Bán hàng không xuất hóa đơn, Tập đoàn Ân Nam đang trốn thuế?
TCDN - Yves Rocher, Annam Gourmet market là mỹ phẩm, thực phẩm hàng đầu xuất xứ nước ngoài, có tới hơn 70 cửa hàng tại Việt Nam nhưng lại bán hàng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, nghi vấn hoạt động kinh doanh trốn thuế?
Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp nhận được phản ánh của người tiêu dùng về hoạt động kinh doanh của mỹ phẩm thương hiệu Yves Rocher, Annam Gourmet market thuộc Tập đoàn Ân Nam không xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho khách hàng, nghi ngờ thương hiệu này trốn thuế.
Hàng loạt cửa hàng không xuất hóa đơn GTGT?
Để xác minh thông tin trên, nhóm PV đã đến hàng loạt các cửa hàng thương hiệu này để tìm hiểu.
Ngày 18/6/2019, trong vai khách hàng có nhu cầu sử dụng sản phẩm Yves Rocher, PV đã đến cửa hàng tại 188 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội mua sản phẩm son lì Grand rouge matte lipstick giá 399.000 đồng . Tuy nhiên sau khi thanh toán, PV chỉ nhận được phiếu thu, thay vì hóa đơn GTGT theo quy định pháp luật.
Tiếp tục tìm hiểu, ngày 21/6, nhóm PV qua cửa hàng Yves Rocher tại BigC Thăng Long, địa chỉ 222 Trần Duy Hưng , P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội để mua các sản phẩm gồm: Nước tẩy trang và cân bằng PURIFYING MICELLAR WATER; Tinh chất se khít lỗ chân lông PORE MINIMIZING SERUM; Kem chống nhờn và dưỡng ẩm ZERO BLEMISH CREAM GEL; Nước cân bằng da THE ANTI-AGING ACTIVATING LOTION , tổng hóa đơn có giá trị 1.566.000 đồng
Sau khi thanh toán tương tự như cửa hàng tại Kim Mã, PV cũng chỉ nhận được phiếu thu ghi tên các sản phẩm mua chứ không hề được xuất hóa đơn GTGT.
Ngày hôm sau, PV liên hệ tới cửa hàng hỏi về việc xuất hóa đơn GTGT thì được nhận viên cho biết: “Sản phẩm đã bao gồm thuế GTGT, khách hàng có nhu cầu viết thì để lại thông tin cửa hàng gửi về tổng công ty mới xuất chứ không xuất được tại cửa hàng…”.
Ngày 24/6, PV tiếp tục qua cửa hàng Yves Rocher tại 52 Hàng Trống, P. Hàng Bông, Hoàn Kiếm để mua sản phẩm phẩm nước hoa EAU DE PARFUM INTENSE EVIDENCE và Gel tẩy tế bào chết da nhờn PURIFYING SCRUB, tổng hóa đơn 1.170.000 đồng. Tại đây, nhân viên cửa hàng cũng chỉ in phiếu thu như 2 cửa hàng trên.
Tiếp tục tìm hiểu về chuỗi thực phẩm Annam Gourmet market , ngày 29/7 PV đã qua siêu thị thuộc tập đoàn trên tại 51 Xuân Diệu, P.Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội để khảo sát mà mua sản phẩm.
Tuy nhiên, cũng giống như chuỗi mỹ phẩm Yves Rocher, Annam Gourmet market cũng chỉ in phiểu thu cho khách hàng.
Khi PV đề nghị xuất hóa đơn GTGT thì nhân viên cho hay: “Em phải hỏi bên công ty xem hóa đơn có xuất được không và nếu xuất được phải sau 10 ngày mới có, em không xuất luôn được…” – nhân viên thu ngân Annam Gourmet market cho hay.
Ngoài ra, toàn bộ phiếu thu Yevs Rocher, Annam Gourmet market đều sử dụng ngôn ngữ tiếng nước ngoài, người tiêu dùng cũng không rõ các phần thanh toán cụ thể.
Sau những thông tin ghi nhận, có thể thấy hàng loạt các cửa hàng thuộc Tập đoàn Ân Nam có nhiều hoạt động kinh doanh chưa tuân thủ quy định pháp luật. Riêng việc xuất hóa đơn GTGT, không rõ doanh nghiệp này căn cứ vào đâu để đóng thuế trong khi các sản phẩm bán ra khách hàng chỉ nhận được phiếu thu.
Được biết, mỹ phẩm Yves Rocher là thương hiệu xuất xứ từ Pháp, vào thị trường Việt Nam từ năm 2012 được người tiêu dùng khá ưa chuộng. Thương hiệu này được độc quyền bởi Công ty TNHH Botanical Cosmetic thuộc Tập đoàn Ân Nam có trụ sở tại lầu 4, Tòa nhà Petrolimex, số 322 Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM.
Hiện tại Yver Rocher và Annam Gourmet market có trên 70 cửa hàng trên cả nước tại các trung tâm thương mại lớn. Tuy nhiên nghi vấn việc kinh doan thương hiệu này có dấu hiệu trốn thuế là vấn đề cần vào cuộc không chỉ riêng người tiêu dùng mà cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ, đặc biệt là các cơ quan thanh tra thuế.
Mặt khác, Yves Rocher đã giảm trên 50% loạt mặt hàng kéo dài nhiều tháng như: mặt nạ, dưỡng ấm, sửa rửa mặt, gel tế bào chết… thậm chí có mặt hàng giám giá tới 70%.
Vi phạm hàng loạt các quy đinh về kinh doanh?
Hành vi bán hàng khuyến mại quá 50% các chuỗi cửa hàng trên theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh) đã vi phạm khoản 1 Điều 7, Nghị định số 81/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại nêu rõ:
Điều 7. Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại
1. Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, quy định này là cần thiết trong việc ngăn chặn doanh nghiệp hạ giá vô tội vạ, làm méo mó thị trường và ngăn chặn nguy cơ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Quang (văn phòng luật sư Quang và cộng sự): Hành vi “không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán” là một trong các hành vi trốn thuế.
Theo quy định lập phiếu xuất hóa đơn GTGT tại điểm a và b, Khoản 2 điều 16 Thông tư 39/TT-BTC quy định về thời điểm xuất hoá đơn GTGT khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ... cụ thể như sau:
2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn
a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn
Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền…
b) Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”, “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”: ghi tên đầy đủ hoặc tên viết tắt theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.
Trường hợp tổ chức bán hàng có đơn vị trực thuộc có mã số thuế trực tiếp bán hàng thì ghi tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị trực thuộc. Trường hợp đơn vị trực thuộc không có mã số thuế thì ghi mã số thuế của trụ sở chính.
Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899