Giải pháp tạo động lực cho người lao động sau dịch Covid - 19

22/12/2021, 16:15

TCDN - Trước tác động của dịch bệnh, Chính phủ các quốc gia đều nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động từ nguồn quỹ ngân sách tích lũy từ trước hoặc từ nguồn vay nhằm có những gói hỗ trợ tài chính giúp dân chúng vượt qua được giai đoạn khó khăn do không được phòng bị trước.

Tóm tắt

Đại dịch Covid-19 là một cú sốc đã gây nên những thiệt hại lớn về tính mạng, sức khỏe của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam trong hơn một năm qua đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, đảm bảo cuộc sống, thu nhập và việc làm của người lao động là vấn đề mà Chính phủ đặc biệt quan tâm. Đã có nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai nhưng dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại đã đặt ra nhiều yêu cầu, giải pháp cần được nghiên cứu, đề xuất và thực thi để hỗ trợ người lao động có thể vượt qua được những khó khăn này.

Trên cơ sở phân tích thực trạng những chính sách đã được triển khai, bài viết đề xuất thêm một số giải pháp cần sớm thực hiện để tạo động lực, đảm bảo sự ổn định cuộc sống của người lao động khi đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh gây ra.

3-1

1. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động

Trước tác động của dịch bệnh, Chính phủ các quốc gia đều nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động từ nguồn quỹ ngân sách tích lũy từ trước hoặc từ nguồn vay nhằm có những gói hỗ trợ tài chính giúp dân chúng vượt qua được giai đoạn khó khăn do không được phòng bị trước. Các hình thức hỗ trợ có thể hướng vào cứu người lao động hoặc cứu doanh nghiệp từ đó tạo ra động lực kép để cứu người lao động. Đối với các nước phát triển, Chính phủ các quốc gia đã triển khai cùng lúc nhiều gói chính sách hỗ trợ khác nhau như hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, bao gồm cả lao động làm công ăn lương và lao động tự tạo việc làm, hỗ trợ cho doanh nghiệp, thực hiện các chính sách miễn, giảm, tạm ngừng đóng thuế, thay mặt doanh nghiệp trả tới 70 - 80% lương cho người lao động với yêu cầu giữ chân người lao động. Các nước đang phát triển do khả năng về dư địa tài khóa sẽ tập trung hướng đến đối tượng bị yếu thế, dễ tổn thương, bị ảnh hưởng đến thu nhập ngay lập tức bởi dịch bệnh hoặc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Những chính sách này có thể phát huy nhiều tác dụng khác nhau và cũng sẽ có những tiêu cực nảy sinh, tuy nhiên, tất cả những chính sách đó cho thấy sự nỗ lực của các quốc gia trong việc kết hợp đảm bảo sức khỏe cộng đồng và giải quyết chế độ an sinh xã hội cũng như hạn chế sự tàn phá của dịch bệnh vào nền kinh tế.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ cả người dân và doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm tới các đối tượng yếu thế, dễ bị tác động nhanh nhất của dịch bệnh. Riêng đối với người lao động, với phương châm Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội cùng chung tay hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo đời sống tối thiểu, hỗ trợ thêm cho đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng của dịch bệnh, các quy định về biện pháp và chính sách hỗ trợ người lao động được quy định tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, trình tự hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cụ thể:

Đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

- Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 1 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/4/2020 đến ngày 1/6/2020. Mức hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng.

- Đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

- Làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của doanh nghiệp, số dư đến hết ngày 31/3/2020) do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ kinh phí 1.000.000 đồng/người/tháng khi có đủ các điều kiện:

- Có giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trước thời điểm ngày 01/4/2020 và đang tham gia BHXH bắt buộc; chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 15/6/2020 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ nếu:

- Mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian từ ngày 1/4/2020 đến ngày 30/6/2020.

- Cư trú hợp pháp tại địa phương.

- Thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô hai bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Đồng thời chính sách cũng hỗ trợ cho đối tượng người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động nếu:

- Có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020.

- Đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc.

- Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.

Ngoài ra, còn các chính sách khác bao gồm việc dừng đóng bảo hiểm vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 12 tháng đối với doanh nghiệp vì ảnh hưởng dịch bệnh dẫn tới phải giảm từ trên 50% lao động trở lên.

Gói hỗ trợ lần 1 với số tiền hơn 62 tỷ đồng được xem là chính sách kịp thời, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trước những khó khăn của doanh nghiệp cũng như khó khăn của người lao động. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã cho thấy rất nhiều bất cập dẫn tới hiệu quả không như mong muốn.

Theo đánh giá chung cho thấy thực tế còn phát sinh khó khăn do nhiều điều kiện chưa hợp lý hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, quy trình thủ tục còn phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi các cấp hướng dẫn, trong khi những đối tượng được hưởng hỗ trợ lại là những đối tượng không có nguồn lực để chờ đợi và duy trì hoạt động lâu dài.

Thực tiễn cho thấy, đối với nhóm đối tượng người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương việc đáp ứng yêu cầu phải làm trong doanh nghiệp hiện không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương gây rất nhiều khó khăn cho người lao động trong việc chứng minh điều kiện này. Đồng thời, quy định đó cũng thu hẹp số lượng người lao động được hưởng hỗ trợ rất nhiều vì trên thực tế, khi dịch bệnh làm ảnh hưởng đến doanh thu thì biện pháp mà lập tức người sử dụng lao động nghĩ đến là giảm bớt số lượng lao động ở một số bộ phận cần thu hẹp sản xuất để duy trì được hoạt động sản xuất và cân đối nguồn thu chi. Vì vậy, sẽ có một số bộ phận người lao động bị tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương vì doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng chưa đến mức không có doanh thu, chỉ là doanh thu không đủ để trả cho một số lao động mà thôi. Vậy những trường hợp người lao động này không được hỗ trợ trong khi thực tế thì họ đã mất thu nhập và rất khó khăn.

Đối với đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, việc đặt ra yêu cầu về cư trú hợp pháp ở địa phương và việc quy định các thủ tục hồ sơ nhận trợ cấp được tiến hành tại các địa phương với các thủ tục xin xác nhận rườm rà khiến nhiều lao động không còn mặn mà với khoản hỗ trợ này. Bởi rất nhiều trường hợp, vì mưu sinh, các lao động này đã phải bươn chải đi kiếm sống ở nhiều nơi khác nhau. Việc về địa phương xác nhận cộng thêm những thủ tục khác để nhận khoản hỗ trợ không lớn khiến nhiều người lao động rất ngại vì chi phí tàu xe, đi lại...

Đối với trường hợp người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động cũng có nhiều ý kiến cho rằng không “hấp dẫn” các doanh nghiệp vì tâm lý của doanh nghiệp là nếu có khó khăn quá họ có thể chấm dứt hợp đồng lao động luôn theo quy định về các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tại sao lại phải đi vay tiền để trả lương trong khi hiện đang không có nhu cầu sử dụng lao động và không có doanh thu. Trong khi dịch bệnh không biết đến khi nào mới chấm dứt và nguồn tuyển dụng lao động ở Việt Nam không phải quá khan hiếm để lo lắng về việc sau khi ổn định lại sản xuất không tuyển lại được lao động mới. Bên cạnh đó, việc ràng buộc thêm điều kiện “đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020” lại thu hẹp một lần nữa nhóm được hỗ trợ này.

Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cũng phát sinh vấn đề như, quá trình thực thi còn gặp khó khăn do một số địa phương triển khai chậm, mất nhiều thời gian trong khâu rà soát do quá thận trọng, cầu toàn dẫn đến việc hỗ trợ đối tượng chưa kịp thời, làm giảm ý nghĩa của gói hỗ trợ.

2. Một số giải pháp

Để các chính sách hỗ trợ thực sự đi vào đời sống của người lao động, cần có những chính sách hợp lý để thực sự “không ai bị bỏ lại phía sau” như phương châm mà Đảng và Nhà nước đang hướng tới. Muốn như vậy, các chính sách cần được xây dựng một cách hợp lý trên cơ sởnghiên cứu một cách khoa học và gắn với thực tiễn phát sinh trong đời sống. Trong đó cần có những quy định hợp lý, nhanh chóng và kịp thời. Một số giải pháp có thể trao đổi và thảo luận để xem xét như:

- Các khoản hỗ trợ cần nghiên cứu dựa trên các ngành nghề bị tác động mạnh và đối tượng bị ảnh hưởng sâu. Theo khảo sát thì đối tượng lao động nữ bị tác động nhiều hơn lao động nam.

Vì vậy, đề xuất về đối tượng hỗ trợ hướng đến lao động nữ đang có con nhỏ và phải thuê nhà bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bị mất việc làm là một đề xuất hợp lý nhằm mở rộng đối tượng được hưởng sự hỗ trợ. Dẫn lời của Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Thế giới đã phát biểu: “Khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh niên, đặc biệt là nữ giới, với tác động nặng nề hơn và nhanh chóng hơn so với các nhóm dân số khác. Nếu chúng ta không kịp thời hành động để cải thiện tình hình, hệ quả mà virus gây ra có thể sẽ kéo dài hàng thập kỷ. Nếu tài năng, năng lực của họ bị gạt ra ngoài lề do thiếu cơ hội và kỹ năng, điều đó sẽ hủy hoại tương lai của tất cả chúng ta và đặt ra những khó khăn cho công cuộc tái thiết một nền kinh tế tốt hơn giai đoạn hậu Covid-19” (Guy Ryder).

- Người lao động được hỗ trợ chỉ cần chứng minh việc doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến doanh thu, hiện đang phải nằm trong đối tượng bị tạm hoãn hợp đồng, cho nghỉ việc không hưởng lương, đang phải thuê nhà chứ không phải đến mức làm trong doanh nghiệp “không có doanh thu” mới được nhận hỗ trợ.

- Nghiên cứu tạm hoãn thêm một số phí mà người lao động và người sử dụng lao động phải đóng như phí công đoàn trong năm 2020 và 2021.

- Xem xét tính đến giải pháp dài hơi là sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm giải quyết có hiệu quả những trường hợp phát sinh thất nghiệp của người lao động do dịch bệnh. Theo đó, nên mở rộng diện hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng việc bổ sung thêm trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp do bị ngừng việc vì dịch bệnh. Theo quy định của Luật Việc làm 2013, hiện nay đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ đặt ra đối với người lao động bị thất nghiệp vì lý do chấm dứt hợp đồng lao động và không tìm được việc làm mới trong khoảng thời gian 03 tháng. Tuy nhiên, từ dịch bệnh như Covid-19 có lẽ cần phải bổ sung thêm trường hợp người lao động bị thất nghiệp tạm thời vì lý do phải ngừng việc do dịch bệnh cũng có thể xem xét để được hưởng BHTN. Theo đó, bổ sung trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp vì lý do ngừng việc do dịch bệnh. Trường hợp này phải thỏa mãn hai điều kiện:

Thứ nhất, điều kiện khách quan là dịch bệnh đó phải nằm trong danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 gồm những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Thứ hai, điều kiện chủ quan là người sử dụng lao động đã tìm mọi cách để khắc phục nhưng vẫn không thể đảm bảo việc làm cho người lao động. Khi đáp ứng đủ hai điều kiện này, sau khi người sử dụng lao động đã trả lương trong thời hạn 14 ngày mà dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm thì quỹ trợ cấp thất nghiệp có thể xem xét hỗ trợ cho người lao động bị thất nghiệp tạm thời. Giải pháp này vừa san sẻ gánh nặng cho doanh nghiệp vừa có thể hỗ trợ kịp thời cho người lao động, đồng thời, không làm mất đi công việc đang có của người lao động sau khi dịch bệnh chấm dứt.

- Mở rộng đối tượng tham gia BHTN nhằm phủ rộng đối tượng đóng và đối tượng hưởng:

Dịch Covid-19 tác động tới nhiều đối tượng trong đó đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là lao động làm việc thời vụ hoặc hợp đồng ngắn hạn như nhân viên bán hàng, bảo vệ, công nhân xây dựng công trình,...Tuy nhiên, đối tượng này hiện nay lại không đóng BHTN do quy định đối tượng đóng BHTN là đối tượng có giao kết hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên.

Như vậy, đối với đối tượng giao kết hợp đồng dưới 03 tháng mặc nhiên không được sự hỗ trợ từ quỹ trợ cấp thất nghiệp khi họ mất việc do dịch bệnh và để bảo đảm sinh hoạt tối thiểu cho đời sống của họ, Nhà nước đã phải sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như sử dụng các gói cứu trợ từ ngân sách, huy động sự đóng góp của các cá nhân và tổ chức trong xã hội, thậm chí cắt giảm từ nguồn thu nhập tăng thêm của các cán bộ, công chức, viên chức để ủng hộ. Tuy nhiên, đó không phải là một biện pháp dài hơi nếu khi dịch bệnh kéo dài. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng đóng BHTN cho các hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên, nghiên cứu đề xuất phương án đóng BHTN tự nguyện nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người lao động làm việc theo thời vụ hoặc công việc bấp bênh không thường xuyên để chính sách an sinh xã hội có thể lan tỏa và bao trùm đến mọi đối tượng người lao động.

- Xem xét thúc đẩy các chính sách làm việc linh hoạt trong dịch bệnh để có thể giảm giờ làm việc hàng tuần và có thêm thời gian cho lao động nếu vợ chồng phải thay nhau ở nhà để trông con khi nhà trẻ, trường học đóng cửa theo hướng cho phép người sử dụng lao động có quyền áp dụng mức lương thỏa thuận tương ứng thời gian làm việc không bị giới hạn bởi mức lương tối thiểu vùng.

- Nghiên cứu và tiếp thu có sáng tạo các khuyến nghị từ Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) để có kinh nghiệm hữu ích trong lĩnh vực lao động, việc làm trong tình thế đối phó với những khó khăn chưa có tiền lệ.

3. Kết luận

Dịch bệnh Covid-19 khiến chúng ta đứng trước những tình huống khó khăn chưa có tiền lệ. Các chính sách được xây dựng sao cho áp dụng vào thực tiễn là khả thi và phát huy được hiệu quả ngay lập tức là điều thực sự khó khăn và khó có thể. Nhưng xây dựng các kế hoạch có hiệu quả trên cơ sở đánh giá một cách khách quan toàn diện, phát huy, động viên mọi nguồn lực trong toàn dân để khắc phục và vượt qua mọi trở ngại là truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc. Để có thể có những chính sách và giải pháp hợp lý, cần có sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau trên tinh thần đoàn kết và phát huy mọi sáng kiến để cùng nhau vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này. Chính sách vĩ mô dài hơi hay các gói cứu trợ tài chính khẩn cấp đều cần được điều chỉnh đúng lúc, kịp thời trên tinh thần lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các đối tượng cần hỗ trợ thì sẽ phát huy được hiệu quả như mong muốn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Vũ Trọng Bình, Nguyễn Xuân Hải, Hữu Đạo (2020), Lao động và phản ứng chính sách trước đại dịch Covid-19. Truy xuất từ nguồn https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/laodong-va-phan-ung-chinh-sach-truoc-dai-dich-Covid-19--612245/

2. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

3. Quốc hội (2012), Bộ Luật Lao động, Luật số: 10/2012/QH13.

4. Quốc hội (2013), Luật Việc làm, Luật số: 38/2013/QH13.

ThS. Phạm Việt Tiến

Công ty CP Xây lắp điện Việt Tiến

Tạp chí in số tháng 12/2021
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp tạo động lực cho người lao động sau dịch Covid - 19 tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tác động của từng nhóm rủi ro lên rủi ro tổng thể trong chuỗi cung ứng đồ gỗ tại Việt Nam
Mục tiêu nghiên cứu về rủi ro trong chuỗi cung ứng lâm nghiệp, đặc biệt là đồ gỗ tại Việt Nam là điều cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của chuỗi trong ngành cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Nghiên cứu này không tập trung giới thiệu nghiên cứu về ngành gỗ Việt Nam.