Bộ Công Thương yêu cầu không tăng giá điện đến hết quý 2
TCDN - Nhằm giúp doanh nghiệp vượt khó khăn vì Covid-19, giá điện sẽ không được tăng từ nay cho tới hết quý 2/2020.
Bộ Công Thương vừa ra Chỉ thị về các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Điều tiết điện lực, Vụ Thị trường trong nước phối hợp tính toán, chưa tăng giá điện trong quý 1 và 2. Đây là những mặt hàng đầu vào của sản xuất, vì thế sẽ tác động không nhỏ tới kinh doanh của doanh nghiệp nếu tăng giá.
Theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng, giá bán điện hiện có nhiều khung, mức khác nhau cho từng nhóm khách hàng. Giá bán điện bình quân được điều chỉnh khi thông số đầu vào các khâu (phát điện, truyền tải, phân phối...) làm giá tăng 3% trở lên so với hiện hành.
Trường hợp thông số đầu vào làm giá bán điện bình quân tăng hơn 10% so với giá hiện hành, Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá. Trường hợp cần thiết Bộ Công Thương báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng.
Vụ Pháp chế đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.Bộ Công Thương cũng yêu cầu Vụ Tài chính và đổi mới doanh nghiệp rà soát, đề xuất phương án cắt giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong phạm vi và lĩnh vực quản lý.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước được yêu cầu theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cùng các doanh nghiệp, địa phương có biện pháp bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho người dân theo từng cấp độ dịch bệnh.
Hàng hoá thiết yếu cung ứng phải đảm bảo phương châm 4 tại chỗ: chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối và hàng hoá tại chỗ và 3 sẵn sàng là chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương.
Giao cục Xuất nhập khẩu đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, đặc biệt là đối với các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch và các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân. Xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong giai đoạn hiện nay và phải được toàn bộ lực lượng Quản lý thị trường ưu tiên thực hiện với quyết tâm cao nhất.
Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp chủ trì, phối hợp, tham gia ý kiến với Bộ Tài chính về vấn đề gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; vấn đề miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Gần nhất, Bộ Công Thương tăng giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,6% từ ngày 20/3/2019, lên 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) sau khi được Chính phủ đồng ý về chủ trương, và được duy trì từ đó đến nay.
Trước đó, chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước Covid-19 cũng yêu cầu không tăng giá điện.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899