Chỉ 10/42 Quỹ Đầu tư Phát triển địa phương hoạt động hiệu quả

22/12/2020, 17:04

TCDN - Bộ Tài chính cho biết, 42 địa phương thành lập Quỹ Đầu tư phát triển, nhưng chỉ có 10 quỹ được đánh giá là hoạt động hiệu quả.

Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ ký thông qua Nghị định 147/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương - PTĐP - (thay thế Nghị định 138/2007/NĐ-CP và Nghị định 37/2013/NĐ-CP).

Hiện cả nước có 42 địa phương thành lập Quỹ Đầu tư phát triển địa phương với mục tiêu huy động nguồn vốn trung và dài hạn để thực hiện cho vay, đầu tư trực tiếp các dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa bàn.

Mặc dù có tới 42 Quỹ Đầu tư PTĐP nhưng chỉ có tổng nguồn vốn hoạt động chỉ có 28.040 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 75% và vốn huy động chiếm 35%.

Chỉ 10/42 Quỹ Đầu tư Phát triển địa phương hoạt động hiệu quả

Chỉ 10/42 Quỹ Đầu tư Phát triển địa phương hoạt động hiệu quả

Theo số liệu của Bộ Tài chính, sau hơn 20 năm hoạt động, tổng số vốn vốn các quỹ xuất ra để cho vay, đầu tư trực tiếp, góp vốn thành lập doanh nghiệp chỉ vào khoảng 14.964 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là tập trung cho vay, chiếm đến 81%. Như vậy, hoạt động của 41 Quỹ Đầu tư PTĐP (ngoại trừ Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP.HCM nay là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM - HFIC - hoạt động như doanh nghiệp) không khác gì quỹ đầu tư ủy thác.

Bộ Tài chính cho rằng, hệ thống Quỹ Đầu tư PTĐP vẫn chưa đạt được sự phát triển như định hướng hoạt động, nguồn vốn của các quỹ rất hạn hẹp so với nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương. Thậm chí, sau nhiều năm hoạt động vẫn có 3 quỹ chưa đủ vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng; 18 quỹ có quy mô vốn từ 100 đến dưới 200 tỷ đồng, 12 quỹ có vốn điều lệ trên 200 tỷ đến 500 tỷ đồng và chỉ có 8 Quỹ có quy mô vốn lớn hơn 500 tỷ đồng.

Hiện có tới 42 địa phương thành lập Quỹ Đầu tư phát triển, nhưng chỉ có 10 quỹ được đánh giá là hoạt động hiệu quả, vì vậy, việc thắt chặt điều kiện thành lập, theo Bộ Tài chính là chỉ khuyến khích địa phương có nhu cầu cụ thể về đầu tư cơ sở hạ tầng và phương án huy động vốn khả thi mới được thành lập quỹ.

Nghị định 147/2020/NĐ-CP quy định, sau 3 năm kể từ ngày 5/2/2021, tất cả những quỹ có vốn điều lệ dưới 300 tỷ đồng; quỹ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và có tỷ lệ dư nợ cho vay và đầu tư dưới 20% vốn chủ sở hữu trong 5 năm liên tiếp bắt buộc phải giải thể. Thậm chí tất cả các quỹ không cần thiết phải duy trì cũng sẽ buộc phải giải thể.

PV (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Chỉ 10/42 Quỹ Đầu tư Phát triển địa phương hoạt động hiệu quả tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan