Bộ Tài chính phản hồi kiến nghị đánh thuế cao đối với các cơ sở sản xuất túi ni lông

11/08/2024, 10:07

TCDN - Bộ Tài chính cho biết, thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế là 50.000 đồng/kg, bằng mức trần trong khung thuế đối với túi ni lông quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường.

Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bắc Ninh liên quan đến việc cử tri đề nghị nghiên cứu đánh thuế cao đối với các cơ sở sản xuất túi ni lông để giảm lượng chất thải khó phân hủy ảnh hưởng đến môi trường.

Về kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết, túi ni lông thuộc diện chịu thuế đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể, túi ni lông thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đen polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp.

Việc quy định mức thuế cụ thể với từng loại hàng hóa đảm bảo nguyên tắc phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ, mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trưởng của hàng hóa.

Theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế là 50.000 đồng/kg, bằng mức trần trong khung thuế đối với túi ni lông quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường.

Thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế là 50.000 đồng/kg.

Thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế là 50.000 đồng/kg.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường để đề xuất danh mục cụ thể các đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường, biểu khung, mức thuế đối với từng đối tượng chịu thuế, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Do đó, Bộ Tài chính khẳng định pháp luật thuế bảo vệ môi trường hiện hành đã quy định túi ni lông thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường với mức thuế cao (bằng mức trần trong khung thuế đối với túi ni lông).

Để tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế, Bộ Tài chính cho biết cần thực hiện điều chỉnh khung mức thuế bảo vệ môi trường quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường, trên cơ sở đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của túi ni lông và đề xuất về khung và mức thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài chính cũng cho biết, Chính phủ đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH- UBTVQH15, trong đó có báo cáo về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Thuế bảo vệ môi trường và đề xuất sửa đổi luật này, dự kiến đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2026, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu và đánh giá tình hình thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường để đề xuất hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Mặt khác, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bảo vệ môi trường và đặt trong tổng thế Chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030.

PV
Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính phản hồi kiến nghị đánh thuế cao đối với các cơ sở sản xuất túi ni lông tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan