Bộ Xây dựng: Không "siết" vốn vào bất động sản nhưng kiểm soát để tránh đầu cơ

14/06/2022, 13:58

TCDN - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, chủ trương chung là không "siết" vốn vào bất động sản, nhất là các phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân mà chỉ hạn chế dòng vốn vào các dự án có hiện tượng đầu cơ và không thiết thực ngay.

Ngày 13/6, Bộ Xây dựng đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ để thông tin về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ Xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, chủ trương chung là không siết vốn vào bất động sản, nhất là các phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân. Tuy nhiên Bộ vẫn phải kiểm soát để tránh hiện tượng đầu cơ.

Không siết vốn vào bất động sản nhưng kiểm soát để tránh đầu cơ.

Không "siết" vốn vào bất động sản nhưng kiểm soát để tránh đầu cơ.

Ông Hùng cho biết thêm, Bộ Xây dựng không dùng từ "siết" vốn bất động sản mà chỉ hạn chế dòng vốn bất động sản vào các dự án có hiện tượng đầu cơ, các dự án không thiết thực ngay. Hiện nay, vốn cho thị trường hạn chế khiến tốc độ tăng trưởng của thị trường chậm lại nhưng hạ giá "chưa rõ". Ngoài ra, Bộ Xây dựng kiến nghị cho vay với những dự án có pháp lý rõ ràng, tiến độ tốt để bổ sung nguồn cung cho thị trường.

Các doanh nghiệp bất động sản huy động từ nhiều nguồn vốn như ngân hàng, trái phiếu, liên doanh liên kế, người mua và vốn chủ sở hữu. Vì vốn chủ sở hữu ít nên đẩy mạnh huy động từ các nguồn vốn còn lại.

Thời điểm hiện tại các nguồn vốn như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp đang được kiểm soát để thị trường bất động sản phát triển theo hướng lành mạnh.

Về vấn đề thị trường bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết, trong năm 2021, Bộ Xây dựng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thị trường bất động sản.

Theo đó, thị trường bất động sản năm 2021 vẫn còn hiện tượng bị đẩy giá lên cao, đặc biệt giá đất nền tại một số khu vực dự kiến lên quận, hạ tầng giao thông đi qua. Trong đó, nhà ở chung cư tăng trung bình từ 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ có nơi tăng đến 30%.

Nguyên nhân tăng giá bất động sản là do tín dụng điều chỉnh chưa tốt, thông tin thị trường chưa được kịp thời nên xuất hiện tình trạng thổi giá.

Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, đồng thời với sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền địa phương nên đến thời điểm hiện nay, thị trường bất động sản so với cùng kỳ 2021 và so với quý IV/2021 đã có nhiều nơi “hạ nhiệt”.

Ông Khởi cũng cho biết thêm, tính đến tháng 4/2022, cả nước có 339 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được đầu tư xây dựng. Hiện nhiều địa phương đã và đang tích cực triển khai hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cụ thể, đã có 11 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô khoảng 25.800 căn được triển khai. Trong đó, nhà ở xã hội hiện có 8 dự án tương đương khoảng 22.000 căn, nhà ở công nhân là 3 dự án với quy mô hơn 3.500 căn tại các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Tp.HCM…

Để đảm bảo nguồn cung ra thị trường, Bộ Xây dựng đề xuất các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển các dự án bất động sản; tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý có hiệu quả, ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung ngay cho thị trường.

Minh Anh
Bạn đang đọc bài viết Bộ Xây dựng: Không "siết" vốn vào bất động sản nhưng kiểm soát để tránh đầu cơ tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ trưởng Xây dựng kiến nghị loạt giải pháp phát triển thị trường bất động sản
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, thị trường bất động sản nước ta trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô, trình độ...đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng vẫn đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.
Siết tín dụng bất động sản, người nghèo khó mua nhà, Thống đốc nói gì?
Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chiều 7/6, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng siết chặt tín dụng bất động sản có thể dẫn đến hệ lụy như thị trường sẽ đình trệ, người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn.
Ngân hàng Nhà nước nói về “siết” tín dụng bất động sản
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngân hàng chưa bao giờ có văn bản hoặc phát ngôn dùng từ “siết”, “cắt” tín dụng bất động sản. Từ trước tới nay, quan điểm của NHNN là kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán.