Biến khu đất trồng tre thành điểm dừng chân: Lừa dối chính quyền địa phương

18/03/2021, 13:36

TCDN - Bà Nguyễn Huỳnh Thảo My xin phép Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Khánh Hòa trồng cây tre tầm vông trên khu đất có quy hoạch trồng cây lâu năm. Sau khi được chính quyền đồng ý, bà My lại biến nó thành điểm dừng chân, du lịch, đưa đón du khách mang tên Eco Zone Nha Trang – Đà Lạt.

Ngày 17/12/2020, Sở TNMT tỉnh Khánh Hoà có văn bản trả lời bà Nguyễn Huỳnh Thảo My (địa chỉ 7B Trần Văn Ơn, Lộc Thọ, Tp.Nha Trang) về việc xin cải tạo đất. Theo đó, bà Thảo My xin cải tạo khu đất có diện tích 1,8ha tại thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh. Theo quy hoạch, khu đất này là đất trồng cây lâu năm. Bà Thảo My xin cải tạo lại đất để trồng tre tầm vong nhằm mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Mai Xuân Hưng – Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Khánh Hòa cho biết: Tại khoản 1, Điều 9 Luật Đất đai quy định có khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào việc bảo vệ, cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất.

Xin trồng tre tầm vông nhưng bà Thảo My đã biến khu đất này thành điểm dừng chân Eco Zone Nha Trang – Đà Lạt.

Xin trồng tre tầm vông nhưng bà Thảo My đã biến khu đất này thành điểm dừng chân Eco Zone Nha Trang – Đà Lạt.

Tuy nhiên, ông Mai Xuân Hưng cũng nhắc nhở: “Bà Thảo My trước khi thực hiện cần báo cáo UBND xã Cầu Bà, UBND huyện Khánh Vĩnh rà soát quy hoạch sử dụng đất phù hợp để thực hiện việc cải tạo và trồng cây. Ngoài ra, sử dụng đất đúng mục đích và đúng quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt”.

Tuy nhiên, sau khi được Sở TNMT Khánh Hoà cho phép trồng tầm vong, bà Thảo My lại chuyển đổi, ngang nhiên xây dựng nhiều hạng mục trên diện tích đất trồng cây lâu năm, hình thành điểm dừng chân đón khách mang tên Eco Zone Nha Trang – Đà Lạt tại thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh.

Như vậy, bà Thảo My đã sử dụng sai mục đích đất. Bà Thảo My đã lừa dối luôn cả Sở TNMT tỉnh Khánh Hoà khi xin cải tạo đất để trồng tre tầm vong sang xây dựng hạ tầng, trái quy hoạch mà tỉnh phê duyệt.

Bà Thảo My đã cho xây dựng nhiều công trình, hạ tầng trên đất trồng cây lâu năm.

Bà Thảo My đã cho xây dựng nhiều công trình, hạ tầng trên đất trồng cây lâu năm.

Trước những sai phạm nghiêm trọng trên, ngày 30/12/2020, UBND huyện Khánh Vĩnh chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Cầu Bà tổ chức kiểm tra thực địa khu vực cải tạo đất.

Qua ghi nhận hiện trạng, hoạt động cải tạo đất khu vực này đã sử dụng phương tiện cơ giới đào đất ở phần sườn đồi để hạ mặt bằng ngang với mặt đường Quốc lộ 27C. Cải tạo, mở đường bê tông đi lên đỉnh đồi, san gạt tạo mặt bằng trên đỉnh đồi. Liền kề phần đất nâng mặt bằng, là đường dân sinh cao hơn mặt đường khoảng 2m; tại khu vực đào đất ở sườn đồi hình thành vách đất cao khoảng 2m.

UBND huyện Khánh Vĩnh khẳng định: “Hiện nay, đối với hoạt động cải tạo đất từ chỗ cao và san lấp chỗ trũng trong thửa đất cải tạo, hoạt động cải tạo làm thay đổi địa hình chưa có quy định cụ thể của UBND tỉnh, đồng thời UBND huyện không có thẩm quyền cho phép. Từ những vấn đề trên, UBND huyện yêu cầu bà Nguyễn Huỳnh Thảo My dừng hoạt động cải tạo đất khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép”.

Tuy nhiên, thay vì chấp hành quy định pháp luật cũng như các thông báo của UBND huyện Khánh Vĩnh, bà Thảo My vẫn tiếp tục cho xây dựng các công trình trên khu đất này. Trước sự “lì lợm”của người dân, UBND huyện Khánh Vĩnh gửi văn bản cho UBND xã Cầu Bà đề nghị xử lý sai phạm trên.

“Căn cứ vào khoản 2, Điều 208, Luật Đất đai năm 2013, UBND huyện đề nghị Chủ tịch UBND xã Cầu Bà tổ chức kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm theo Nghị định 91 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đối với hoạt động xây dựng công trình: Đề nghị UBND xã Cầu Bà chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế Hạ tầng kiểm tra xử lý theo quy định”, ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh khẳng định.

Khánh Hoà cần xử lý dứt điểm tình trạng sai phép này

Khánh Hoà cần xử lý dứt điểm tình trạng sai phép này

Liên quan đến sai phạm này, hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho biết: “Nếu tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch dạng farmstay, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ, thì cần phải được xử lý”.

Các doanh nghiệp muốn chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng thành đất thương mại, dịch vụ, để làm farmstay, thì phải lập dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về du lịch, phải phù hợp với quy hoạch và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp thuận.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu yêu cầu các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, có giải pháp quản lý phù hợp.

Trước đó, Tài chính Doanh nghiệp cũng thông tin: “Khánh Hoà: Khách hàng cẩn trọng mô hình “dự án Farmstay”?”. Theo đó,  gần đây, Khánh Hoà xuất hiện nhiều mô hình Farmstay như: Phan Gia Xanh Garden, điểm dừng chân Eco Zone.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều Luật sư cho biết, việc xử phạt Farmstay thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 và một số quy định khác của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ. Xử lý thu hồi đất vi phạm thực hiện theo Điều 64 Luật Đất đai về thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai. 

Thái Minh
Bạn đang đọc bài viết Biến khu đất trồng tre thành điểm dừng chân: Lừa dối chính quyền địa phương tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Khánh Hoà: Khách hàng cẩn trọng mô hình “dự án Farmstay”?
Thủ tướng Chính phủ ra văn bản cảnh báo vi phạm pháp luật về đất đai đối với mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (Farmstay). Tuy nhiên gần đây, Khánh Hoà vẫn xuất hiện nhiều mô hình Farmstay như: Phan Gia Xanh Garden, điểm dừng chân Eco Zone, bất chấp không có khung pháp lý.