Cái khó của ngành thuế đối với khai thác than

08/07/2020, 13:40
báo nói -

TCDN - Mặc dù cơ quan thuế đã rất nỗ lực trong việc kiểm soát khai thuế với 100% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, nhưng do vẫn thiếu nhiều thông tin, nhân lực để nhận diện rủi ro, phân tích và xử lý rủi ro nên công tác quản lý khai, nộp thuế đối với ngành than vẫn còn không ít hạn chế.

Với số nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trên 10.000 tỷ đồng/năm, nguồn tài nguyên than ở tỉnh Quảng Ninh đã đóng góp phần lớn ngân sách nội địa, thúc đẩy phát triển KT-XH và tăng trưởng GDP của địa phương.

Với những vai trò to lớn đó, Quảng Ninh trong những năm qua đã triển khai nhiều biện pháp quản lý đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm doanh nghiệp thiếu trung thực giữa việc lập hồ sơ khai thuế và lập báo cáo khoáng sản.

Điển hình trong 6 tháng đầu năm, Cục Thuế Quảng Ninh đã làm việc với các chủ đầu tư của gần 100 dự án để rà soát, đối chiếu sản lượng đất đào đắp và xác định số thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường còn phải nộp của khoảng 30 dự án là gần 40 tỷ đồng để thông báo yêu cầu chủ đầu tư nộp NSNN.

images1403931_91

Với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, sản lượng tài nguyên khai thuế phí và số thu nộp NSNN đã tăng qua các năm. Thống kê số liệu quản lý thuế trong 3 năm của Cục Thuế tỉnh cho thấy, từ năm 2017 đến hết 2019, tổng số nộp NSNN từ các doanh nghiệp trực tiếp khai, kinh doanh than đạt trên 36.000 tỷ đồng.

Trong đó, năm 2017 số thu thuế đạt 10.985 tỷ đồng; năm 2018 đạt trên 11.970 tỷ đồng; năm 2019 đạt trên 13.120 tỷ đồng. Như vậy mỗi năm, số nộp NSNN từ nguồn tài nguyên này tăng bình quân 10%/năm và luôn chiếm từ 41-44% tỷ trọng so với tổng thu NSNN nội địa của tỉnh. Còn về sản lượng tài nguyên khai thuế phí chỉ tính riêng năm 2019 đã tăng 6% so với năm 2018.

Mặc dù cơ quan thuế đã rất nỗ lực trong việc kiểm soát khai thuế với 100% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, nhưng do vẫn thiếu nhiều thông tin, nhân lực để nhận diện rủi ro, phân tích và xử lý rủi ro nên công tác quản lý khai, nộp thuế đối với ngành Than vẫn còn không ít hạn chế, hiệu quả mang lại chưa thực sự cao so với quy mô tổng thể của khối doanh nghiệp khai thác than.

Theo bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh ban hành năm 2019 và 2020 có từ 71-78 chủng loại than khác nhau, tương ứng với 71-78 giá tính thuế tài nguyên khác nhau. Hiện chủng loại than tương ứng đã khai thuế mới có 39 loại (khoảng 50% so với các chủng loại than bằng giá). Trong khi đó, cơ quan thuế không có khả năng xác định chính xác chủng loại than mà chỉ dựa vào kết quả giám định của các tổ chức có chức năng giám định.

Bên cạnh đó, việc quy định giá bán than trong nội bộ của các đơn vị thành viên có sự khác nhau sau mỗi công đoạn và giá bán than tăng dần ở công đoạn sau, nhưng việc áp giá tính thuế tài nguyên thì chỉ áp dụng cho giai đoạn bán ra đầu tiên. Đây lại là giá bán thấp nhất trong toàn bộ chu trình sản xuất than.

Mặt khác, các giao dịch trong nội bộ TKV, Tổng Công ty Đông Bắc rất phức tạp với các liên kết có sự điều hành, điều phối tập trung. Các yếu tố về doanh thu trong từng khâu, danh mục chi phí lớn, nhiều yếu tố kỹ thuật đặc thù, quy trình sản xuất phức tạp...

Những vấn đề này luôn là thách thức đối với cơ quan thuế khi tổng hợp, đối chiếu số liệu tại từng khâu, từng đơn vị trong cả chuỗi mô hình luân chuyển hàng hóa, dịch vụ trong ngành Than.

Nghi Sơn
Bạn đang đọc bài viết Cái khó của ngành thuế đối với khai thác than tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Quảng Ninh: Thu ngân sách nội địa luôn cao nhất cả nước
Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2015-2019 của Quảng Ninh đạt 137.515 tỷ đồng, trở thành tỉnh luôn ở tốp đầu có số thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước. Thời gian tới, Cục Thuế Quảng Ninh sẽ tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, homestay, căn hộ du lịch…