Bộ trưởng Bộ Tài chính: "Vốn đầu tư công là vốn mồi cần trân trọng"

10/12/2021, 16:07

TCDN - Tại cuộc họp về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, cần trân trọng các đồng vốn đầu tư, vì vốn đầu tư công là vốn mồi, giúp kích cầu, tăng trưởng kinh tế, tạo công văn việc làm, phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Sáng nay (10/12), tại trụ sở Bộ Tài chính, Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng đã chủ trì cuộc họp về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 với lãnh đạo 6 địa phương: Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau. Cuộc họp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương từ đó đưa ra các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước mới giải ngân được 65,7% kế hoạch. Như vậy là rất thấp trong khi dịch Covid-19 hoành hành và nước ta cần phải giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản để lôi kéo nguồn vốn tư, nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển.

Theo báo cáo số giải ngân vốn (đến 30/11/2021) của 6 địa phương nói trên là 11.749,185 tỷ đồng đạt 48,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021 (tỉnh Cà Mau có số giải ngân cao nhất đạt 59,1%, tỉnh An Giang thấp nhất trong 6 tỉnh đạt 33,8%). Trong đó nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 8.504,399 tỷ đồng, đạt 56,9 % kế hoạch, nguồn ngân sách Trung ương trong nước đã giải ngân 2.522,75 tỷ đồng, đạt 41,6% kế hoạch và nguồn vốn ngoài nước (ODA) đã giải ngân 722,031 tỷ đồng, đạt 23,7 % kế hoạch.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Dự kiến đến ngày 31/1/2022, 6 địa phương sẽ giải ngân được 18.934,4 tỷ đồng, bình quân đạt 78,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tỉnh Đồng Tháp dự kiến cao nhất là 87,7%, tỉnh An Giang dự kiến thấp nhất trong 6 tỉnh 70,1%). Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương là 87,8% kế hoạch, vốn ngân sách Trung ương trong nước là 69,3%, vốn ODA là 53,1% kế hoạch.

Trao đổi tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết đặc thù kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên phải chờ giao kế hoạch trung hạn nên các dự án khởi công mới giao muộn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và giá cả vật liệu xây dựng tăng cao cùng các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng,vướng mắc trong thực hiện thủ tục xin ý kiến tham gia của các nhà tài trợ đối với dự án dùng nguồn vốn nước ngoài... khiến cho tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Đáng chú ý, nguồn vốn ODA của 06 địa phương giải ngân mới chỉ đạt 23,7% kế hoạch.

Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Chính phủ xem xét phê duyệt khoản vay hỗ trợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng tứ giác Long Xuyên”.

Còn đại diện tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương được bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách Trung ương theo giá trị giải ngân thực tế của từng dự án.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đó, các địa phương đã kiến nghị với Tổ công tác số 5 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Trung ương đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài ODA năm 2021; đề nghị cho phép các ban quản lý dự án, hoặc đơn vị có đủ năng lực được lập, trình chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của HĐND cấp tỉnh; tiếp tục hoàn thiện chính sách về công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án…

Theo Bộ trưởng, Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đề ra mục tiêu đến hết năm 2021 tốc độ giải ngân phải đạt 95%-100%.

Tuy nhiên, kết quả giải ngân của 06 địa phương đến ngày 30/11/2021 mới đạt 48,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021. Như vậy, mức giải ngân hiện nay của 6 địa phương đang thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (65,7%).

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Có thể nói, 6 địa phương này đều là những tỉnh còn nghèo, gần như hưởng trợ cấp ngân sách nhà nước mà chưa đảm bảo cân đối thu chi, do đó, càng phải trân trọng hơn các nguồn vốn để kích cầu kinh tế, phải xác định vốn đầu tư công là vốn mồi. Do vậy lãnh đạo các địa phương cần đặt đây là nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân để đạt được kết quả như Nghị quyết 63/NQ-CP đã đề ra. Điều đó, đòi hỏi các đồng chí phải nỗ lực ngày đêm, từ cấp tỉnh đến huyện tháo gỡ khó khăn, tập trung đẩy nhanh xây dựng công trình đúng quy định.

Liên quan đến vấn đề giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, các địa phương cần phải có báo cáo kịp thời, chi tiết về thời gian, giá của từng loại nguyên vật liệu tăng như thế nào, tăng trong bao lâu và đề xuất các giải pháp. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ có tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như thế mới giải quyết được vấn đề.

Đối với các kiến nghị cho phép kéo dài nguồn vốn sang năm 2022, Bộ trưởng cho biết, theo Luật, Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài đến hết 31/12/2021 của năm sau, nhưng vấn đề đặt ra là có nên kéo dài hay không, bởi sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa, trong khi đất nước còn đang khó khăn và Chính phủ đang bàn về gói kích cầu kinh tế, nếu giải ngân đầu tư công lại đề nghị kéo dài thì không có ý nghĩa. Do đó, "cần phải tập trung giải ngân nhanh nhất, hiệu quả nhất, nhiều nhất thì mới tính đến kích cầu kinh tế" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần nghiên cứu những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để giải quyết sớm. Với các ý kiến ngoài thẩm quyền của Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tham mưu cho Chính phủ để có văn bản tháo gỡ khó khăn sớm nhất cho các tỉnh.

Tuấn Kiệt
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ Tài chính: "Vốn đầu tư công là vốn mồi cần trân trọng" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

62 đơn vị mới giải ngân vốn đầu tư công dưới 50%
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công11 tháng của cả nước ước đạt 63,85% theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có tới 34 bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó có 19 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%, theo Bộ Tài chính.