"Bức tử" sông Sài Gòn, sông Thị Tính: Thanh tra Chính phủ báo cáo những gì?

11/10/2020, 20:24

TCDN - Nhiều công trình sai phép lấn hành lang bảo vệ sông Thị Tính, sông Sài Gòn bị báo chí phản ánh, Thanh tra Chính đã báo cáo những gì lên Văn phòng Chính phủ?

Thời gian qua, nhiều thông tin phản ánh về việc trên địa bàn hai xã Phú An và An Tây , thị xã Bến Cát, xuất hiện nhiều công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm hành bảo vệ đường sông, đê bao dọc bờ sông Thị Tính, sông Sài Gòn. Những công trình này có hạng mục được xây dựng kiên cố, bề thế “bức tử” 2 dòng sông thơ mộng nhiều năm nhưng chưa được kiểm tra, xử lý triệt để.

Dư luận cũng “nóng” lên khi phản ánh trong những công trình vi phạm có cả những công trình được cho là có liên quan tới người nhà quan chức tỉnh Bình Dương. Về góc độ quản lý, chính quyền lại kêu khó vì không thể tiếp cận và xử lý triệt để các công trình.

Ghi nhận dọc hai con sông Thị Tính và sông Sài Gòn, trong số nhiều công trình xây dựng lấn sông, có xuất hiện tổ hợp công trình trên diện tích đất rộng khoảng 9.000m2. Trong đó có khoảng 2.250m2 đất thuộc hành lang bảo vệ sông và 441m2 đất đê bao.

Khu nhà vườn 0,9ha của bà Hoa, vợ Bí thư tỉnh Bình Dương nhìn từ trên cao cho thấy có nhiều công trình xây dựng (Hình chụp đầu tháng 6/2020).

Khu nhà vườn 0,9ha của bà Hoa, vợ Bí thư tỉnh Bình Dương nhìn từ trên cao cho thấy có nhiều công trình xây dựng (Hình chụp đầu tháng 6/2020).

Theo quy hoạch thì đây lại là đất trồng cây lâu năm, không được phép xây dựng. Người được cho là chủ sở hữu khu đất này là bà Phạm Mai Hoa (sinh năm 1966, hộ khẩu thường trú tại 134/4 đường 30/4, khu 2, phường Phú Hòa, Tp.Thủ Dầu Một). 

Vợ con vi phạm, cán bộ không được đưa vào cấp ủy khóa mới

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chỉ đạo: “Những cán bộ có vi phạm hoặc có vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị cũng không được đưa vào cấp ủy khóa mới”.

Theo đơn thư phán ánh đến báo chí của người dân, từ 8/2016 đến nay, sau khi mua khu đất nông nghiệp trồng cây lâu năm ven sông Sài Gòn (thuộc ấp Phú Thuận, xã Phú An, thị Xã Bến Cát), bà  Phạm Mai Hoa đã tự ý cho đổ đất đá san lấp, lấn ra tận mép bờ sông Sài Gòn với diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông.

Được biết, khu đất 9.000m2 tại xã Phú An được gia đình bà Phạm Mai Hoa mua lại từ một người dân sinh sống tại Tp.HCM, với giá 100.000.000 (Một trăm triệu đồng), thuộc bản đồ địa chính số 29, thửa đất số 638. Trong đó có 2250m2 thuộc đất hành lang an toàn bảo vệ công trình đường sông; 441m2 là đất bảo vệ hành lang công trình đê.

Đất do nhà nước giao, không thu phí sử dụng đất và theo quy hoạch là đất trồng cây lâu năm. Đất này không được phép xây dựng. Ngày 19/9/2016, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người đứng tên sở hữu là bà Phạm Mai Hoa.

Suốt một thời gian dài, người dân xôn xao việc tại sao công trình xây dựng hoành tránh trên khu đất quy hoạch trồng cây lâu năm của bà Hoa lại có thể “qua mặt” được chính quyền sở tại và tồn tại bấy lâu nay. Dư luận hoài nghi liệu rằng có phải bà Hoa là người nhà của một cán bộ tỉnh nên mới được “ưu ái” hay không? 

Vụ chuyển nhượng đất có dấu hiệu trốn thuế khi 9.000m2 mà chỉ được mua bán với giá 100 triệu đồng của bà Phạm Mai Hoa

Vụ chuyển nhượng đất có dấu hiệu trốn thuế khi 9.000m2 mà chỉ được mua bán với giá 100 triệu đồng của bà Phạm Mai Hoa

Và công trình khủng trái quy định kể trên không được xử lý đã tạo tiền lệ xấu, kết quả là tại khu vực giáp ranh giữa sông Thị Tính, sông Sài Sòn, người dân đua nhau xây dựng công trình khủng như: Phim trường Limli ở ấp Phú Thứ, xã Phú An; nhà hàng hạng sang Rạch Mít ở xã An Tây thuộc TX Bến Cát… 

Mặc dù nhiều trường hợp bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính, nhưng chưa cưỡng chế, tháo dỡ nên tình trạng dân xây dựng lấn ra hành lang an toàn đường sông ngày càng nhiều, khiến cho dư luận bức xúc. Nhiều người mong chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm sai phạm.

Ngay sau khi báo chí phản ánh, ngày 1/7/2020, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ông Cao Huy đã ký công văn 5283 gửi UBND tỉnh Bình Dương về kiểm tra phản ánh của báo chí, đơn thư về vi phạm quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.

Theo công văn này, vừa qua, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai, xây dựng tại Tp.Thuận An, Tp.Dĩ An và thị xã Bến Cát. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ nhận được đơn thư do Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển đến, có nội dung phản ánh các vi phạm nêu trên.

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình có ý kiến chỉ đạo như sau: “Yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra nội dung phản ánh của báo chí và đơn thư, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2020. Văn phòng Chính phủ thông báo để UBND tỉnh Bình Dương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện”.

Mới đây nhất, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản phúc đáp gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến nhiều sai phạm mà báo chí đã phản ánh như đã nêu tại Bình Dương. Theo đó, Thanh tra Chính phủ cho biết, tình hình sử dụng đất và xây dựng các công trình dọc bờ sông Sài Gòn, sông Thị Tính của 13 hộ dân hiện nay UBND Bình Dương đang giao cho UBND thị xã Bến Cát rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình, giải quyết theo thẩm quyền nên Thanh tra Chính phủ chưa có ý kiến.

Còn đối với sai phạm taị khu đất 9.000m2 của bà Phạm Mai Hoa - Vợ Bí thư tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Nam, Thanh tra Chính phủ cho rằng UBND tỉnh Bình Dương báo cáo chưa rõ ràng.

“Nội dung báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương chưa thể hiện rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, quá trình quản lý xây dựng công trình trên đất và việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với hộ bà Phạm Mai Hoa. Những nội dung này, Thanh tra Chính phủ chưa Thanh tra, kiểm tra và liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành, Thanh tra Chính phủ đề nghị các Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính có ý kiến”, văn bản nêu rõ.    

Như vậy, chuyện 'bức tử' sông Sài Gòn, sông Thị Tính đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Các cá nhân, tổ chức sai phạm vẫn chưa bị xử lý đúng theo quy định. 

Đề cập tới vấn đề quản lý và vi phạm trật tự xây dựng nói trên, trong đó có vụ việc xảy ra tại Bình Dương, Đại biểu Phạm Văn Hòa – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm để tránh trường hợp phạt cho tồn tại. Vừa rồi Quốc hội cũng cho ý kiến thảo luận Luật Xây dựng sửa đổi.

Sắp tới sẽ biểu quyết thông qua Luật Xây dựng. Trong đó, rất nhiều Đại biểu Quốc hội chỉ ra những bất cập, hạn chế thiếu sót của Luật Xây dựng trong thời gian qua do chính con người gây nên. Đó là việc cấp phép xây dựng, xây dựng không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp, chiếm dụng đất xây dựng trái phép, xây dựng trên đất rừng. Trong khi những sai phạm diễn ra nhưng chính quyền địa phương lại tỏ ra “vô hại”.

“Tôi cho rằng, những bất cập hạn chế trong vấn đề quản lý trật tự xây dựng ở đây có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thậm chí có nơi mặc nhiên “làm lơ” cho vi phạm. Chỉ khi có báo chí, người dân phản ánh mới lập biên bản đình chỉ nhưng giải quyết chưa đến nơi đến chốn. Hôm nay lập biên bản đình chỉ, ngày mai họ lại xây dựng tiếp với lý do “họ xây chui vào ngày nghỉ nên không biết, không hay”. Khi sự việc “đã rồi” thì xử phạt và… cho tồn tại”, Đại biểu Phạm Văn Hòa từng trao đổi với báo chí.

Định An
Bạn đang đọc bài viết "Bức tử" sông Sài Gòn, sông Thị Tính: Thanh tra Chính phủ báo cáo những gì? tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899