Vụ Vạn Thịnh Phát:

Bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn khẳng định chỉ nắm 4,9% cổ phần tại SCB, không chi phối, điều hành ngân hàng

14/03/2024, 20:25
báo nói -

TCDN - Trong ngày xét xử thứ 7, HĐXX tiếp tục dành thời gian cho các luật sư bảo vệ quyền lợi các bị cáo tham gia thẩm vấn. Nội dung thẩm vấn chủ yếu là tài sản là dự án Mũi Đèn Đỏ và các tài sản liên quan. Bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn khẳng định chỉ nắm 4,9% cổ phần ngân hàng SCB.

Trong phiên xét xử ngày 13/3, luật sư bào chữa cho các bị cáo chủ yếu đặt câu hỏi liên quan đến tài sản là dự án Mũi Đèn Đỏ và các tài sản liên quan trong vụ án. Bị cáo Trương Mỹ Lan và nhiều cựu lãnh đạo của SCB cho rằng, kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân là không chính xác, thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật.

Liên quan đến việc định giá của Công ty Hoàng Quân, cáo trạng nêu: Quá trình tạo lập các hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã đưa 1.166 mã tài sản để đảm bảo cho 1.284 khoản vay, tổng giá trị tài sản đảm bảo đã bị nâng khống ghi nhận trên sổ sách là 1.265.504 tỷ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định bản thân chỉ nắm 4,9% cổ phần tại ngân hàng SCB, không tham gia điều hành, chi phối ngân hàng này.

Bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định bản thân chỉ nắm 4,9% cổ phần tại ngân hàng SCB, không tham gia điều hành, chi phối ngân hàng này.

Để thực hiện báo cáo rà soát cho mục đích đặc biệt khi tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), theo đó tất cả tài sản bảo đảm của các khoản nợ với tổng số dư trên 50 tỷ đồng đối với khách hàng doanh nghiệp và trên 10 tỷ đồng đối với khách hàng cá nhân; tài sản bảo đảm của các khoản phải thu từ hợp đồng bán nợ, tài sản đã nhận để cấn trừ nợ vay đều được định giá lại bởi tổ chức có chức năng Thẩm định giá.

Ngày 03/01/2023, Ngân hàng SCB đã ký Hợp đồng thuê Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân (viết tắt là Công ty Hoàng Quân) thực hiện định giá tài sản Ngân hàng SCB tại thời điểm ngày 30/9/2022. Kết quả, Công ty Hoàng Quân xác định giá trị các tài sản của Ngân hàng SCB là 295.940 tỷ đồng, trong đó: Tài sản cố định của Ngân hàng SCB là: 5.946 tỷ đồng; Tài sản bảo đảm của các khoản vay còn dư nợ (bao gồm các khoản vay đã bán nợ cho VAMC, bán nợ trả chậm, cấn trừ nợ, bán tài sản trả chậm) là: 289.994 tỷ đồng.

Đối với 1.166 mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan, Công ty Hoàng Quân định giá 726/1.166 mã tài sản có giá trị định giá lại được phân bổ là 253.561 tỷ đồng; 440/1.166 mã tài sản Công ty Hoàng Quân không định giá với giá trị sổ sách phân bổ là 622.476 tỷ đồng, vì lý do: các tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản, một số tài sản không thuộc phạm vi định giá lại.

Theo đánh giá của Ngân hàng SCB, có 517/726 mã tài sản có đủ pháp lý thế chấp/cầm cố để được tính giá trị tài sản khi thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, giá trị phân bổ theo tờ trình và/hoặc Hợp đồng thế chấp/Cầm cố là 179.196 tỷ đồng; Số còn lại 209/726 mã tài sản không có đủ điều hiện pháp lý (chưa có hợp đồng thế chấp/cầm cố, hợp đồng thế chấp chưa được công chứng, tài sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo quy định,...).

Do vậy, Ngân hàng SCB không thể tiến hành xử lý tài sản, không đủ điều kiện để được tính giá trị tài sản khi trích lập dự phòng rủi ro. Kết quả định giá nêu trên là căn cứ xác định thiệt hại của vụ án (dư nợ các khoản vay trừ đi giá tài sản đảm bảo đã được Công ty Hoàng Quân định giá).

Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo Trương Mỹ Lan không đồng ý với kết quả thẩm định của Công ty Hoàng Quân. Theo bị cáo Lan, với 726 tài sản được Công ty Hoàng Quân định giá chỉ có tổng là trị khoảng hơn 253.000 tỷ đồng là quá thấp.

Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, dự án Mũi Đèn Đỏ được Công ty Hoàng Quân định giá chỉ 17.000 tỷ đồng. Trên thực tế thì khi bồi thường cũng đã hơn 100.000 tỷ đồng, từ đó bị cáo Lan đề nghị xem xét định giá lại.Đối với 440/1.166 mã tài sản Công ty Hoàng Quân không định giá vì lý do: các tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản, một số tài sản không thuộc phạm vi định giá lại, bị cáo Trương Mỹ Lan nói đã rất nhiều lần có ý kiến về các tài sản này.

Bị cáo Lan lí giải, các tài sản này có một phần từ trước thời điểm hợp nhất SCB và đang trong quá trình hoàn thiện giấy tờ, nên các mã tài sản này rất có giá giá trị. Từ đó, bị cáo Lan đề nghị HĐXX định giá lại toàn bộ 1.166 mã tài sản để đảm bảo tính chính xác và giảm thiệt hại trong vụ án.

Khai tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khẳng định mình chỉ nắm 4,9% cổ phần tại SCB và không chi phối, không điều hành ngân hàng này.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung.

Tuy nhiên, trong phần trả lời xét hỏi của các thuộc cấp của Lan, những người này khẳng định Trương Mỹ Lan là chủ thật sự của SCB và là người điều hành toàn bộ, mọi hoạt động liên quan, trong đó có việc lập hồ sơ vay, giải ngân tiền từ SCB.

Cụ thể, bị cáo Trương Khánh Hoàng, quyền Tổng giám đốc SCB khi trả lời phần thẩm vấn của đại diện VKS đã khẳng định, Trương Mỹ Lan là người quyết định nhân sự tại SCB.Mỗi khi cần rút tiền của SCB, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức; đưa các cá nhân được thuê, nhờ đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản, đại diện công ty “ma” đến ký vào hồ sơ vay vốn khống, hồ sơ thế chấp, hầu hết là ký vào các tờ giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký.

Các đại diện pháp nhân và cá nhân đứng tên khoản vay đều không được thụ hưởng và sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn; những người đứng tên tài sản đều xác nhận tài sản thế chấp không phải tài sản của họ.

Theo bị cáo Hoàng, khi cần tiền, Trương Mỹ Lan đã yêu cầu các bị cáo lập hồ sơ vay, phương án vay, tài sản bảo đảm…để làm thủ tục rút tiền khỏi SCB. Ngoài chỉ đạo trong các cuộc họp, Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo Hoàng qua điện thoại để thực hiện các quy trình, thủ tục rút tiền từ SCB. Tuy nhiên, theo bị cáo Hoàng, bị cáo chỉ nhận chỉ đạo, còn khi lập hồ sơ bị cáo làm việc với Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), sau đó nhóm của Nguyễn Phương Anh sẽ thực hiện thủ tục còn lại“Hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan cho hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước và thực hiện hồ sơ hợp thức sau”, bị cáo Hoàng trình bày.

Về câu hỏi tiền sau khi được SCB giải ngân, bị cáo Trương Mỹ Lan dùng làm gì?, bị cáo Hoàng khai mục đích sử dụng tiền của Lan dùng cho việc thanh toán các dự án Trương Mỹ Lan đã mua như dự án 202 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dự án Tuần Châu, dự án KĐT Hồng Phát ở Long An theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Ngoài ra, theo bị cáo Hoàng, một lượng số tiền lớn được chuyển ra nước ngoài theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, để thanh toán mua công ty nước ngoài ở Việt Nam, thanh toán thẻ tín dụng khi Trương Mỹ Lan đi nước ngoài.

Có cùng lời khai như bị cáo Hoàng, bị cáo Bùi Anh Dũng - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB cũng cho biết, chính Trương Mỹ Lan là người bố trí nhân sự vào các vị trí cấp cao tại SCB.Theo bị cáo Dũng, sau khi ông Đinh Văn Thành xin nghỉ để đưa vợ ra nước ngoài chữa bệnh, bị cáo Dũng được giới thiệu bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT SCB.

“Trên sổ sách bà Lan đứng 4,9%, việc bà Lan sở hữu đến 95% không có sổ sách nào thể hiện, nhưng quá trình làm việc tại SCB, bị cáo hiểu rằng Trương Mỹ Lan chiếm phần lớn cổ phần SCB”, bị cáo Dũng khai.Bị cáo Dũng cũng trình bày rằng, việc mình bị truy tố, phải ra tòa ngày hôm nay là vì quá tin tưởng bà Trương Mỹ Lan.

“Chị Lan dùng phần lớn tiền vay của SCB để mua, thanh toán các dự án, mua các bất động sản, sau đó dùng chính bất động sản đó để tiếp tục vay tiền từ SCB”, bị cáo Dũng trình bày.

Một thuộc cấp thân tín khác của Trương Mỹ Lan là bị cáo Trần Thị Mỹ Dung - cựu Phó tổng giám đốc SCB cũng khai công việc của bị cáo là xử lý định giá và nguồn tiền của Trương Mỹ Lan. Mỗi khi gặp chị Lan, bị cáo đều được trao đổi về nhu cầu vay của chị Lan và nhóm công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Tuy nhiên, nhiều lần bị cáo Dung bật khóc và cho biết bản thân rất buồn khi nghe bà Lan trả lời thẩm vấn tại tòa. Bị cáo Dung nói mình không trách bà Lan, chỉ tự trách bản thân mình tin không đúng người.“Bị cáo sai thì nhận, không đổ lỗi cho ai, bị cáo hy vọng chị Lan cũng như vậy, tuy nhiên bị cáo thất vọng”, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung nói rồi bật khóc.

Liên quan đến hành vi hợp thức hóa hàng trăm hồ sơ vay tại SCB bằng hình thức cơ cấu lại nợ, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, nguyên Phó Tổng Giám đốc SCB khai, các khoản vay đã cơ cấu là khoản vay đã tới hạn nhưng không trả sẽ được cơ cấu một thời gian dài hơn. Các khoản vay tại SCB đều cơ cấu cả gốc và lãi. Theo bị cáo Dung, khi các khoản vay đến thời hạn tất toán, khách hàng sẽ phải trả nợ hoặc sẽ cơ cấu lại khoản vay. Nếu trả vào thì bắt buộc phải có khoản vay mới để đáo hạn khoản vay cũ. Khoản vay mới giải ngân nhưng dòng tiền không ra khỏi ngân hàng.

“Cáo trạng quy kết bị cáo hợp thức hóa 617 hồ sơ khoản vay, có nhớ bao nhiêu khoản vay đã được cơ cấu, tức là khoản vay không giải ngân ra mà tất toán nợ cũ để tạo khoản vay mới?”, luật sư Trần Kim Vinh hỏi bị cáo Dung. Đáp lại, bị cáo Dung nói vì số lượng quá nhiều nên không nhớ, cũng không thống kê khoản nào rút ra, khoản nào đi tiền mặt nên không có số liệu cụ thể.

Ngoài ra, theo bị cáo Dung, có rất nhiều khoản vay đã có trước khi bị cáo bị bắt. Tới thời điểm vụ án xảy ra là đến hạn rút nhiều khoản vay tại SCB, hầu hết là vay để thanh toán khoản vay cũ.Từ đó, bị cáo Dung mong HĐXX xem xét lại số tiền mà Dung bị cáo buộc gây thất thoát vì số tiền thất thoát đã có từ trước đó rồi. Đối với khoản vay 1.500 tỷ của Công ty Tường Việt, bị cáo Dung thừa nhận đã làm sai quy trình tín dụng.

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn khẳng định chỉ nắm 4,9% cổ phần tại SCB, không chi phối, điều hành ngân hàng tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đại án Vạn Thịnh Phát: Những con số khủng trong lịch sử tố tụng
Ngày làm việc đầu tiên của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) kết thúc tại giai đoạn thẩm vấn lý lịch bị cáo, nghe luật sư bào chữa đề xuất ý kiến.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát và đồng phạm hầu toà
Sáng 5/3, TAND Tp.HCM xét xử sơ thẩm vụ án hình sự xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan. Bị cáo Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 79 bị cáo có liên quan được áp giải đến tòa trên nhiều xe chở phạm nhân từ sáng sớm.
Ngày thứ hai xét xử vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ sinh thái gồm hơn 1.000 công ty, cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, bà Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng SCB trong đó có hoạt động cho vay.