Cán cân thương mại thặng dư 546 triệu USD trong tháng 11
TCDN - Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 11 cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 546 triệu USD. Kết quả này đã góp phần đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước trong 11 tháng năm 2020 đạt thặng dư 20,06 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 11 đạt 49,93 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 25,24 tỷ USD, giảm 7,4% so với tháng trước (tương ứng giảm 2,02 tỷ USD); nhập khẩu đạt 24,69 tỷ USD, tăng 1,5% (tương ứng tăng 373 triệu USD).
Trong 11 tháng năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 489,88 tỷ USD, tăng 3,6% với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 254,97 tỷ USD, tăng 5,5%, tương ứng tăng 13,23 tỷ USD và nhập khẩu đạt 234,91 tỷ USD, tăng 1,7%, tương ứng tăng 3,93 tỷ USD.
Trong tháng, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 546 triệu USD. Kết quả này đã góp phần đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước trong 11 tháng năm 2020 đạt thặng dư 20,06 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng đạt 35,1 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 11 tháng năm 2020 đạt 333,46 tỷ USD, tăng 9,5%, tương ứng tăng gần 29 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 11 đạt 18,89 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 11 tháng/2020 lên 182,44 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 11/2020 đạt 16,21 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 11 tháng/2020 đạt 151,02 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 11/2020 có mức thặng dư trị giá 2,68 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong 11 tháng năm 2020 lên mức thặng dư trị giá 31,42 tỷ USD.
Về giá trị xuất khẩu trong tháng 11 đạt 25,24 tỷ USD, giảm 7,4% về số tương đối và giảm 2,02 tỷ USD về số tuyệt đối so với tháng 10. So với tháng trước, các mặt hàng giảm trong tháng là: điện thoại các loại & linh kiện giảm 996 triệu USD, tương ứng giảm 18,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 399 triệu USD, tương ứng giảm 9,4%; hàng dệt may giảm 320 triệu USD, tương ứng giảm 12,5%...
Tính trong 11 tháng năm 2020 tổng trị giá xuất khẩu đạt 254,97 tỷ USD, tăng 5,5%, tương ứng tăng 13,23 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,89 tỷ USD, tương ứng tăng 24,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 7,49 tỷ USD, tương ứng tăng 45,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,49 tỷ USD, tương ứng tăng 15,6%; đồ chơi, dụng cụ thể thao & bộ phận tăng 897 triệu USD, tương ứng tăng 52,4%; sắt thép các loại tăng 857 triệu USD, tương ứng tăng 22,3%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác, trừ gỗ tăng 758 triệu USD, tương ứng 51,7%...
Bên cạnh đó có một số nhóm hàng giảm mạnh như: hàng dệt may giảm 2,89 tỷ USD, tương ứng giảm 9,7%; điện thoại các loại & linh kiện giảm 1,94 tỷ USD, tương ứng giảm 4%; giày dép các loại giảm 1,49 tỷ USD, tương ứng giảm 9%...
Nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11 là 24,69 tỷ USD, tăng nhẹ 1,5% về số tương đối, tương ứng tăng 373 triệu USD về số tuyệt đối so với tháng trước. Các mặt hàng có trị giá tăng so với tháng trước là: sắt thép các loại tăng 103 triệu USD, tương ứng tăng 17,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 100 triệu USD, tương ứng tăng 1,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 91 triệu USD, tương ứng tăng 2,7%...
Tổng trị giá nhập khẩu trong 11 tháng năm 2020 tăng 1,7%, tương ứng tăng 3,93 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 10,54 tỷ USD, tương ứng tăng 22,4%; điện thoại các loại & linh kiện tăng 1,2 tỷ USD, tương ứng tăng 9%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 606 triệu USD, tương ứng tăng 10,2%...
email: [email protected], hotline: 086 508 6899