Chủ tịch VTCA: Nên cân nhắc ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT

10/06/2024, 13:56
báo nói -

TCDN - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) Nguyễn Thị Cúc cho rằng, việc xác định ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ để phù hợp hơn với tình hình thực tế và có tính ổn định của Luật thuế VAT.

Liên quan đến ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT, tại Khoản 25 Điều 5 Luật thuế VAT quy định “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống” thuộc đối tượng không chịu thuế VAT.

Tại dự thảo lấy ý kiến từ những lần trước ban soạn thảo đã điều chỉnh tăng mức doanh thu không chịu thuế lên 1,5 lần: từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm. Trong quá trình tham gia, các đại diện từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp; các cục thuế địa phương, doanh nghiệp… còn có quan điểm khác nhau về ngưỡng tiền điều chỉnh cụ thể. Hầu hết các ý kiến đều đề nghị ban soạn thảo điều chỉnh nâng mức doanh thu không chịu thuế.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Tuy nhiên, tại dự thảo lần thứ 5, ban soạn thảo không đưa mức ngưỡng cụ thể. Dự thảo lần này sửa đổi quy định “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế VAT để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Về nội dung sửa đổi trên, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, quy định này sẽ dễ tạo tính đồng thuận hơn khi xác định mức doanh thu cụ thể, khi còn có quan điểm khác nhau. Cũng có quan điểm để đảm bảo bình đẳng về thuế, hộ cá nhân kinh doanh cũng phải nộp thuế VAT từ đồng doanh thu đầu tiên như đối với  doanh nghiệp.

“Tuy nhiên ở Việt Nam có trên 3,9 triệu hộ cá nhân kinh doanh, số thu từ khu vực này khá khiêm tốn, nếu thu từ đồng đầu tiên thì chi phí quản lý thuế quá lớn. Mặt khác, cũng như thuế TNCN, quan điểm điều tiết của chúng ta là không thu thuế từ đồng đầu tiên, vì vậy việc xác định mức doanh thu chịu thuế cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ càng hơn để phù hợp hơn với tình hình thực tế và có tính ổn định của luật”, Chủ tịch VTCA nêu rõ.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định mức chuẩn nghèo của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025 ở nông thôn là 1.500.000 đồng/người/tháng (18 triệu/năm) và ở đô thị là 2.000.000 đồng/người/tháng (24 triệu/năm).

Trong khi đó theo Mục 1 Phụ lục 1 Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế VAT, thuế TNCN của hộ, cá nhân kinh doanh, tỷ lệ tính thuế VAT thấp nhất là hoạt động thương mại với tỷ lệ thuế VAT là 1%, TNCN là 0,5%. Trong lúc mức chuẩn nghèo là 18 triệu đồng năm. Cũng theo quy định hiện hành, căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế VAT và tỷ lệ thuế TNCN.

Dẫn chứng về quy định thuế TNCN, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương tiền công là (11 triệu đồng/tháng x 12 tháng) = 132 triệu đồng/năm, cho mỗi người phụ thuộc là (4,4 triệu đồng/tháng x 12 tháng) = 52,8 triệu. Như vậy trong trường hợp, người nộp thuế có một người phụ thuộc thì tổng giảm trừ gia cảnh đã là 184,8 triệu đồng/năm. Đối với các cá nhân kinh doanh thì nộp thuế TNCN theo tỷ lệ trên doanh thu: ví dụ kinh doanh thương mại: 0,5% trên doanh thu.

Với những phân tích trên, theo Chủ tịch VTCA, để đảm bảo hài hòa lợi ích, phù hợp với mục đích hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo cũng như các chính sách phát triển giảm nghèo bền vững, có xét tới tình hình trượt giá, tỷ lệ lạm phát, điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, mức chuẩn nghèo thay đổi thì việc quy định ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT nên cân nhắc, tính toán các yếu tố trên.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch VTCA: Nên cân nhắc ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

'Nên nâng ngưỡng chịu thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh'
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, cơ quan thuế nên nghiên cứu xem xét trình cấp thẩm quyền điều chỉnh doanh thu chịu thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ít nhất bằng mức chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công cho phù hợp hơn.
Chủ tịch VTCA: Nên nâng ngưỡng chịu thuế đối với hoạt động cho thuê nhà lên 150 triệu đồng/năm
Cơ sở điều chỉnh ngưỡng chịu thuế đối với hoạt động cho thuê nhà có thể tham khảo việc nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Theo đó, mức doanh thu làm cơ sở xác định thu nhập chịu thuế có thể điều chỉnh lên khoảng từ trên 150 triệu đồng/năm sẽ hợp lý hơn giữ như hiện hành.