Chiến sự Nga - Ukraine: Lãi suất lên mức kỷ lục và nguy cơ vỡ nợ nước ngoài

04/03/2022, 14:28

TCDN - Sau khi chiến sự Nga Ukraine nổ ra, Ngân hàng trung ương Nga đang chuẩn bị cho siêu lạm phát, khi nền kinh tế Nga phải đối mặt với thất bại ngày càng tăng từ các lệnh trừng phạt quốc tế. Việc đẩy lãi suất lên 20% cao mức kỷ lục có thể khiến kinh tế Nga lâm vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất.

Sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, ngày 28/2, Ngân hàng trung ương Nga đã thông báo nâng lãi suất chủ chốt từ mức 9,5% lên 20% do đồng RUB bị mất giá và ở mức thấp kỷ lục so với đồng USD. So với mức đóng cửa hôm 26/2, giá trị đồng nội tệ Nga ở mức 117,75 ruble đổi một USD, giảm 40% từ mức 83,75 ruble đổi một USD vào thứ sáu tuần trước, theo dữ liệu của Bloomberg. Tình trạng này diễn ra sau một loạt biện pháp trừng phạt mới do châu Âu và Mỹ áp đặt vì đã tấn công Ukraine.

Chiến sự Nga - Ukraine đẩy lãi suất của Nga lên mức kỷ lục

Cũng theo phương tiện truyền thông nhà nước TASS, mức tăng lãi suất 20% của ngân hàng trung ương là mức cao nhất mọi thời đại. Và đây cũng là lần tăng lãi suất thứ hai của Ngân hàng Trung ương Nga riêng trong tháng 2/2022, khiến chi phí đi vay lên mức cao nhất trong suốt hơn 19 năm qua.

rong tuyên bố mới, Ngân hàng trung ương Nga nêu rõ đây là biện pháp khẩn cấp trong bối cảnh các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga làm "thay đổi mạnh". Biện pháp này sẽ đảm bảo tăng lãi suất tiền gửi lên mức cần thiết để bù đắp nguy cơ đồng nội tệ mất giá ngày càng lớn và các rủi ro về lạm phát. Đây cũng là động thái cần thiết để hỗ trợ ổn định tài chính và giá cả, bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân.

DD6CA249-45C4-436D-8F9A-02FCF0DCF695

Tuy nhiên, vì ngân hàng thương mại áp mức lãi cho vay cao (do lãi suất tăng cao), nên người dân khó tiếp cận vốn vay, khiến tiền bị tồn đọng, buộc ngân hàng thương mại phải gửi về Ngân hàng Trung ương. Như vậy Nhà nước có thể vay tiền này để phục vụ các mục đích của mình.

Trong khi đó, việc tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% cũng được xem là một phản ứng khẩn cấp và tuyệt vọng. Nó sẽ gây ra nhiều vấn đề lớn cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp Nga bình thường, bởi thực tế cho thấy những người này khi đi vay sẽ chịu chi phí lãi suất tăng cao rất nhiều.

Đồng thời, còn có một mặt trái là khi tăng lãi suất cho vay lên cao thì có khả năng phải hy sinh mục tiêu phát triển kinh tế. Chính vì thế màn đa phần doanh nghiệp đều bị tác động tiêu cực, trừ những doanh nghiệp cá biệt có lợi nhuận cao ngất ngưởng, hoặc thuộc ngành thiết yếu có chính sách hỗ trợ riêng. Bởi khi lãi vay cao buộc doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu, hoạt động sản xuất kinh doanh không dễ, gây rủi ro sa sút hoặc phá sản. Về dài hạn, cả việc tăng lãi suất và tổn hao do chiến tranh cũng gây nên rủi ro nền kinh tế bị suy thoái.

Elvira Nabiullina, thống đốc thuộc Ngân hàng trung ương Nga cho biết tại một cuộc họp báo rằng: "Quyết định tăng lãi suất lần thứ tám của ngân hàng kể từ tháng 3 năm ngoái được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa phương Tây và Nga về vấn đề Ukraine. Mỹ và các đồng minh đã đe dọa trừng phạt đối với Nga".

Bà Nabiullina lưu ý rằng: "Nếu chúng ta không thực hiện các bước để đưa nền kinh tế tài chính trở lại mức tăng trưởng cân bằng, thì khi sự bất ổn tăng cường sẽ dẫn đến gia tăng lạm phát không kiểm soát, và tăng trưởng kinh tế nói chung sẽ bị chậm lại", Nabiullina nói.

Nga đứng trước nguy cơ vỡ nợ nước ngoài

Như vậy, Ngân hàng trung ương Nga là một trong những ngân hàng trung ương tích cực nhất thế giới trong việc tăng lãi suất để cố gắng kiềm chế lạm phát, vốn đang gây ra mối lo ngại ngày càng tăng đối với chính sách tiền tệ trên toàn thế giới. Ngân hàng dự kiến sẽ cho phép tăng lãi suất cao hơn nữa vào cuộc họp tiếp theo, dự kiến tổ chức vào ngày 18 tháng 3 tới đây.

Mục tiêu chính sách này của Ngân hàng trung ương Nga vẫn là đưa lạm phát trở lại mức 4% trong năm tới. Năm nay, ngân hàng dự báo lạm phát hàng năm từ 5% đến 6%. Vào tháng 1/2022, lạm phát đã đạt 8,7% và tăng thêm vào đầu tháng 2/2022, Ngân hàng trung ương Nga cho biết thêm.

Bên cạnh đó, để tăng tính thanh khoản, Ngân hàng trung ương Nga sẽ giải phóng khoảng 733 tỷ RUB, tương đương 8,78 tỷ USD trong dự trữ ngân hàng địa phương,  Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết thêm. Trước mắt, những diễn biến kịch tính nhấn mạnh nỗi lo sợ về một cuộc tháo chạy trên các ngân hàng của Nga. Hiện tại, hàng dài người để rút tiền mặt đã được nhìn thấy tại các máy ATM ở các thành phố của Nga.

Trong khi đó, tập đoàn BCS Global cho biết: "Những biện pháp này có thể giúp xoa dịu sự căng thẳng gia tăng của thị trường, nhưng đồng thời nó cũng sẽ làm ảnh nhanh chóng đến nền tảng của chính sách tiền tệ, do quá tập trung vào mục tiêu lạm phát và tỷ giá hối đoái linh hoạt; Môi trường bên ngoài không thuận lợi khiến chính sách tiền tệ của Nga không bền vững, và chúng tôi không loại trừ khả năng việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục khốc liệt trong tương lai, hoặc là sự xuất hiện của các quyết định bất ngờ và phi thị trường".

Trong vài năm qua, Nga đã tích lũy được kho dự trữ ngoại hối trị giá 630 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, mà các nhà phân tích cho rằng nó sẽ giúp nước này chịu được các lệnh trừng phạt và tổn thất về doanh thu xuất khẩu. Nhưng nếu một số tài sản tài chính bị đóng băng ồ ạt, thì điều đó sẽ làm thay đổi lại phép tính của Nga. Trong khi đó, trái phiếu Nga sụt giảm khi các nhà đầu tư lo lắng về khả năng các lệnh trừng phạt có thể khiến Moscow vỡ nợ lần đầu tiên kể từ năm 1998.

Nói thêm về vấn đề này, Viện Tài chính Quốc tế cho biết "rất có khả năng" Matxcơva sẽ vỡ nợ nước ngoài.

"Chúng tôi sẽ làm tê liệt tài sản của ngân hàng trung ương Nga", Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết trong một tuyên bố. "Điều này sẽ đóng băng các giao dịch của ngân hàng này ở nước ngoài. Và nó sẽ khiến Ngân hàng Trung ương không thể thanh lý tài sản của mình".

6704C179-AD40-4C00-AFE8-3536664DBC21

Cũng vào hôm 1/2 cơ quan xếp hạng S&P Global đã xếp hạng nợ của Nga xuống trạng thái "báo động", nhấn mạnh nguy cơ tình hình kinh tế bên trong Nga có thể xấu đi nhanh chóng. Trong khi đó, giao dịch cổ phiếu và các sản phẩm phái sinh trên Sở giao dịch Moscow đã bị đình chỉ, ngân hàng trung ương Nga cũng xác nhận điều này. Đồng thời, cổ phiếu tập trung vào Nga được giao dịch trên các thị trường khác trên thế giới giảm mạnh.

Elina Ribakova, phó trưởng ban kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế cũng đã chia sẻ về những tác động tiềm tàng của các lệnh trừng phạt này trong những ngày, tuần và tháng sắp tới. Elina Ribakova khẳng định, đây là sự kết hợp độc đáo của các biện pháp đã được thực hiện. Mỗi biện pháp riêng lẻ không phải là chưa từng có. Điều chưa từng có trong lịch sử là mức độ phối hợp đa phương và thực tế là họ đang sử dụng các lựa chọn hạt nhân tài chính như thế này cùng một lúc. Nó chắc chắn sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga, nhưng đồng thời, vẫn có khả năng leo thang nhiều hơn nữa.

Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế Nga? Elina Ribakova đang xem xét sự suy giảm kinh tế ở mức hai con số. Trước mắt, ngân hàng trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất. Nga cũng đang tiến hành hỗ trợ lĩnh vực ngân hàng, giải phóng một số vốn cho các ngân hàng, nhưng theo Elina Ribakova tất cả các biện pháp này chỉ là quản lý khủng hoảng cơ bản. Nhưng cuộc khủng hoảng này sẽ phát triển sâu rộng hơn đối với nền kinh tế Nga và người dân Nga.

Khi được hỏi cuộc khủng hoảng tài chính này ý nghĩa gì đối với những người sống ở Nga, Elina Ribakova khẳng định đây là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất mà nhiều người trong số họ từng chứng kiến. Những ai còn nhớ một cuộc khủng hoảng tương tự diễn ra vào những năm đầu thập niên 90, thì trận này có thể so sánh với sự kiện đó.

Theo Dân Việt
Bạn đang đọc bài viết Chiến sự Nga - Ukraine: Lãi suất lên mức kỷ lục và nguy cơ vỡ nợ nước ngoài tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan