EU tìm cách tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine
TCDN - Liên minh châu Âu (EU) đang tính cách tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga, ước tính khoảng 300 tỷ euro (292 tỷ USD) để hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước.
Thông tin trên được đưa ra khi lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) kết thúc cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại Brussels (Bỉ).
“Chúng ta phải nói về việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga. Chúng ta có hơn 300 tỷ euro (292 tỷ USD) tài sản bị đóng băng và cách thức có thể sử dụng vì lợi ích của Ukraine", CNN dẫn lời Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết hôm 21/10.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tài sản và tiền bạc của hàng nghìn cá nhân Nga đã bị chính phủ khắp châu Âu tịch thu hoặc đóng băng.
Theo Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đóng băng gần 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng xác nhận tài sản của Nga đã bị phong tỏa nhưng không bị tịch thu hay trưng dụng.
Đây được xem là một trong những biện pháp trừng phạt mạnh nhất phương Tây áp lên Nga để gây áp lực buộc Moscow dừng chiến dịch quân sự.
Về mặt pháp lý, số tài sản bị đóng băng này vẫn thuộc về Nga hoặc các công dân nước này. Hiện tại, nếu muốn sử dụng khối tài sản gần 300 tỷ USD này, EU cần tìm cách tịch thu chúng.
EU đã thu giữ tài sản của các doanh nhân và công ty Nga, cùng với tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, như một phần của các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva.
Ý tưởng sử dụng tài sản tịch thu của Nga để viện trợ cho Ukraine lần đầu tiên được đưa ra cách đây vài tháng và được các chính trị gia như Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, cựu Thủ tướng Anh Liz Truss và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel ủng hộ.
Hồi tháng 5, Litva, Slovakia, Latvia và Estonia kêu gọi EU sử dụng tài sản tịch thu của Nga để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine sau xung đột.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo, việc sử dụng những khoản tiền đó ở Ukraine có thể là bất hợp pháp.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đang tìm cách cung cấp cho Ukraine khoảng 1,5 tỷ euro mỗi tháng. Các bộ trưởng tài chính của khối đã được giao nhiệm vụ cùng nhau kêu gọi nguồn tài trợ.
Nga chỉ trích mạnh mẽ việc các quốc gia phương Tây thu giữ tài sản của nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov cho rằng việc đóng băng tài sản về cơ bản cấu thành hành vi đánh cắp, bất hợp pháp.
Trong báo cáo về kinh tế châu Âu và Trung Á hồi đầu tháng 10, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết nền kinh tế Ukraine đã bị mất năng lực sản xuất, thiệt hại về đất nông nghiệp và nguồn cung lao động giảm.
WB dự báo kinh tế Ukraine giảm 35% trong năm nay do bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột với Nga.
Báo cáo cũng nhận định rằng để phục hồi và tái thiết đất nước, Ukraine sẽ cần ít nhất 349 tỷ USD, gấp hơn 1,5 lần quy mô nền kinh tế Ukraine trước khi xảy ra xung đột với Nga.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899