Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu tập trung nguồn lực phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi
TCDN - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn số 7258/BNN-TY yêu cầu các tỉnh, thành phố tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).
Tránh chủ quan, lơ là
Trước nguy cơ Dịch tả lợn Châu Phi tái phát, lây lan trên diện rộng, ngày 20/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công văn số 7258/BNN-TY gửi UBND 30 tỉnh, thành phố.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, hiện nay, cả nước có 324 xã của 29 tỉnh, thành phố có bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày.
Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan diện rộng, khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020 - 2025”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng, trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập ngay các Đoàn công tác do lãnh đạo Sở, lãnh đạo UBND làm trưởng đoàn, đồng thời cử các tổ cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương có ổ bệnh DTLCP (chưa qua 21 ngày) để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành khẩn trương xây dựng, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, bố trí kinh phí và các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP của địa phương. Kế hoạch của địa phương phải cần có mục tiêu, giải pháp cụ thể và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm thống nhất với các nội dung của kế hoạch quốc gia.
Chủ động triển khai giám sát dịch bệnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, công tác tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh DTLCP theo nguyên tắc tuân thủ và thực hiện những nội dung, giải pháp tại kế hoạch quốc gia, cũng như những biện pháp cụ thể tại 2 các văn bản của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP, văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Cục Thú y.
UBND tỉnh, thành phố cần chủ động triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP.
Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.
Tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp qua biên giới theo nội dung Công văn số 3991/BNN-TY ngày 13/6/2020 của Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổ chức tổng kết, đánh giá, phổ biến và nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi. Có kế hoạch và chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh DTLCP để phát hiện sớm, cảnh báo và kịp thời tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật thú y, nhất là tại cơ sở theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm lực lượng tổ chức phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh.
Trước đó, bệnh DTLCP đã xuất hiện trở lại tại một số địa phương như Nghệ An, Hà Nam, Cà Mau…
Mới đây, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai đã phát hiện 120 con heo chết do DTLCP của 6 hộ gia đình tại 2 phường Cheo reo và Hòa Bình.
Sau khi nghe người dân báo, địa phương đã khoanh vùng và tách đàn, ngăn chặn thành công dịch bệnh. Lực lượng chức năng cũng đã tiêu hủy toàn bộ số heo bị chết với hơn 3.500 kg. Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân tái phát DTLCP là do mầm bệnh đã có từ trước, trong khi vệ sinh chuồng trại không được coi trọng.
Liên quan đến 6 hộ gia đình có đàn heo bị chết, thị xã Ayun Pa đã hỗ trợ theo quy định với mức 38 ngàn đồng/kg.
Để ngăn chặn DTLCP lây lan nhanh, ngành Thú y tỉnh Gia Lai đang chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực để hỗ trợ các huyện, thị xã ngăn chặn dịch bệnh.
Ông Dương Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, chúng tôi khuyến cáo người dân cần phải chọn giống tốt trước khi tái đàn. Bên cạnh đó, cần phải vệ sinh chuồng trại, không sử dụng các thức ăn thừa, đồng thời tăng cường các biện pháp chăn nuôi sinh học.
Trước nguy cơ DTLCP có thể trở lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển Gia Lai đã ban hành văn bản về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống DTLCP trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các địa phương cần hướng dẫn cho người dân kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định, chỉ tái đàn khi đảm bảo các điều kiện về con giống, chuồng trại, quy trình chăn nuôi, tiêu độc khử trùng...
Cùng với đó, các địa phương thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình dịch bệnh để kịp thời xử lý. Nếu nghi ngờ có trường hợp mắc DTLCP cần triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch, không để lây lan.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899