Cách hàng hóa phương Tây vào Nga bất chấp cấm vận
TCDN - Zara, Coca Cola hay IKEA đều đã rời Nga từ năm ngoái, nhưng sản phẩm của họ và nhiều loại hàng hóa phương Tây khác vẫn được bán tại nước này.
Đến nay, việc các công ty châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản rời khỏi đất nước sau xung đột Ukraine chưa ảnh hưởng nhiều đối với người tiêu dùng Nga. Những chiếc xe tải chở Coca Cola vẫn đi qua biên giới. Các cửa hàng trực tuyến tại Nga vẫn bán đồ nội thất của IKEA.
Sự thay đổi chủ yếu diễn ra ở tuyến vận chuyển. Thời gian mua hàng có thể dài hơn và một số hàng hóa phương Tây trở nên đắt hơn. Nhưng sản phẩm vẫn hiện diện ở nhiều nơi. Người mua chỉ cần biết chỗ mà thôi.
Phần lớn hàng hóa không phải là mục tiêu trừng phạt và việc vận chuyển xuyên biên giới vẫn hợp pháp. Moskva vẫn để hàng hóa phương Tây vào đây, dù là bằng đường nào.
Inditex – công ty mẹ Zara - đã đóng 502 cửa hàng của họ tại Nga sau khi xung đột Ukraine nổ ra. Sau đó, họ bán cho Daher Group (trụ sở tại UAE). Khảo sát của Reuters cho thấy sản phẩm của Zara vẫn có ở Nga, nhờ nhập khẩu quy mô nhỏ và những người bán trực tuyến.
Hè năm ngoái, Albina (32 tuổi) mang một valy rỗng đến Minsk (Belarus) và quay về sau một ngày với số quần áo Zara, Bershka, Massimo Dutti trị giá 33.000 ruble (442 USD) cho cô và bạn bè. Dù phần lớn thương hiệu phương Tây dừng hoạt động tại Nga thì cũng sẽ rút khỏi Belarus – nước thân thiết với Moskva, Inditex lại không thực hiện hành động tương tự.
Doanh thu của CDEK Forward năm ngoái tăng gấp đôi, nhờ các đơn hàng nhỏ và đơn của cá nhân. 80% các đơn hàng là quần áo.
Khi các chuỗi cửa hàng phương Tây đóng cửa, Nga cũng hợp pháp hóa việc nhập khẩu song song (parallel import) của các hãng bán lẻ trong nước. Các website thương mại điện tử có đủ loại hàng hóa mà họ quảng cáo là mang từ nước ngoài về.
Chuỗi bán lẻ Wildberries có nhiều thương hiệu của Inditex và gần 17.000 sản phẩm của Zara. Một nguồn tin thân cận nói với Reuters rằng đây là hàng xả kho của Inditex khi hãng ngừng hoạt động tại đây.
Wildberries, cũng như một số chuỗi khác là Ozon và Yandex Market, còn bán Coca-Cola. Chúng được quảng cáo là hàng nhập khẩu để người mua biết đây là hàng thật.
Coca-Cola đã ngừng sản xuất và bán hàng tại Nga từ năm ngoái. Tuy nhiên, các công ty khác lại nhập khẩu chúng vào đây. Thông tin trên lon và chai cho thấy chúng đến từ châu Âu, Kazakhstan, Uzbekistan và Trung Quốc.
Cách làm này có hậu quả xấu là loạn giá. Tại một siêu thị ở Moskva, 3 lon Coa-Cola được niêm yết 3 giá khác nhau, vì nhập từ Đan Mạch, Ba Lan và Anh.
Nhân viên một chuỗi bán lẻ lớn tại Nga nói rằng họ đã phải nhanh chóng tìm cách thích nghi. "Chúng tôi lập tức tìm các đầu mối liên lạc mới, ký hợp đồng với đối tác mới, lập chuỗi cung ứng với Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Kazakhstan. Vấn đề là người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn thôi", anh nói.
Nhiều quốc gia không áp trừng phạt lên Nga đang tăng xuất khẩu hàng hóa sang nước này. Ví dụ, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã lập đỉnh 1.280 tỷ nhân dân tệ (186 tỷ USD) năm ngoái. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga cũng tăng 61,8% lên 9,34 tỷ USD. Con số này từ Kazakhstan tăng 25% lên 8,78 tỷ USD.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng các tuyến cung ứng không chính thống có thể khiến nhiều hàng hóa phương Tây chất lượng thấp tràn vào Nga, do giới chức không thể kiểm soát hết. Một số thương hiệu thậm chí phải đối phó với tình trạng hàng giả hàng nhái từ nhiều năm nay.
Dù việc các hãng phương Tây rời đi giúp mở ra nhiều cơ hội cho các công ty Nga, thói quen sử dụng của người dân có thể khiến sản xuất tại Nga khó tăng tốc. "Thị trường sẽ tìm ra cách đưa về các sản phẩm mà người Nga đã quen dùng. Dù hào hứng với sản phẩm trong nước đến đâu, bạn cũng sẽ khó mà nghiện Coca Nga được", Ram Ben Tzion - giám đốc điều hành hãng giải pháp công nghệ dành cho vận chuyển Publican kết luận.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899