Chia sẻ chi phí giáo dục đại học: Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam

04/01/2022, 16:21

TCDN - Giáo dục đại học không chỉ có vai trò cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, làm tăng năng suất lao động, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, mà còn đem lại lợi ích cho bản thân người học.

10-1

Tóm tắt

Giáo dục đại học (GDĐH) đã bước qua thời kỳ “tinh hoa”, giờ đây giáo dục đại học đang chuyển dần sang thời kỳ “đại chúng” với số lượng sinh viên ngày càng tăng lên hàng năm. Như một hệ quả tất yếu, ngân sách của chính phủ không thể bao cấp miễn phí cho giáo dục đại học như trước đây nữa. Thay vào đó, chính phủ các nước có xu hướng chia sẻ chi phí đào tạo với các cá nhân khi tham gia vào hệ thống giáo dục đại học. Ở các quốc gia khác nhau, cách thức và mức độ chia sẻ chi phí giáo dục đại học cũng có sự khác biệt. Bài viết phân tích tình hình chia sẻ chi phí giáo dục đại học ở một số nước trên thế giới, từ đó rút ra những bài học và khuyến nghị cho Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Giáo dục đại học đã qua thời hàn lâm, chỉ dành cho một nhóm nhỏ tinh hoa. Giờ đây, giáo dục đại học mang tính đại chúng với số lượng sinh viên nhập học tăng lên hàng năm. Ngân sách nhà nước không còn đủ sức để bao cấp cho số lượng sinh viên ngày càng tăng lên như trước đây nữa. Vì vậy, chính phủ các nước ngày càng có xu hướng chia sẻ chi phí đại học cho các cá nhân khi tham gia vào hệ thống giáo dục đại học. Đây là một xu thế tất yếu ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Giáo dục đại học không chỉ có vai trò cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, làm tăng năng suất lao động, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, mà còn đem lại lợi ích cho bản thân người học. Khi tham gia vào hệ thống giáo dục đại học, người học có cơ hội đạt được mục tiêu nghề nghiệp và nhận được khoản thu nhập cao hơn trong tương lai. Hơn thế nữa, giáo dục đại học được coi là bậc học có khả năng thu hồi đầu tư cao nhất vì người học khi tốt nghiệp có thể tham gia ngay vào thị trường lao động. Chính vì vậy, giáo dục đại học không chỉ được chi trả từ nhà nước mà cần được chia sẻ bởi người học.

Chia sẻ chi phí giáo dục đại học được hiểu là sự dịch chuyển gánh nặng tài chính từ phía chính phủ (hay người đóng thuế) sang phía người học (hay/ và gia đình người học) thông qua chính sách tăng học phí (Johnstone, 2003). Ở mỗi quốc gia khác nhau, cách thức thực hiện chia sẻ chi phí giáo dục đại học có sự khác biệt đáng kể, không chỉ phụ thuộc vào yếu tố chính trị mà còn phụ thuộc vào mức độ phát triển kinh tế của quốc gia đó.

Theo Johnstone (2003), chia sẻ chi phí đào tạo đại học trên thế giới hiện có một số hình thức chủ yếu như sau:

Một là, triển khai thu học phí ở những nơi mà GDĐH trước đây là miễn phí. Đây là trường hợp của Trung Quốc vào năm 1997 hoặc ở Anh vào năm 1998.

Hai là, đưa thêm vào khoản học phí phải trả đặc biệt trong khi duy trì tình trạng GDĐH miễn phí cho những sinh viên bình thường được nhà nước hỗ trợ. Hai cách thu học phí này đảm bảo tính chính trị của miễn phí đối với GDĐH. Điều này đặc biệt quan trọng với các nước CNXH trước đây, như là các nước Đông Âu và Trung Âu.

Ba là, tăng học phí một cách rõ rệt, chủ yếu ở những nước mà học phí đã được áp dụng với khu vực giáo dục công, nhằm giảm phần gánh chịu tài chính của chính phủ hay của những người đóng thuế, đồng thời, tăng phần gánh chịu chi phí của phụ huynh hay sinh viên.

Bốn là, yêu cầu người học phải nộp phí sử dụng hay các loại phí để phục hồi các khoản chi phí ăn ở, do nhà trường cung cấp và tài trợ trước đây. Ở các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, nơi mà chi phí GDĐH vẫn còn miễn phí, thì chi phí mà người học phải gánh chịu chủ yếu là chi phí sinh hoạt - một loại chi phí khá cao ở các quốc gia này và không được chia sẻ bởi cả người đóng thuế và phụ huynh hay gia đình người học. Do đó, sinh viên phải chịu hoàn toàn các khoản phí này, phần lớn là dưới dạng các khoản tín dụng sinh viên.

Năm là, giảm bớt các tài trợ và học bổng sinh viên, được thực hiện ở các nước như Anh, Nga và hầu hết các quốc gia của Cộng hòa Xô Viết cũ, ở Đông và Trung Âu.

Sáu là, tăng khôi phục chi phí hiệu quả đối với các khoản tín dụng sinh viên, đi kèm với giảm bớt trợ cấp đối với các khoản tín dụng sinh viên, và có thể kéo theo sự tăng lãi suất tiết kiệm, hoặc việc giảm thời gian vay miễn phí.

Bảy là, giới hạn ở mức thấp hoặc là miễn học phí đối với khu vực công đi kèm với sự khuyến khích chính thức khu vực GDĐH tư nhân thu học phí. Một số quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil... đã tránh việc chi nhiều ngân sách chính phủ cho GDĐH bằng cách giới hạn qui mô của khu vực giáo dục công - thường là thông qua bầu chọn và tuyển chọn - và chuyển chi phí cho việc mở rộng sự tham gia lên phụ huynh và sinh viên thông qua việc khuyến khích các cơ sở GDĐH tư nhân.

Bài viết sẽ trình bày kinh nghiệm chia sẻ chi phí đào tạo ở một số nước trên thế giới, và rút ra một số khuyến nghị trong bối cảnh thực tế ở Việt Nam.

2. Chia sẻ chi phí giáo dục đại học ở một số nước trên thế giới

Tại Hoa Kỳ

Chia sẻ chi phí giáo dục đại học ở Hoa Kỳ được xếp vào hình thức thứ 3 trong 7 hình thức theo cách phân loại của D. Bruce Johnstone. Theo đó, sự tăng lên rõ rệt của học phí cùng với các chương trình, chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên chính là hình thức chia sẻ chi phí trong GDĐH ở nước này.

Chi phí mà các bậc phụ huynh và sinh viên phải gánh chịu dưới hình thức học phí ngày càng tăng nhanh hơn bởi phần chi phí do chính phủ hay người nộp thuế phải chịu đã giảm xuống. Theo Marcucci và Johnstone (2007), mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học ở Hoa Kỳ được phân biệt theo khu vực địa lý và ấn định ở cấp bang hoặc cấp địa phương. Đồng thời, mức học phí giữa các loại hình trường học (công lập hay tư thục) và thời gian đào tạo khác nhau cũng có nhiều khác biệt. Trong đó, học phí của các trường tư thục vẫn là cao nhất. Có thể nhận thấy rõ sự chênh lệch giữa học phí của các trường công lập và tư thục, cũng như sự khác nhau về học phí do thời gian học là 2 năm hoặc 4 năm ở các trường. Theo đó, học phí ở các trường tư thục có thời gian đào tạo 4 năm cao hơn 3 lần học phí ở các trường công lập có thời gian đào tạo 4 năm và gấp 10 lần học phí ở các trường có khóa đào tạo 2 năm. Đối với các trường công lập có thời gian đào tạo hai năm, ở các bang thuộc miền Trung, mức học phí đạt cao nhất và gần gấp đôi mức học phí bình quân ở vùng Tây Nam (là vùng có mức học phí thấp nhất). Đối với các trường công lập có thời gian đào tạo 4 năm và trường tư thục không vì lợi nhuận, mức học phí ở vùng New England là cao nhất, gần gấp rưỡi so với vùng Tây Nam và vùng phí Nam, nơi có mức thấp nhất. Bảng số liệu sau đây cho thấy mức học phí trung bình của các trường đại học ở Hoa Kỳ năm học 2013-2014 phân theo loại hình và vùng địa lý (Bảng 1).

10-Bang1

Bên cạnh chính sách tăng học phí, Hoa Kỳ đã mở rộng các chương trình hỗ trợ tài chính từ các cấp chính phủ tiểu bang và liên bang, từ chính các trường cao đẳng và đại học, từ các quỹ và các nguồn hỗ trợ tư nhân khác... Các chương trình này được thực hiện dưới các hình thức tài trợ, giảm học phí và các khoản vay giúp sinh viên có khả năng chi trả cho ít nhất một trường cao đẳng hay đại học công lập.

Tại Anh

Từ năm 1998 nước này cũng đã áp dụng chính sách tăng học phí trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Học phí giáo dục đại học ở Anh và xứ Wales đã lên tới 3000 bảng (tương đương 4.854 đô la). Cùng với chính sách tăng học phí, quốc gia này áp dụng cơ chế tài chính sáng tạo, được gọi là “tín dụng tùy theo thu nhập” (Income contingent loan). Theo đó, khoản học phí này được hoãn lại cho tất cả sinh viên và được họ hoàn trả lại sau khi tốt nghiệp (đi kèm với các khoản chi phí sinh hoạt) như là một phần của thu nhập. Việc trả nợ chỉ bắt đầu khi mức thu nhập hàng tháng vượt quá một mức nhất định.

Đồng thời, số tiền trả nợ hàng tháng sau đó cũng tỷ lệ thuận với mức thu nhập của người đi vay theo một tỷ lệ nhất định. Điều này nhằm đảm bảo rằng số tiền trả nợ không phải là một gánh nặng quá lớn đối với người học khi tham gia vào hệ thống GDĐH..

Theo OECD (2011), sinh viên theo học đại học ở Anh hiện đang đóng góp 2/3 chi phí cho một khóa học bậc cử nhân, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của OECD. Mức học phí của các trường đại học ở Anh được phân biệt theo nhóm ngành và theo loại hình trường. Đối với nhóm ngành y, khoa học, kỹ thuật, mức học phí cao hơn hẳn so với nhóm ngành nghệ thuât, kinh tế, sư phạm, dao động trong khoảng từ 16000 bảng Anh đến 23.500 bảng Anh/năm/sinh viên, trong khi nhóm ngành nghệ thuật, kinh tế, sư phạm có mức học phí từ 11.500 đến 16.600 bảng Anh. Đối với các trường tư thục, mức học phí cũng cao hơn nhiều so với các trường công lập. Đồng thời, trong hệ thống các trường tư thục, sự chênh lệch giữa các nhóm ngành rất lớn, đặc biệt nhóm ngành Y khoa có mức học phí cao nhất và gấp 2-3 lần so với các nhóm ngành còn lại (theo HSBC, 2014). Khi mức học phí tăng lên đáng kể, các trường đại học ở Anh phải dành ít nhất một phần ba khoản thu từ học phí để hỗ trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thông qua việc cấp học bổng. Ngoài ra, các địa phương cũng có kinh phí dành cho các sinh viên đặc biệt khó khăn, sinh viên ưu tú, sinh viên có thành tích học tập tốt.

Tại Nhật Bản

Nhật Bản có tỷ lệ người học tham gia vào hệ thống GDĐH đạt cao nhất trên thế giới. Đồng thời, quốc gia này cũng hoàn toàn chấp nhận và áp dụng chính sách chia sẻ chi phí và đạt mức đóng góp của gia đình người học vào bậc cao nhất trên thế giới. Hầu hết các trường đại học quốc gia của Nhật Bản tính học phí tối đa theo Luật là khoảng 535.800 Yên (tương đương 4.580 đô la Mỹ) trong năm học 2006-2007. GDĐH ở Nhật Bản cũng phụ thuộc rất lớn vào học phí ở khu vực tư nhân. Năm 2006, thu hút hơn 73% sinh viên vào khu vực tư nhân và do đó đã làm giảm áp lực tài chính GDĐH cho nhà nước.

Các cơ sở giáo dục đại học, về cơ bản được tự trang trải tài chính bởi học phí, phí nhập học, lệ phí, đóng góp và thu nhập từ các dịch vụ của trường. Tuy nhiên, các trường vẫn được trợ cấp từ chính phủ quốc gia về chi tiêu hiện tại, với mục đích duy trì và cải tiến điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và công tác nghiên cứu khoa học và giảm bớt chi phí tài chính cho sinh viên. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học còn nhận được các khoản hỗ trợ vay lãi suất thấp, dài hạn từ các doanh nghiệp, và các khoản trợ cấp trực tiếp từ chính phủ. Hiện nay, trong chi tiêu của các trường đại học, tỷ lệ trợ cấp từ chính phủ là khoảng 12,2% và hầu hết các khoản chi tiêu được trang trải từ nguồn học phí.

Ở Nhật Bản, hỗ trợ tài chính chủ yếu dưới dạng các khoản vay lãi suất thấp theo luật định, ở mức 3% và hoàn trả trong 20 năm. Năm 2004, hệ thống cho vay sinh viên được áp dụng dưới sự giám sát của Cơ quan hành chính Tổ chức dịch vụ sinh viên Nhật Bản (JASSO), trước đó gọi là Quỹ Học bổng Nhật Bản. Hệ thống mới quy định hai hình thức chủ yếu về khoản vay dành cho sinh viên. Hình thức thứ nhất gồm các khoản vay có tỷ lệ lãi suất bằng không, dành cho sinh viên được lựa chọn bao gồm các khoản chi phí để duy trì và cung cấp khoảng 315 đô la Mỹ/tháng cho sinh viên đại học công lập sống cùng gia đình và 360 đô la Mỹ/tháng cho các đối tượng khác. Các khoản vay từ 380 đến 450 đô là Mỹ dành cho sinh viên các trường đại học tư thục. Hình thức thứ hai gồm các khoản vay có lãi suất (với mức lãi suất cơ bản), có thể sử dụng để trang trải cả học phí và chi phí sinh hoạt. Sinh viên đại học có thể mượn tối đa 720 đô la Mỹ/ tháng.

Các khoản vay đều có thời gian ân hạn 6 tháng sau khi rời trường và thời gian trả nợ tối đa là 20 năm.Như vậy, hiệu quả của lãi suất thấp (hay chính là chi phí cho chính phủ) được xác định bởi thời gian hoàn vốn rất dài.

Tại Hàn Quốc

Ngay từ năm 1962, hơn 80% các cơ sở giáo dục đại học là tư nhân và ¾ tổng số sinh viên của Hàn Quốc theo học tại các trường cao đẳng và đại học tư thục (Yu, 2009). Theo Luật Giáo dục của nước này, tất cả các trường đại học công lập và tư thục đều được giám sát bởi Bộ Giáo dục về các vấn đề như tiêu chuẩn sinh viên, trình độ của đội ngũ giảng viên, chương trình giảng dạy và yêu cầu về mức phân bổ tài chính. Hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học tư thục phụ thuộc rất nhiều vào học phí và lệ phí và vì vậy các đơn vị này được thiết lập mức phí riêng của mình kể từ những năm 1989. Thông qua phát triển giáo dục đại học tư thục và sự đầu tư đáng kể của người dân cho giáo dục đại học, giáo dục Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ, đi trước đón đầu và kịp thời bổ sung nguồn nhân lực có trình độ đại học trước yêu cầu phát triển kinh tế tri thức ngay từ những năm 90.

Từ những năm 1950, chi phí giáo dục đại học đã được chính phủ chia sẻ giữa đóng thuế và cha mẹ, học sinh, ngoại trừ một số trường hợp nhu cầu xã hội yêu cầu trợ cấp bổ sung. Người Hàn Quốc dường như sẵn lòng chấp nhận học phí và các chi phí giáo dục khác cao hơn bởi họ đánh giá cao sự tiếp cận bình đẳng của họ đối với giáo dục đại học. Thực tế cho thấy, trong điều kiện thuận lợi, các bậc cha mẹ sẵn sàng chi trả cao để cho con em họ có học vấn càng cao càng tốt. Điều này thể hiện rõ ở chỗ chi phí tư nhân trong lĩnh vực giáo dục đại học của Hàn Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nước thuộc tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD. Theo số liệu của OECD, năm 2005, Hàn Quốc chi khoảng 2,4% GDP cho giáo dục đại học, cao hơn tỷ lệ trung bình của OECD là 1,5%. Đây là một dấu mốc quan trọng trong chi tiêu cho giáo dục đại học ở nước này, tăng 33% so với năm 2000. Mặc dù vậy, chi tiêu công trong năm 2005 chỉ chiếm ít hơn một phần tư tổng chi tiêu giáo dục đại học, đã cho thấy tầm quan trọng trong dài hạn của nguồn tài chính tư nhân cho giáo dục đại học ở nước này. Chính điều này đã giúp Hàn Quốc huy động được nguồn lực tài chính rất lớn từ khoản đóng góp của các bậc cha mẹ và sinh viên. Chỉ trong vòng bốn thập niên, Hàn Quốc đã giải quyết thành công bài toán đuổi kịp về giáo dục cùng lúc với bài toán đuổi kịp về kinh tế so với các nước phát triển. Năm 2006, 28% số người trong độ tuổi từ 20 đến 29 đã tham gia vào các hình thức giáo dục đại học và hơn một nửa số người trong độ tuổi từ 25 đến 34 đã hoàn thành chương trình giáo dục đại học. (OECD, 2008).

Cùng với chính sách thu học phí cao, Hàn Quốc hiện có bảy chương trình cho vay sinh viên ở tầm quốc gia, đó là: chương trình tín dụng học trước trả sau của Bộ giáo dục, chương trình cho vay của Bộ Giáo dục do chính phủ bảo lãnh (GGLS) dành cho sinh viên của gia đình có thu nhập thấp, Quỹ nghiên cứu khoản cho vay học phí (KRF) dành cho sinh viên gia đình làm nông nghiệp và làng chài,khoản vay của Bộ Lao động (MOL) cho người lao động hưởng lợi từ bảo hiểm việc làm, khoản vay học phí của giáo viên Hàn Quốc (KTPF), khoản vay học phí của GEPCO (Goverment Employees Pecsion Corporation) dành cho nhân viên chính phủ và con cái của họ, và Tập đoàn phúc lợi Lao động Hàn Quốc (WELCO) hỗ trợ học phí cho trẻ em của nạn nhân tai nạn lao động. Ngoài ra, còn có nhiều chương trình cho vay sinh viên phi chính phủ. Hầu hết các công ty lớn và doanh nghiệp nhà nước đều cung cấp cho nhân viên của họ các khoản vay sinh viên. Tuy vậy, nguồn tài chính chủ yếu vẫn dựa vào hỗ trợ của phụ huynh và gia đình người học.

Tại Trung Quốc

Từ năm 1985, chính sách học phí kép (dual track tuition policy) đã được thực hiện ở Trung Quốc nhằm mục tiêu cải cách cấu trúc giáo dục. Từ năm 1989, chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các cơ sở GDĐH tự tạo nguồn doanh thu từ học phí. Vào năm 1993, chính phủ Trung Quốc ban hành chính sách học phí đồng nhất (on-track policy), theo đó tất cả sinh viên đều phải nộp mức học phí đồng nhất (Li, 2005). Mức học phí tăng lên được thực hiện từ năm 1994, đi kèm với việc xóa bỏ sự chênh lệch học phí giữa các sinh viên được chính phủ, hoặc doanh nghiệp tài trợ và các sinh viên tự túc.

Từ năm 2004, chính phủ Trung Quốc quyết định chuyển từ cơ chế học phí do chính phủ tài trợ sang cơ chế chia sẻ học phí nhằm giải quyết những khó khăn về tài chính trong hệ thống GDĐH. Từ năm 2005, tổng chi tiêu thường xuyên cho GDĐH đến từ học phí của sinh viên (chiếm 27%). Trong giai đoạn tiếp theo, học phí không thay đổi và giữ nguyên ở mức khoảng 4.200 đến 10.000 Nhân dân tệ trong một năm, tương đương 1.163 đến 2.770 USD) (theo Pamela Marcucci, 2011).

10-Bang2

Từ những năm 80, Trung Quốc đã áp dụng một số chính sách nhằm hỗ trợ tài chính cho sinh viên, bao gồm: trợ cấp, học bổng, cho vay sinh viên và một số chính sách khác. Chính phủ Trung Quốc đã thông qua “Báo cáo về cải cách hệ thống trợ cấp trong các cơ sở GDĐH công lập” vào năm 1983, theo đó, các sinh viên có thành tích học tập tốt sẽ nhận được học bổng này, và nó đã trở thành nguồn tài chính quan trọng đối với sinh viên. Tuy vậy, có thể thấy rằng học bổng này được trao không dựa trên hoàn cảnh của sinh viên, vì vậy tỷ lệ con em của những gia đình có thu nhập trung bình và cao nhận được học bổng này cao hơn so với những gia đình có thu nhập thấp. Chính vì lí do này, năm 2002, Quỹ trợ cấp Nhà nước được thành lập và quản lý bởi Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục, nhằm hỗ trợ tài chính cho con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành thêm một số các chính sách khác nhau để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận hệ thống GDĐH. Chẳng hạn như chính sách Green Channel hay chính sách tạo các công việc bán thời gian và học bán thời gian (part time work and part time study), theo đó sinh viên nghèo có thể đăng ký học đại học mà không phải trả học phí trả trước và được miễn giảm học phí theo chương trình hỗ trợ tài chính. Việc tăng học phí và phát triển các hình thức hỗ trợ tài chính cho sinh viên được phát triển mạnh ở Trung Quốc đã chính thức thừa nhận chia sẻ chi phí như một giải pháp hợp lý ở quốc gia này, góp phần tạo nền tảng tài chính vững chắc hơn cho sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học ở Trung Quốc.

3. Khuyến nghị cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, có thể rút ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện chính sách tài chính giá o dục đại học nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học. Có thể thấy trong dài hạn, ngân sách quốc gia không thể bao cấp cho giáo dục đại học như trước đây. Chính vì vậy, ngân sách nhà nước đầu tư cho các hoạt động thường xuyên của cơ sở giáo dục đại học cần giảm xuống, thay vào đó cần tăng cường đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư của doanh nghiệp và đóng góp của tư nhân cho giáo dục đại học.

Thứ hai, cần khuyến khích các cơ sở GDĐH tự tạo nguồn doanh thu từ học phí.

Tăng cường chia sẻ chi phí giữa nhà nước và người học một cách quyết liệt thông qua chính sách tăng học phí là một trong những giải pháp được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới để giải quyết vấn đề tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học. Đây cũng là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế theo mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra.

Thứ ba, cần xác định mức học phí theo từng ngành học. Việc xác định mức học phí phụ thuộc vào định mức kinh tế kỹ thuật hay là chi phí đơn vị đối với từng nhóm ngành đào tạo. Bởi lẽ, với các ngành học khác nhau thì chi phí đơn vị có sự khác biệt rõ rệt. Chính vì vậy, mức học phí cần được cơ sở đào tạo xác định cho từng ngành học khác nhau. Học phí còn phụ thuộc vào loại hình đào tạo, hệ đào tạo và có sự khác nhau giữa các vùng địa lý…

Thứ tư, cần đa dạng hóa các khoản vay, hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Chính sách cho vay ưu đãi không chỉ giúp sinh viên chi trả học phí, mà còn để trang trải chi phí ăn ở học tập. Điều này tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho mọi thành phần trong xã hội. Đồng thời, cần khuyến khích phát triển các khoản hỗ trợ vay lãi suất thấp, dài hạn từ các doanh nghiệp, và các khoản trợ cấp trực tiếp từ chính phủ, hay chính sách học bổng và tài trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tài liệu tham khảo:

1. D Bruce Johnstone (2003), “Cost Sharing in Higher Education: Tuition, Financial Assistance, and Accessibility in Comparative Perspective”, Czech Sociological Review, p351 - 374.

2. HSBC (2014) tại, truy cập ngày 20/5/2019.

3. Johnstone D. Bruce (2004), The economics and politics of cost sharing in higher education: comparartive perspectives, Tạp chí Economics of Education Review, Số 23,Trang: 403-410.

ThS. Hoàng Thanh Huyền

Học viện Ngân hàng

Tạp chí in số tháng 12/2021
Bạn đang đọc bài viết Chia sẻ chi phí giáo dục đại học: Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giải pháp tạo động lực cho người lao động sau dịch Covid - 19
Trước tác động của dịch bệnh, Chính phủ các quốc gia đều nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động từ nguồn quỹ ngân sách tích lũy từ trước hoặc từ nguồn vay nhằm có những gói hỗ trợ tài chính giúp dân chúng vượt qua được giai đoạn khó khăn do không được phòng bị trước.
Nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh khách sạn
Cùng với sự phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, hoạt động kinh doanh khách sạn cũng bắt đầu bộc lộ những tác động tiêu cực đến môi trường. Vấn đề sử dụng quá mức tài nguyên, tạo những chất thải gây ô nhiễm môi trường, những tệ nạn xã hội, văn hóa ngoại lai...