Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Nắm bắt cơ hội để đưa kinh tế phát triển hơn cả khi chưa có dịch"

10/04/2020, 20:50

TCDN - Cùng với quyết liệt phòng chống dịch cần hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra.

Quan điểm trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 10/4.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là những vấn đề lớn nhằm phản ứng chính sách kịp thời trước các tình huống và chủ động xây dựng xây dựng kịch bản phát triển sau đại dịch. Dự thảo Nghị quyết này cũng nhằm chuẩn bị các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để chủ động tổ chức triển khai thực hiện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong quý 2, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến quý 3 thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%.

Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỷ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do “cầu” của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hướng đầu tư an toàn hơn.

Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, Nghị quyết của Chính phủ sẽ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương căn cứ theo thẩm quyền thực hiện ngay các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, thực hiện kế hoạch.

Tiếp tục giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung giảm các loại phí, giá dịch vụ; mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất... Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thương mại trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực. Giải quyết nhập cảnh cho chuyên gia, cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật... theo đúng quy định.

Đồng thời, các bộ, cơ quan Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm gánh nặng chi phí cho người nộp thuế: nâng mức giảm trừ gia cảnh; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước...; cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong thời gian khoảng 5 tháng đến hết quý 2/2020...

Tuy nhiên, dù bị ảnh hưởng dịch song Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đề nghị triển khai hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương thực hiện ngay các dự án đường lăn và cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo quy định dự án đầu tư công khẩn cấp của Luật Đầu tư công và dự án đầu tư xây dựng có tính cấp bách của Luật Xây dựng; hoàn thành các thủ tục đầu tư, bảo đảm khởi công trong tháng 8-9 năm 2020 các dự án cao tốc Bắc-Nam ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận.

Về kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.

Cần thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tác động của dịch sẽ gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi.

Đồng thời, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.

"Chúng ta phải tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Gia Hưng
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Nắm bắt cơ hội để đưa kinh tế phát triển hơn cả khi chưa có dịch" tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan