Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán: "Tin vào nội lực nền kinh tế, tránh bán tháo không cần thiết"

10/03/2020, 10:26

TCDN - “Việc thị trường giảm mạnh là điều khó tránh bởi nó theo phản ứng của thị trường thế giới và trùng với điểm rơi của nhiều tin xấu hội tụ. TTCK được ví như hàn thử biểu của nền kinh tế, nên khi có nhiều thông tin bất lợi tới kinh tế toàn cầu hay sự cố bất thường sẽ phản ứng ngay tức thì”.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng:

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng: "Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi sẽ tăng cường theo dõi giám sát các diễn biến để kịp thời đưa ra thông tin chính thống, minh bạch cho thị trường, trấn an tâm lý nhà đầu tư và xử lý nghiêm những hành vi thao túng, trục lợi”.

Quan điểm trên được Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng đưa ra khi trao đổi với báo chí sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giảm điểm kỷ lục (hơn 6,2%) – là mức giảm lớn nhất trong 18 năm qua, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng, tác nhân chính là dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Bình luận về sự sụt giảm của thị trường, ông Dũng nhấn mạnh, thị trường giảm là bất khả kháng, tuy nhiên, theo ông, điều cần quan tâm là thanh khoản của thị trường đã tăng khá mạnh, đạt gần 6.500 tỷ đồng trên hai sàn niêm yết. Việc này chứng tỏ vẫn có dòng tiền mua vào bắt đáy các cổ phiếu có giá trị cơ bản tốt.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng, nhưng giá trị bán ròng trong phiên không quá lớn, chỉ khoảng 230 tỷ đồng.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh việc thị trường giảm không chỉ là do tác động của các thông tin về diễn biến phức tạp của Covid-19, mà diễn biến này nó mang tính cộng hưởng tới tâm lý giới đầu tư toàn cầu. Theo ông, là quốc gia có độ mở kinh tế lớn, tác động từ những thông tin trên với thị trường Việt Nam là khó tránh.

Trong khi đó, tình hình tại Việt Nam cũng ngày một phức tạp. Số ca nhiễm nCoV tại Hà Nội gia tăng rồi nhiều tỉnh thành khác cũng ghi nhận ca nhiễm mới, đã tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư, làm xuất hiện tình trạng bán tháo.

Ngoài ra, ông Dũng cũng đề cập đến một tin xấu khác, đó là giá dầu thế giới giảm mạnh, có thời điểm giảm đến 30%, chạm mức đáy đầu năm 2016 ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần.

Cùng với đó, sáng 9/3, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu kinh tế năm 2019 xấu hơn dự báo, làm gia tăng lo ngại toàn cầu rơi vào suy thoái.

Trước đó, không đợi đến cuộc họp thường kỳ tháng 3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất khẩn cấp. 65% giới đầu tư cũng nhận định Fed sẽ tiếp tục hạ trong cuộc họp tiếp theo ngày 17/3. Nếu nhận định này đúng, đây sẽ là mức cắt giảm lịch sử trong nhiều năm và điều này dấy lên lo ngại về mức độ suy giảm của kinh tế Mỹ.

Xét về xu hướng đầu tư, ông Dũng cho rằng, dòng tiền đang có khuynh hướng dịch chuyển sang các loại tài sản an toàn như trái phiếu và vàng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống mức thấp nhất mọi thời đại, trong khi giá vàng chạm đỉnh mới, cao nhất trong 7 năm.

Nói về xu hướng thị trường, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhấn mạnh, việc Việt Nam có thêm các ca nhiễm nCoV mới là điều bất lợi cho nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Nhưng với quyết tâm lớn của Chính phủ, người dân, cộng với khả năng, kinh nghiệm của Việt Nam, chúng tôi tin dịch bệnh này sẽ sớm được kiểm soát.

Nhìn một cách tổng quan, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, với nội lực của nền kinh tế, có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng phục hồi.

Bên cạnh đó, dòng tiền đầu tư khi gặp biến cố có thể tạm thời co cụm, nhưng khi mọi việc đã ổn định trở lại, dòng tiền sẽ tìm tới những nơi an toàn và có khả năng sinh lời cao. Việt Nam có nền tảng vĩ mô tốt, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, cơ chế đầu tư thông thoáng. Chúng ta vẫn là điểm sáng khi dịch bệnh sớm muộn cũng sẽ được kiểm soát.

“Những tổn thương của doanh nghiệp trong đại dịch lần này là khó tránh, tuy nhiên trong trung hạn, các gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa chắc chắn phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp sớm vực lại sản xuất kinh doanh. Vì vậy, chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ, cũng như sức bền của thị trường chứng khoán, tránh những phiên bán tháo không cần thiết”, ông Dũng nói.

Về giải pháp của cơ quan quản lý trong ngắn hạn để giúp thị trường ổn định, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán chia sẻ, trước những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19, ưu tiên hàng đầu của Ủy ban chứng khoán là việc phòng chống dịch bệnh trong phạm vi ngành, đặc biệt là việc bảo vệ sức khỏe của cán bộ, nhân viên và xây dựng phương án giao dịch an toàn.

“Trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban chứng khoán sẽ tiếp tục điều hành theo quan điểm: Tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung – cầu, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết. Chúng tôi sẽ tăng cường theo dõi giám sát các diễn biến để kịp thời đưa ra thông tin chính thống, minh bạch cho thị trường, trấn an tâm lý nhà đầu tư và xử lý nghiêm những hành vi thao túng, trục lợi”, ông Dũng nói.

Thu Thủy
Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán: "Tin vào nội lực nền kinh tế, tránh bán tháo không cần thiết" tại chuyên mục Ý kiến của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan