Chính phủ đồng ý cho mua điện từ dự án Trường Sơn tại Lào

14/05/2024, 11:39
báo nói -

TCDN - Chính phủ vừa đồng ý duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ Dự án nhà máy điện gió Trường Sơn tại Lào và đầu tư lưới để đấu nối về Việt Nam.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký văn bản trả lời Bộ Công Thương về chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối Nhà máy điện gió Trường Sơn từ Lào về Việt Nam.

Dự án điện gió Trường Sơn, công suất 250 MW của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Việt Lào dự kiến vận hành quý 4/2025. Dự án này dự kiến được đấu nối vào trạm biến áp 220 kV Đô Lương (Nghệ An) để dẫn điện về Việt Nam. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, việc nhập khẩu và đầu tư lưới để đấu nối từ dự án này về Việt Nam phải đảm bảo phù hợp Quy hoạch điện VIII, các quy định liên quan.

Hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán, ký với chủ đầu tư dự án điện gió Trường Sơn. Song, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu hợp đồng này phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, tức giá, chi phí mua điện hợp lý; cơ sở pháp lý, trách nhiệm các bên và tiêu chí kỹ thuật.

Chính phủ đồng ý cho mua điện từ dự án Trường Sơn tại Lào (Ảnh minh họa).

Chính phủ đồng ý cho mua điện từ dự án Trường Sơn tại Lào (Ảnh minh họa).

Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các cơ quan liên quan đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư đảm bảo chắc chắn và đầy đủ cơ sở pháp lý, hiệu quả kinh tế (bao gồm giá cả, chi phí... mua điện), tiêu chí kỹ thuật đối với an ninh hệ thống điện và xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng về chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối nhà máy điện gió Trường Sơn từ Lào về Việt Nam, có công suất 250MW.

Đồng thời bổ sung quy hoạch đường dây 220kV mạch kép điện gió Trường Sơn - Đô Lương, các dây dẫn và trạm biến áp để đấu nối, tiếp nhận công suất từ dự án điện gió Trường Sơn nhằm bán điện về Việt Nam.

Để đáp ứng tiến độ và thời gian vận hành vào quý 4/2025, chủ đầu tư dự án điện gió Trường Sơn sẽ thực hiện đầu tư toàn bộ công trình lưới điện đấu nối từ nhà máy điện gió Trường Sơn (trên đoạn lãnh thổ Việt Nam) bằng nguồn vốn tự có.

Bộ Công Thương đánh giá, nhập nguồn điện từ Lào về Việt Nam là cần thiết, sẽ tăng khả năng đảm bảo cung ứng, giảm nguy cơ thiếu điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo.

Miền Bắc có thể thiếu khoảng 3.632 MW công suất tiêu thụ vào cao điểm mùa khô (các tháng 5-7). Trường hợp lưu lượng nước về cực đoan, năm 2025 sẽ xuất hiện thiếu điện ở khu vực miền Bắc, với sản lượng thiếu hụt khoảng 6,8 tỷ kWh trong các tháng 5, 6, 7 của năm 2025. Giai đoạn 2026-2030, với tiến độ các nguồn điện đang được triển khai, miền Bắc chỉ được bổ sung nguồn điện rất ít, không đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải tăng thêm hằng năm.

Miền Trung và miền Nam có thể đảm bảo cung ứng điện, nhưng do không có dự phòng nguồn, năm 2025 có thể thiếu điện, nếu các yếu tố bất lợi cùng xảy ra. "Thiếu công suất các tháng cao điểm mùa khô tại miền Bắc có thể tiếp tục xảy ra", Bộ Công Thương dự báo.

Dự án điện gió Trường Sơn, công suất 250 MW của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Việt Lào dự kiến vận hành quý 4/2025. Nếu được duyệt chủ trương nhập khẩu, dự án này sẽ được đấu nối vào trạm biến áp 220 kV Đô Lương (Nghệ An) để dẫn điện về Việt Nam.

Để đáp ứng tiến độ và thời gian vận hành vào quý 4/2025, chủ đầu tư sẽ làm toàn bộ công trình lưới điện đấu nối từ nhà máy điện gió Trường Sơn (trên đoạn lãnh thổ Việt Nam) bằng nguồn vốn tự có. "Việc chủ đầu tư đầu tư hạ tầng đấu nối phần trên lãnh thổ Việt Nam thay vì EVN, sẽ giúp EVN giảm một phần chi phí đầu tư, áp lực tiến độ triển công trình đến năm 2025", Bộ Công Thương cho biết.

Ngoài ra, giá điện nhập khẩu sẽ được thực hiện theo Hiệp định giữa Chính phủ hai nước, EVN thỏa thuận với chủ đầu tư đảm bảo không vượt mức trần, theo Bộ Công Thương.

Trước đó, chủ đầu tư dự án này đã gửi đề xuất bán điện cho EVN với giá trần điện gió từ Lào về Việt Nam là 6,95 cent một kWh, với các dự án điện vận hành thương mại trước 31/12/2025. Mức này được EVN đánh giá cạnh tranh hơn nhiều các nguồn điện gió trong nước vận hành thương mại trước 1/11/2021, với điện gió trên đất liền 8,5 cent và điện gió trên biển 9,8 cent một kWh.

Còn so với các nguồn điện gió chuyển tiếp đang áp theo khung giá điện của Bộ Công Thương 6,42-7,34 cent một kWh (1.587-1.816 đồng), giá điện nhập từ Lào cao hơn.

Ngoài dự án Trường Sơn, mới đây, EVN cho biết đã nhận được đề xuất từ 7 dự án điện gió của Lào, tổng công suất gần 4.150 MW, muốn bán điện cho Việt Nam Trong số này, công suất nhà đầu tư Lào đề nghị bán trước năm 2025 là hơn 682 MW, số còn lại sau thời gian này.

Để kéo điện từ Lào, ngoài đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ đầu tư từ tháng 9/2023, EVN đề nghị bổ sung các công trình lưới, đấu nối khác, gồm đường dây 220 kV, 500 kV mạch kép từ biên giới về Lao Bảo vào Quy hoạch điện VIII và kế hoạch thực hiện quy hoạch này.

Nguyễn Triệu
Bạn đang đọc bài viết Chính phủ đồng ý cho mua điện từ dự án Trường Sơn tại Lào tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Công ty CP Điện gió Kosy Bạc Liêu bị cưỡng chế thuế
Thông tin từ Cục Thuế tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị vừa ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản đối với Công ty CP Điện gió Kosy Bạc Liêu, địa chỉ: Số 16, đường Bà Triệu, phường 3, thành phố Bạc Liêu.
Dự án điện gió Ninh Thuận nhận gói tài trợ 107 triệu USD từ các tổ chức nước ngoài
Dự án phát triển điện gió trên đất liền tại tỉnh Ninh Thuận với tổng công suất phát điện 88MW vừa được các tổ chức như JICA, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức tài chính khác, gồm Ngân hàng Sumitomo Mitsui, Hong Kong Mortgage Corporation Limited, ING và Cathay United, đồng tài trợ vốn với số tiền 107 triệu USD.