Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đưa trái phiếu doanh nghiệp vào “đường ray", trở thành kênh huy động vốn

20/12/2022, 06:50
báo nói -

TCDN - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang hoàn thiện chính sách về trái phiếu doanh nghiệp; tích cực phối hợp với các bộ ngành, địa phương để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào “đường ray” trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế phát triển, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chiều 19/12, phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính ngân sách nhà nước năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian vừa qua đã quan tâm chỉ đạo sát sao, sáng tạo, hiệu quả để Bộ Tài chính cùng các bộ ngành, địa phương thực hiện chính sách tài khóa thu năm 2022 đạt nhiều thắng lợi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022 được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước phát sinh nhiều biến động, diễn biến phức tạp khó lường. Trong tình hình đó, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành để trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội có quy mô lên tới 347 nghìn tỷ đồng đưa vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, chuyển đổi số; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm 10% chi thường xuyên so định mức phân bổ ngân sách; thực hiện quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tiếp tục cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, tập trung nguồn lực cho Chương trình phục hồi và giảm bội chi ngân sách,...

Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính miễn, giảm, gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022. Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô xản xuất, lắp ráp trong nước; miễn giảm 37 loại phí, lệ phí; giảm mức thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 và đề xuất tiếp tục giảm trong năm 2023.

Đến nay, thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1.691 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán hơn 19% và vượt so với cùng kỳ năm 2021 hơn 18%. Số thu này được thực hiện trong bối cảnh liên tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí là thắng lợi to lớn của ngành Tài chính.

Đối với lĩnh vực chuyển đổi số, hiện đại hóa hoạt động của ngành, Bộ trưởng cho biết, năm 2022, ngành Tài chính cũng đã rất nỗ lực chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vừa qua, cơ quan Thuế đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử, đến nay 100% doanh nghiệp, hộ gia đình đã nộp thuế theo phương pháp kê khai, 2,1 tỷ hóa đơn điện tử đã được phát hành, tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát hoàn thuế, chống gian lận, trốn thuế và buôn lậu.

Ngành Thuế cũng đã thực hiện chương trình “Hóa đơn may mắn”; kết nối dữ liệu điện tử với Bộ Công an để lấy số chứng minh thư làm mã số thuế để thực hiện mã số thuế cá nhân. Ngành Thuế cũng đã triển khai cổng thanh toán điện tử dành riêng cho các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện quyền kê khai, nộp thuế khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Mới đây, Tổng cục Thuế đã khai trương cổng thông tin thương mại điện tử và triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền với nhiều tiện ích.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đang hoàn thiện chính sách về lĩnh vực này; tích cực phối hợp với các bộ ngành, địa phương để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào “đường ray” trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế phát triển, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trong đó, đề xuất cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong 01 năm; hoãn thực hiện quy định thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày; bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn; bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cân đối nguồn vốn cũng như gỡ khó thanh khoản cho thị trường.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đưa trái phiếu doanh nghiệp vào “đường ray", trở thành kênh huy động vốn tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thủ tướng: Năm 2023 giải quyết dứt điểm tồn tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản
Thủ tướng nhấn mạnh năm 2023 phải giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ 4 công điện của Thủ tướng Chính phủ về các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, phát triển thị trường lao động, chăm lo đời sống người lao động.
Bộ Tài chính tiếp tục 'gỡ khó' cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu các tổ chức phát hành trái phiếu nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, trường hợp có khó khăn cần chủ động đàm phán với nhà đầu tư qua các hình thức như gia hạn, điều chỉnh lãi suất, hoán đổi tài sản, hạ giá sản phẩm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính có biện pháp cụ thể để bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư trái phiếu
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính có các biện pháp cụ thể để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ; trình Chính phủ trước ngày 20 tháng 12 năm 2022.