo Airways có trở thành “Thánh Gióng” trên sàn chứng khoán như FLC Faros?

“Thánh Gióng” trên thị trường chứng khoán

CTCP Xây dựng FLC Faros được thành lập, đăng ký lần đầu ngày 01/03/2011 với số vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến này 2016, FLC Faros liên tục tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ. Ngày 21/3/2016, vốn điều lệ của FLC Faros tăng lên 4.300 tỷ đồng. Từ 01/9/2016,430 triệu cổ phiếu ROS của FLC Faros chính thức được niêm yết, giao dịch trên sàn HOSE. Đến đầu năm 2018, vốn điều lệ của ROS là 5.676 tỷ đồng.

 Như vậy, chỉ trong vòng 08 năm từ năm 2011 đến năm 2018, vốn điều lệ của ROS đã tăng 3.784 lần, mức tăng trưởng kép vốn điều lệ 280%/năm, đặc biệt quá trình tăng vốn được thực hiện rất nhanh trước khi niêm yết trên HOSE vào cuối năm 2016.

Báo cáo kiểm toán độc lập 06 tháng đầu năm 2016 đối với ROS có nhấn mạnh: “Đợt tăng vốn điều lệ trong quý I/2016 do 3 cổ đông góp vốn với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho bên nhận ủy thác được thực hiện trong cùng ngày 08/01/2016”

Ngành nghề kinh doanh chính của ROS là xây dựng dân dụng, với mục tiêu trở thành tổng thầu thi công. Với mức vốn 5.676 tỷ đồng, vốn điều lệ của ROS hiện đang đứng đầu các doanh nghiệp xây dựng được niêm yết trên TTCK, vượt xa các doanh nghiệp xây dựng đầu ngành hiện nay là CTCP Xây dựng Coteccons (783 tỷ đồng) và CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (2.308 tỷ đồng).

Xét về hoạt động SXKD, ROS không có nhiều dự án và khách hàng lớn, chủ yếu chỉ tập trung phục vụ các dự án của FLC như FLC Sầm Sơn, FLC Garden, FLC Complex Hà Nội, FLC Vĩnh Thịnh resort, FLC complex Thanh Hóa, FLC Quy Nhơn, FLC Quảng Bình, FLC Halong Bay…

Xét về doanh số, tổng doanh thu của ROS 01 năm rơi vào khoảng trên dưới 4.000 tỷ đồng tương đương mức doanh thu 01 quý của Coteccons hoặc Hòa Bình. Lũy kế 09 tháng đầu năm 2019, doanh thu của ROS đạt 3.514 tỷ đồng.

Xét về chỉ tiêu lợi nhuận của ROS cũng rất khiêm tốn so với Coteccons. Lợi nhuận sau thuế của ROS 09 tháng đầu năm 2019 là 77 tỷ đồng, trong khi của Coteccons là 477 tỷ đồng, Hòa Bình là 243 tỷ đồng.

09 tháng đầu năm 2019, dòng tiền từ hoạt động SXKD của ROS dương 376 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm tới 1.030 tỷ đồng, chủ yếu cho ROS chi tới 1.157 tỷ đồng để cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác.

Trong kỳ, ROS vay nợ thêm 578 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ ngắn hạn. Vay nợ ngắn hạn tăng mạnh từ 1.031 tỷ đồng lên 1.434 tỷ đồng. Vay nợ dài hạn tăng từ 28 tỷ đồng lên 204 tỷ đồng. Các ngân hàng hiện đang cấp tín dụng nhiều nhất cho ROS là Ngân hàng quốc dân (NCB) – chi nhánh Hà Nội 546 tỷ đồng, Ngân hàng HDBank – chi nhánh Bình Định 386 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông – chi nhánh Hà Nội 474 tỷ đồng.

Nghi vấn giao dịch cổ phiếu “tay trái – tay phải”?

Cùng với mức vốn điều lệ khủng, được tăng chóng mặt trước khi lên sàn, ROS còn có điểm đáng chú ý nữa là diễn biến giao dịch của cổ phiếu trên sàn. Về khối lượng giao dịch, KLGD trung bình 10 phiên của ROS là 22,2 triệu cổ phiếu/phiên. Với tổng số lượng cổ phiếu là 567,6 triệu cổ phần tương ứng với mức vốn điều lệ 5.676 tỷ đồng. Tỷ lệ số lượng cổ phiếu giao dịch/tổng khối lượng cổ phiếu của ROS là 3,9%. Tính trung bình mỗi ngày có khoảng 4% vốn điều lệ của ROS được mua bán,“trao tay” trên HOSE.

Trong vòng 08 năm từ năm 2011 đến năm 2018, vốn điều lệ của ROS đã tăng 3.784 lần, mức tăng trưởng kép vốn điều lệ 280%/năm.

Trong vòng 08 năm từ năm 2011 đến năm 2018, vốn điều lệ của ROS đã tăng 3.784 lần, mức tăng trưởng kép vốn điều lệ 280%/năm.

Tính ra chỉ cần 26 ngày số lượng cổ phiếu được giao dịch của ROS trên HOSE tương đương toàn bộ số lượng cổ phiếu của ROS. Hay nói cách khác, với quy mô giao dịch hiện nay chỉ cần 26 ngày toàn bộ số lượng cổ phiếu của ROS sẽ được “đổi chủ”.

Thực tế, theo số liệu HOSE công bố tỷ lệ Free Float (tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng) của ROS chỉ ở mức 40%. Như vậy, tỷ lệ cổ phiếu giao dịch giao dịch trung bình 01 ngày/tổng số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng của ROS là 9,8%. Nghĩa là khoảng 1/10 số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng của ROS được “trao tay” hàng ngày.

Việc mua bán cổ phiếu ROS được thực hiện liên tục với quy mô lớn dẫn tới thanh khoản cổ phiếu của ROS rất cao. Tỷ lệ 9,8% của ROS là rất cao so với các cổ phiếu bluechips khác trên HOSE, như đối với Vinamilk (VNM) là 0,04%; Vietcombank (VCB) là 0,21%; Vingroup (VIC) là 0,04%; MBBank (MBB) là 0,22%; FPT là 0,25%... Nhiều nhà đầu tư đã không muốn mua và nắm giữ cổ phiếu ROS trong dài hạn như cổ đông lớn nhất là ông chủ tịch Trịnh Văn Quyết.  

Điểm thứ hai cần nói đến là giá cổ phiếu. Sau khi lên sàn HOSE, giá cổ phiếu ROS tăng trần liên tục từ mức giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu ROS đạt đỉnh 178.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 11/2017 (giá đã điều chỉnh sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu).

Tuy nhiên, sau đó là chu kỳ giảm giá liên tục của ROS và hiện giờ còn 25.200 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư nào mua vào cổ phiếu ROS với mức giá đỉnh tại tháng 11/2017 và giữ đến tận bây giờ thì đã chứng kiến khoản lỗ khoảng 86% trên tài khoản. Thực tế này ít có khả năng xảy ra trên vì “cổ đông” của ROS có xu hướng mua đi bán lại liên tục như phân tích ở trên.

Nhìn sang các cổ phiếu khác của “họ FLC”, ROS tuy đã bốc hơi 86% giá trị tính từ đỉnh nhưng vẫn là cổ phiếu có thị giá cao nhất. Các cổ phiếu khác chủ yếu hiện được giao dịch với mức giá rau rưa, trà đá như FLC (4.500 đồng/CP); AMD (1.600 đồng/CP); HAI (1.880 đồng/CP); KLF (1.300 đồng/CP). Liệu có một ngày giá cổ phiếu ROS sẽ có chung số phận "rau dưa, trà đá" như các cổ phiếu anh em họ hàng của mình? Và liệu hàng mới BAV có cùng chung cảnh ngộ với các anh em họ FLC không?

Việt Đặng
Bạn đang đọc bài viết Bamboo Airways có trở thành “Thánh Gióng” trên sàn chứng khoán như FLC Faros? tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tập đoàn FLC lại bị cưỡng chế thuế
Hồi giữa tháng 6, FLC cũng đã thông báo nhận được 4 quyết định cưỡng chế thi thành thuế của các Chi cục Thuế địa phương nơi mà tập đoàn này có dự án