Bộ Công Thương kiến nghị ra quy định mới để bỏ Thông tư 20

19/08/2016, 02:17

TCDN -

Bộ Công Thương vừa chính thức có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20/2011/TT-BCT liên quan đến việc nhập khẩu ô tô.


Theo Bộ Công Thương, có nhiều ý kiến phản đối Thông tư 20 bởi họ cho rằng đây là điều kiện đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để bảo đảm một mục tiêu quản lý.
Theo đó, nếu thương nhân nhập khẩu không đáp ứng được thủ tục này, sẽ không thể hoàn thành thủ tục hải quan cho hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Các thủ tục áp dụng cho hàng nhập khẩu như vậy có rất nhiều và trong tuyệt đại đa số các trường hợp, đều không bị coi là điều kiện ĐTKD (ví dụ như Giấy chứng nhận xuất xứ, Giấy chứng nhận đã qua kiểm dịch động thực vật hay Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam, v.v... do cơ quan có thẩm quyền cấp).
Cũng theo Bộ Công Thương, Thông tư 20 chỉ quy định một thủ tục hành chính để bảo đảm rằng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của chính hãng sản xuất (cũng như mọi quyền lợi khác mà chính hãng sản xuất cam kết với khách hàng) sẽ được các nhà nhập khẩu, phân phối ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống tôn trọng.
Thông tư 20 vi phạm luật cạnh tranh?

Trước một số ý kiến cho rằng, Thông tư 20 trao quyền nhập khẩu ô tô cho một số lượng hạn chế doanh nghiệp có ủy quyền chính hãng, gây ra tình trạng độc quyền trên thị trường, vi phạm pháp luật về cạnh tranh; đồng thời hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng (NTD), vi phạm pháp luật về quyền của NTD, Bộ Công Thương đã có phản hồi.

Theo đó, Thông tư 20 là một thủ tục hành chính áp dụng chung cho mọi thương nhân nhập khẩu, vì vậy không vi phạm quy định nào của Luật Cạnh tranh.Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã tự hoàn thiện để đáp ứng các tiêu chí của hãng sản xuất và có được Giấy ủy quyền để tham gia nhập khẩu ô tô.
Một số ý kiến cho rằng NTD có quyền từ chối bảo hành, bảo dưỡng chính hãng. Quy định thương nhân nhập khẩu, phân phối ô tô phải cung cấp bảo hành, bảo dưỡng chính hãng là vi phạm "quyền được đi xe mà không cần bảo hành" của NTD.
Bộ Công Thương nhận thấy ý kiến này là chưa thỏa đáng bởi khác với nhiều mặt hàng khác, ô tô là mặt hàng có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của người khác khi tham gia lưu thông. Vì vậy, người sử dụng ô tô không những không có quyền từ chối bảo hành mà còn có nghĩa vụ phải bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại các cơ sở đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Thông tư 20 ảnh hưởng rất lớn đến vthị trường ô tô nhập khẩu tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, một số ý kiến còn cho rằng, Thông tư 20 vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ bởi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ không cho phép các hãng sản xuất ô tô được cấm người khác nhập khẩu vào Việt Nam các loại xe đã được hãng bán ra thị trường bên ngoài Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẳng định Thông tư 20 không vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, do không được ban hành để "hạn chế nhập khẩu" hoặc "kiềm chế nhập siêu" nên tất cả các ý kiến dẫn chiếu số liệu nhập khẩu ô tô thời kỳ 2011-2015 để cho rằng "Thông tư 20 đã không đạt được mục đích hạn chế nhập khẩu, cần phải được bãi bỏ" đều là không phù hợp.

Cần sớm có quy định mới

Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện cũng có một luồng ý kiến yêu cầu tiếp tục duy trì Thông Tư 20 vì Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên không phải tự động bãi bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014; triệt tiêu hoàn toàn tình trạng vô trách nhiệm với NTD và với xã hội của một số nhà nhập khẩu, phân phối ô tô.
Thông tư 20 cũng không bị bất kỳ Thành viên WTO nào phản đối và còn được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước ủng hộ bởi từ khi Thông tư 20 ra đời, thị trường ô tô mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã trở nên trật tự và nề nếp hơn, quyền được an toàn của NTD và của toàn xã hội được bảo đảm hơn.
Song, Bộ Công Thương cũng thừa nhận Thông tư 20 tuy không trái luật, lại có mục tiêu chính đáng, nhưng chưa phải là giải pháp toàn diện nhất và tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của NTD và bảo đảm an toàn giao thông.
Cụ thể, Thông tư 20 chỉ điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, không điều chỉnh các loại phương tiện khác. Thông tư 20 không điều chỉnh xe đã qua sử dụng, cũng không điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu theo đường quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển, v.v... nên theo phản ánh của báo chí, đã xuất hiện tình trạng biến xe mới thành xe cũ hoặc đưa xe mới về nước theo đường quà biếu, quà tặng để "lách" Thông tư 20.

Trước những tranh cãi trái chiều của dư luận về việc "giữ" hay "bỏ" Thông tư 20, Bộ Công Thương đã chính thức đưa ra kiến nghị: Không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.

Ngoài ra, Bộ Giao Bộ Giao thông vận tải cần chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.

Giao Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ Giao thông vận tải ban hành chính thức có hiệu lực. Đồng thời, giao Bộ Công Thương, căn cứ các quy định của pháp luật cạnh tranh, giám sát hoạt động nhập khẩu, phân phối ô tô tại Việt Nam để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo Bizlive
Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương kiến nghị ra quy định mới để bỏ Thông tư 20 tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận