Cảnh giác với tín dụng đen: Cá nhân vay 16 tỷ đồng, trả 20 tỷ nhưng vẫn còn nợ 11 tỷ

03/12/2021, 14:35

TCDN - Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) vừa triệt phá nhóm đối tượng hoạt động ở Tp.HCM cho vay lãi nặng lên tới 1.700%/năm, trong đó có 1 nạn nhân vay của nhóm đối tượng này 16,2 tỷ đồng, đã trả hơn 20 tỷ đồng nhưng giờ vẫn nợ hơn 11 tỷ đồng.

Đây là thông tin được Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết tại hội thảo: "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn".

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg tháng 4-2019, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn". (Nguồn: SBV)

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà cho biết tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao.

Hoạt động kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính được duy trì thường xuyên.

Trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị 12, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1.047 vụ với 1.718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ với 990 bị can; Xử phạt hành chính 375 vụ với 593 đối tượng.

Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ với 884 đối tượng (51,48%) trong đó đã khởi tố 314 vụ với 541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ với 249 đối tượng.

“Vừa tuần qua chúng tôi đã triệt phá một đường dây cho vay lãi nặng do một đối tượng người Hải Phòng cầm đầu, hoạt động tại TP.HCM. Đối tượng này cho vay với lãi suất cao nhất lên tới 1.700%/năm. Có 1 nạn nhân vay của nhóm đối tượng này 16,2 tỷ đồng, đã trả hơn 20 tỷ đồng nhưng giờ vẫn nợ hơn 11 tỷ đồng nữa” – Thiếu tướng Trần Ngọc Hà thông tin.

Hiện nay, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội… mời chào, dụ dỗ người vay tiền. Chúng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào.

Thủ đoạn của chúng là quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật); Lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay...

Bọn tội phạm sử dụng nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc, thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.

Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận thực tế một bộ phận người dân cần vay vốn phục vụ các nhu cầu cấp bách hoặc các nhu cầu trái pháp luật, không có khả năng đáp ứng các yêu cầu, điều kiện vay ngân hàng sẽ tìm tới tín dụng đen do các thủ tục vay vốn đơn giản, giải ngân nhanh chóng mà không cần tài sản thế chấp.

Để góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng. Cụ thể: xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ tín dụng đen. Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ tập trung nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách, góp phần đẩy lùi tín dụng đen

PV
Bạn đang đọc bài viết Cảnh giác với tín dụng đen: Cá nhân vay 16 tỷ đồng, trả 20 tỷ nhưng vẫn còn nợ 11 tỷ tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng hơn 10%
Tính đến ngày 25/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, cung ứng vốn đầy đủ kịp thời cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng.