Cấp thiết đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp

21/05/2020, 15:56

TCDN - Sáng 21/5, Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã thảo luận lần cuối về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trước khi chính thức thông qua vào ngày 16/6 tới đây.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này (theo dự thảo ngày 29/4/2020) gồm 10 chương với 219 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, nhóm công ty và hộ kinh doanh.

Về cơ bản, các đại biểu nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp.

Quốc hội cân nhắc việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Quốc hội cân nhắc việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Một số nội dung các vị đại biểu tập trung thảo luận vẫn là có nên quy định hộ kinh doanh ở luật này hay không, sửa đổi doanh nghiệp nhà nước như thế nào, giữ hay bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp.

Trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, duy trì quy định về thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh như Luật hiện hành.

Riêng về doanh nghiệp nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quy định doanh nghiệp nhà nước gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như Chính phủ đã trình.

Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cả hai loại ý kiến nên chưa luật hoá hộ kinh doanh đều có lý. Tuy nhiên nếu làm luật riêng thì mất ít nhất ba năm, còn đưa thành một chương của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thì chỉ có lợi cho hộ kinh doanh mà thôi. Đó là sẽ khẳng định định danh cho loại hình của hộ kinh doanh, bảo vệ quyền lợi cho các hộ và áp dụng được các chương trình hỗ trợ.

Việc đưa hộ kinh doanh vào luật cũng bãi bỏ một số rào cản đang cản trở hoạt động của các hộ để hoạt động có hiệu quả hơn, phát triển khu vực kinh tế tư nhân tốt hơn và không phát sinh các thủ tục hành chính.

Tác dụng nữa được Bộ trưởng nhấn mạnh là sẽ tạo động lực thúc đẩy các hộ kinh doanh có đủ điều kiện hoạt động động theo loại hình doanh nghiệp thì phải chuyển thành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng phân tích thêm việc cấp thiết của việc đưa loại hình hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp: Quy định hiện hành là hộ kinh doanh chỉ được sử dụng không quá 10 lao động nhưng thực tế có nhiều hộ kinh doanh có quy mô rất lớn, đã có hộ sử dụng hàng trăm lao động, doanh thu hàng ngàn tỷ mà hoạt động theo Luật Hợp tác xã, khoán thuế chứ không hoạt động lành mạnh, áp dụng theo Luật doanh nghiệp.

Chính hình thức này khiến cho việc thu thuế của các hộ kinh doanh không sát với thực tế kinh doanh của các hộ, gây thất thoát một nguồn ngân sách cho Nhà nước. 

Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết- Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, cho rằng hồ sơ đăng ký kinh doanh được quy định trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được đơn giản hóa. Theo đại biểu, sự thay đổi này là phù hợp, tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, song song với sự thuận lợi này, cũng cần phải có cơ chế quản lý, thanh tra chặt chẽ hơn để tránh việc các doanh nghiệp vi phạm về vấn đề thuế, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Đối với mẫu dấu và con dấu của doanh nghiệp được nhắc đến trong dự thảo luật, các đại biểu cơ bản thống nhất với phương án bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Các đại biểu đều cho rằng, việc bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Về việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: quy định Doanh nghiệp nhà nước gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như Chính phủ đã trình là nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW.

Khi soạn thảo đã đưa rất nhiều phương án, nhà nước nắm giữ trên 35%, trên 50%, trên 65% nhưng cuối cùng chọn phương án trên 50% là đã đảm quyền chi phối của nhà nước và phù hợp với cam kết quốc tế, Bộ trưởng cho biết thêm.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các đại biểu Quốc hội còn ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gửi văn bản cho góp ý cho Ban Thư ký.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp hôm nay, cũng như các ý kiến góp ý gửi về, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban thẩm tra tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Cấp thiết đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan