Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp với thực tiễn nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Nhân dịp năm mới Quý Mão, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có những chia sẻ với Tạp chí Tài chính doanh nghiệp.
Thưa Bộ trưởng, năm 2022, trước những diễn biến phức tạp, khó khăn của kinh tế thế giới cũng như trong nước, Bộ Tài chính đã triển khai các chính sách tài khóa như thế nào để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế?
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, cuộc chiến Nga - Ukraina; cộng với những tác động của đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức chưa từng có, tác động rất lớn đến sự phát triển chung của thế giới cũng như Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế - xã hội của doanh nghiệp, người dân. Để vượt qua những khó khăn, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã đưa ra chủ trương “thích ứng an toàn linh hoạt” trong phòng, chống dịch, đồng thời kiên định mục tiêu ổn định kinh vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền, cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp, chính sách về tài khoá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Cụ thể, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm 10% tiết kiệm ngay từ khâu dự toán; đưa vào nền kinh tế gói hỗ trợ lên tới 347 nghìn tỷ đồng, trong đó, có 131 nghìn tỷ đồng đầu tư vào cơ sở hạ tầng; đầu tư vào y tế 14 nghìn tỷ đồng; 38 nghìn tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%; cho công nhân thuê nhà 6.600 tỷ đồng…
Năm 2022, Bộ Tài chính đã tham mưu trình các cấp có thẩm quyền miễn giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất như: giảm thuế GTGT với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lần 1 từ ngày 1/4/2022 và lần 2 về kịch khung thuế từ ngày 11/7/2022…
Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ thành lập Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19, đã huy động được 11 nghìn tỷ đồng, cùng với ngân sách tiêm chủng miễn phí cho toàn dân. Số dư hiện nay là hơn 3 nghìn tỷ đồng.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2022 vẫn đạt khoảng 8%. Trong thành công đó thì các chính sách tài khóa đã đóng góp như thế nào trong việc giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng bền vững, thưa Bộ trưởng?
Với các giải pháp như đã nêu ở trên, dự kiến trong năm 2022, số tiền mà nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân thông qua việc miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí... vào khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng). Trong lịch sử của ngành Tài chính chưa bao giờ số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí lớn như vậy. Thành công trong điều hành đó chính là giảm thuế nhưng vẫn tăng thu ngân sách. Tựu chung có thể nhận định: Năm 2022, nước ta có một năm điều hành quản lý kinh tế - xã hội thành công và chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế. Các chính sách tài khóa đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Như chúng ta đã thấy, thu ngân sách tính đến ngày 15/12/2022 vượt 19,8% dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm.
Năm 2022, GDP tăng trưởng khoảng 7,5%. Dự kiến lạm phát được kiểm soát theo đúng mục tiêu đề ra. Nợ công trong tầm kiểm soát, dự kiến khoảng 43 - 44%. Các khoản nợ vay được cơ cấu lại theo hướng tăng nợ trong nước, giảm vay nợ nước ngoài với lãi suất thấp hơn, tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp tình hình xăng dầu, Bộ Tài chính đã tham mưu kịp thời, chính xác đối với các chính sách để phản ứng trước vấn đề tăng giá xăng dầu. Cụ thể, Bộ Tài chính trình các cấp có thẩm quyền 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; kiến nghị giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống 10%; trình Quốc hội khi giá xăng dầu tăng cao thì giảm thuế GTGT và tiêu thụ đặc biệt; thực hiện tăng chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu lên 3 lần trong thời gian qua.
Bộ Tài chính luôn ủng hộ làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ cho người dân và đảm bảo giá xăng dầu hạ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống cho người dân. Chính những giải pháp trên đã góp phần bình ổn giá xăng dầu cũng như kiềm chế lạm phát.
Kinh tế thế giới dự báo vẫn diễn biến phức tạp, với vai trò là người đứng đầu ngành Tài chính, xin Bộ trưởng chia sẻ những định hướng của ngành trong năm 2023?
Trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới, áp lực lạm phát tăng cao... ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.
Trước mắt sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới; đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế.
Bộ cũng tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đối với thị trường vốn, Bộ Tài chính cũng đã đề ra giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những bất ổn hiện nay để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp. Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế với nhiều điểm mới, theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia. Chính sách mới sẽ cần thời gian để thị trường làm quen, nhưng đây là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính.
Để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính hi vọng trong hoạt động của mình có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp để ngành tài chính tiếp tục cải cách thủ tục theo hướng ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, giúp người dân thực hiện chính sách tài chính được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, và phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam.
Như Bộ trưởng vừa cho biết, năm 2023 sẽ đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật nhằm khắc phục các bất cập và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, vậy Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò góp ý, phản biện của các chuyên gia, các hội nghề nghiệp trong việc xây dựng các chính sách pháp luật đặc biệt trong lĩnh vực tài chính?
Trong những năm vừa qua ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, Hội nghề nghiệp đối với hoạt động xây dựng pháp luật ở Việt Nam nói chung cũng như đối với các cơ chế, chính sách của Bộ Tài chính có ý nghĩa vô cùng to lớn và hiệu quả. Đó là những ý kiến hết sức trách nhiệm và cũng là những vấn đề mà Bộ Tài chính đang quan tâm trong quá trình đổi mới, hoàn thiện thể chế pháp luật. Theo kế hoạch, trong 2 năm tới, Bộ Tài chính sẽ xây dựng 13 bộ luật, trong đó có 6 bộ luật về thuế. Do vậy, trong quá trình xây dựng chính sách, Bộ Tài chính mong muốn nhận được ý kiến nghiên cứu, phản biện của các chuyên gia, hội nghề nghiệp nhằm góp phần hoàn thiện các bộ luật. Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các hội nghề nghiệp phát huy tinh thần trách nhiệm đối với ngành, đoàn kết tập hợp trí tuệ và kinh nghiệm để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Thanh Phương thực hiện