Bộ Xây dựng "tăng tốc" phát triển nhà ở xã hội
TCDN - Năm 2024, Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định, bền vững.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ký Quyết định số 60/QĐ-BXD ban hành Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo Chương trình mới được ban hành, Bộ Xây dựng đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP. Bộ sẽ tiếp tục ưu tiên hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường kinh doanh.
Trong đó, trọng tâm xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ Xây dựng năm 2024 như: Hoàn thiện Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, bảo đảm tiến độ theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội; Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, dự án Luật Cấp, thoát nước sau khi được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản gồm: Các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2023; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, Nghị định về cây xanh và công viên công cộng đô thị; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021, Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ.
Triển khai Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024, Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) năm 2024 và tiếp tục thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030. Tổ chức cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ để nâng cao hiệu quả thực thi công vụ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công.
Thực hiện nghiêm cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Bộ; công bố, chuẩn hóa danh mục TTHC thực hiện tại Bộ phận Một cửa; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc thẩm quyền quản lý…
Xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 sau khi được phê duyệt. Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển 5 năm giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ để đóng góp xây dựng các nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định, bền vững.
Ban hành Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; giao các địa phương xây dựng chỉ tiêu kế hoạch, giải pháp triển khai nhanh, hiệu quả Đề án. Tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ công tác liên ngành làm việc với một số địa phương để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là TP Hà Nội, Tp.HCM và một số tỉnh, thành phố lớn trực thuộc Trung ương…
Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ tập trung cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị với trọng tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ.
Đôn đốc, tập trung nguồn lực tổ chức lập, điều chỉnh, phê duyệt đầy đủ quy hoạch chung, nỗ lực phủ kín quy hoạch phân khu; nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn kết chặt chẽ, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch và các loại quy hoạch. Triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt. Kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm công khai, minh bạch, đồng bộ…
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình xây dựng. Đổi mới, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức và giá xây dựng. Tăng cường kiểm tra, giám sát sau phân cấp, ủy quyền.
Tổ chức thực hiện Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng sau khi được Chính phủ ban hành, trong đó tập trung xây dựng, ban hành Thông tư về quy chế cập nhật, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng. Tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực hoạt động xây dựng. Kiện toàn quy chế thực hiện, quy trình kiểm soát để đáp ứng tốt nhiệm vụ thẩm định dự án, thiết kế, điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899