Sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp: Xem xét tách thành 02 dự án luật
TCDN - UBTV Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tách dự án Luật này thành dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để thuận lợi trong quá trình triển khai .
Chiều 17/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, mục tiêu, quan điểm tổng quát của Luật này là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Những mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; Hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thành lập doanh nghiệp; cắt giảm chi phí, thời gian khởi sự kinh doanh và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh; hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh’mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý doanh nghiệp; bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, thành viên của doanh nghiệp phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Thứ trưỡng Vũ Đại Thắng cho biết, Luật này sửa đổi 34 điều, bổ sung 04 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014 và sửa đổi 66 điều, bãi bỏ 02 điều, bổ sung 01 chương và 08 Điều (bổ sung chương VII về Hộ Kinh doanh, bao gồm 5 Điều) của Luật Doanh nghiệp năm 2014
Thẩm tra Tờ trình, thay mặt Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư nước ngoài, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong hoạt động đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế; góp phần thúc đẩy sự thành lập, phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, vì theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi 34 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư và sửa đổi 66 điều, bãi bỏ 2 điều, bổ sung 01 chương (chương VIIa về Hộ Kinh doanh) và 8 điều của Luật Doanh nghiệp là khá lớn, trong khi cả 2 Luật này mới được sửa đổi toàn diện năm 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015, thời gian thực thi luật chưa dài. Trường hợp cần thiết sửa đổi như dự kiến nêu trên, đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét cho phép tách dự án Luật này thành dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để thuận lợi trong quá trình triển khai.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy Hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị tương đối công phu, tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Hồ sơ dự án Luật còn thiếu dự thảo văn bản quy định chi tiết các nội dung giao Chính phủ quy định. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định, bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Thảo luận tại Phiên họp, một số thành viên Ủy ban Thường vụ cho rằng đây không phải Luật sửa đổi, bổ sung một số điều mà sửa đổi rất nhiều điều, nhiều chính sách mới. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề, liệu cơ quan soạn thảo đã đánh giá tác động mọi chính sách mới để thấy được những điểm ưu việt, tính khả thi hay chưa. Nếu với phạm vi sửa đổi như này, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên tách thành hai Luật sửa đổi.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng nếu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thì cần xem xét, cân nhắc, chọn lọc những điều thật cần thiết, còn vướng mắc để sửa đổi. Còn nếu Cơ quan soạn thảo xác định có nhiều vấn đề cần thiết phải sửa đổi thì đề nghị tách ra thành hai Luật để sửa đổi và quá trình soạn thảo phải tiến hành lại từ đầu.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng Chính phủ đã làm tương đối kỹ về Dự án Luật này, với mức độ sửa đổi lớn nhiều vấn đề về kinh doanh có yếu tố nước ngoài thì cần hoàn thiện hồ sơ tách thành hai Luật để sửa đổi.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, qua Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nội dung sửa đổi đã vượt quá xa so với dự kiến ban đầu. Do đó đề nghị Chính phủ xác định rõ, nếu sửa đổi để đảm bảo tính cần thiết, cấp bách thì cần gom lại một số điều khẩn trương cần sửa đổi; còn nếu Chính phủ xác đình cần thiết thì tách thành hai dự án Luật để chuẩn bị đủ hồ sơ theo trình tự, thủ tục quy định. Sau khi Chính phủ xác định rõ sẽ trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38 tới đây.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899