Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

02/01/2023, 20:44
báo nói -

TCDN - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, tiếp thu tối đa các ý kiến của tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, của doanh nghiệp để phát triển kinh tế của đất nước.

Cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Nói về sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, đó là sự đồng hành khăng khít, kề vai sát cánh của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Ông Công chia sẻ, khi đại dịch đang bùng phát ở Việt Nam và mỗi ngày VCCI nhận được hàng trăm phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, đại sứ quán các nước nơi có doanh nghiệp FDI của họ ở Việt Nam. Trên cơ sở đề xuất của VCCI, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triệu tập Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp toàn quốc, giao VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Văn phòng Chính phủ triển khai. Đây là hội nghị lớn, quy mô toàn quốc, cả 63 tỉnh thành, có cả Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự. Đây là "cuộc giải vây ngoạn mục" cho doanh nghiệp trong vòng vây của dịch Covid-19 lúc bấy giờ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Theo đó, Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo và đặc biệt lắng nghe các doanh nghiệp, đã có 3 quyết sách rất lớn. Một là chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ Zero-Covid sang thích ứng, linh hoạt và chúng ta ứng phó với dịch, sống cùng với dịch. Thứ hai là đã tổ chức tiêm vaccine trong cả nước rất kịp thời. Thứ ba là có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu Covid-19.

Đáng chú ý, những chính sách hỗ trợ đã tiếp thêm nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp, vượt qua khó khăn, thử thách để có những đóng góp to lớn hơn cho nền kinh tế nước nhà phục hồi và phát triển. Đó là chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất...); chính sách hỗ trợ tín dụng như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất (gói tín dụng 250.000 tỷ đồng); chính sách an sinh xã hội (gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng)…

Chính vì điều đó giúp cho doanh nghiệp “khởi sắc”. Năm 2022, tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 195.000 doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ. Các ngành, lĩnh vực kinh tế đều tăng trưởng tốt; trong đó sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 8,6%. Thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,5%. Xuất đủ nhập - kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng đạt 674 tỷ USD (đến nay đã vượt 700 tỷ USD), tăng 11,8%, xuất siêu 10,6 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu nông sản 50 tỷ USD, tăng 11,8%; trong đó xuất khẩu gạo gần 7 triệu tấn; an ninh năng lượng được bảo đảm…

Chấn chỉnh các thị trường

Song song với sự hồi phục của doanh nghiệp thì nền kinh tế đối mặt với hàng loạt vấn đề của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Niềm tin của người dân, nhà đầu tư suy giảm, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân lớn rơi vào vòng lao lý.

Thủ tướng Chính phủ trao đổi với các đại biểu.

Thủ tướng Chính phủ trao đổi với các đại biểu.

Rất nhiều lần, Thủ tướng chia sẻ quan điểm của Chính phủ là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

“Chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực; làm như vậy không những để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế; mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023 diễn ra ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng.

Theo Thủ tướng, nhờ đó, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Các vấn đề đột xuất, phức tạp diễn ra được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, mang lại hiệu quả, nhất là xử lý một số ngân hàng yếu kém. Thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng đã định hình được các công việc để cùng làm với doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Các cơ quan cũng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe các kiến nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình hồi tháng 8/2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình hồi tháng 8/2022.

Đáng chú ý, chỉ trong 3 ngày 12/12, 13/12, 14/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tiếp ban hành 3 công điện chỉ đạo xử lý các vấn đề cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở; thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây chính là những động thái rất tích cực của Chính phủ nhằm bảo vệ người dân, doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023" vừa diễn ra, Thủ tướng thêm lần nữa chia sẻ về những vấn đề của nền kinh tế. Theo Thủ tướng, đây là những vấn đề xuất hiện trong quá trình vận động và phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau.

"Đã có bệnh thì phải chữa, nhưng chúng ta cùng lúc xử lý nhiều vấn đề trong điều kiện khó khăn nên càng khó khăn. Song dứt khoát phải xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, giữ ổn định hệ thống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan. Chữa bệnh thì phải mất thuốc, mất thời gian, mất công sức và phải chờ thời gian để ngấm thuốc", Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta tôn trọng  quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường thì nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết; các cơ quan chức năng phải phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn; doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải chia sẻ; tất cả cùng suy nghĩ, cùng làm; hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước, tránh tình trạng "lúc thuận lợi thì không sao, lúc khó khăn lại kêu nhà nước".

Thủ tướng đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn. Các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp phát hành, theo đúng quy định pháp luật.

Về thị trường bất động sản, phải cơ cấu lại các phân khúc, giá, sản phẩm, hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp... "Nhà nước có chính sách nhưng các doanh nghiệp cũng phải thay đổi, không thể neo giá cao mãi, chỉ làm phân khúc cho người giàu thì người nghèo, thu nhập thấp không thể tiếp cận được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Những động thái, chỉ đạo trên tiếp tục khẳng định quan điểm, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa. Để tiếp sức cùng với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp không ngừng phát triển cả về lượng và chất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; cân đối, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan