Chuẩn hóa các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu

12/12/2023, 14:49

TCDN - Với tiềm năng, thế mạnh của ngành nông nghiệp, việc hoàn thiện quy định pháp luật về bảo đảm chất lượng hàng nông sản nói chung, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng để hàng nông sản Việt Nam có thể đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu của các nước phát triển là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

3711_a_40_copy

Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là thách thức

Việt Nam có điều kiện khí hậu thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và có diện tích đất nông nghiệp lớn với gần 28 triệu hecta, với khoảng 13,9 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp, nên Việt Nam có thế mạnh và tiềm năm để phát triển ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp hiện nay đang đứng trước những thách thức lớn về ô nhiễm môi trường do vấn đề phát sinh chất thải từ các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp và sức ép đô thị hóa, công nghiệp hóa khu vực thành thị, ven đô. Ngoài ra, trình độ, nhận thức của nông dân về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế; việc quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, kháng sinh, chất kích thích tăng trường, hóa chất bảo quản nông, lâm, thủy sản, chất thải chăn nuôi, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm, chất thải làng nghề… đang làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng.

Phần lớn các nông sản là những mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu và có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, do đó yêu cầu về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu nông sản rất khác nhau. Mỗi quốc gia nhập khẩu nông sản có những rào cản riêng về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình chế biến, tiêu chuẩn vệ sinh, yếu tố môi trường, thậm chí cả tiêu chuẩn về lao động sử dụng trong sản xuất và chế biến. Các tiêu chuẩn này ngày càng trở nên chặt chẽ, khắt khe hơn và trở thành vũ khí sắc bén của các quốc gia để bảo hộ nền sản xuất nông nghiệp nội địa trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.

Bên cạnh đó, hiện ở Việt Nam, tỷ lệ cơ sở sản xuất được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, an toàn thực phẩm còn thấp. Cụ thể, tỷ lệ diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và tương đương (ASC, BAP…) hiện chỉ chiếm khoảng 8%; các cơ sở chế biến kinh doanh nông sản thiết lập và vận hành hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn: HACCP, ISO9000, ISO22000… cũng còn rất ít. Điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa đồng đều và thiếu ổn định, giảm tính cạnh tranh trong nước và thế giới. Vì vậy trong thời gian qua, nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập EU do các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm trong sử dụng. 

Trong nhiều năm gần đây Việt Nam nhận được khoảng 1.000 thông báo từ các thành viên WTO đưa ra nhiều thay đổi biện pháp SPS để gia tăng phòng dịch bệnh lây lan trong việc xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Trong đó có 80% thông báo liên quan đến thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đặc biệt khi doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào các thị trường trên thế giới, khi bị cảnh báo chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bị trả về sẽ ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp đó và bị thiệt hại nặng nề về chi phí phải mang đi tiêu hủy. Sâu xa hơn làm ảnh hưởng thương hiệu nông sản chung của Việt Nam.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, EU cảnh báo Việt Nam có 31 vi phạm về xuất khẩu nông sản, đa số bị vướng về lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản vượt mức cho phép, nếu so với năm 2022 thì giảm 24%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để xác định tình trạng tuân thủ pháp luật trên cả nước.

Bộ cũng chủ động tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất; xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Theo các chuyên gia, để xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới, các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn bắt buộc của nước nhập khẩu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng. Theo đó, 5 tiêu chuẩn cần phải có khi xuất khẩu nông sản gồm: Quy định chất lượng thương mại và ghi nhãn mác; Quy định về an toàn thực phẩm với yêu cầu người sản xuất phải đảm bảo chất lượng và độ an toàn của các sản phẩm mà họ sản xuất ra, tránh được tất cả các nguy cơ tiềm tàng, như: rủi ro từ nguồn nước ô nhiễm hoặc ô nhiễm vi sinh vật hay hóa chất; Truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo tất cả các nhà xuất khẩu phải đăng ký với cơ quan quản lý thực phẩm, dược phẩm và đưa ra thông báo trước khi xuất khẩu; đồng thời, xuất xứ phải được ghi rõ trên nhãn của sản phẩm; Quy định kiểm dịch thực vật với việc phải đảm bảo các lô hàng xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu; Tuân thủ khai báo hải quan theo các quy định của nước nhập khẩu. Như vậy, có thể thấy, tiêu chuẩn nông sản xuất khẩu không chỉ căn cứ vào bao bì mẫu mã, mà còn đòi hỏi nội dung hồ sơ và cách làm trên thực tế.

Giám sát tất cả các khâu của chuỗi giá trị

Để nâng cao hơn nữa chất lượng nông lâm thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là trong những tháng cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tiếp tục duy trì thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và kiểm tra chứng nhận nông sản xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận có đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật phải được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để xác định tình trạng tuân thủ pháp luật trên cả nước.

Bộ cũng chủ động tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất; xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Theo dõi sát và kịp thời xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm; hướng dẫn xử lý và triển khai các biện khắc phục đối với các lô hàng xuất khẩu vi phạm an toàn thực phẩm. Chủ động đánh giá, cung cấp kịp thời thông tin an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang.

Đối với hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thanh tra, điều tra xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng như sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh, chất bảo quản ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

Theo các chuyên gia, cần giám sát, quản lý phải được thực hiện một cách đồng bộ trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản.Trong đó, cần tập trung rà soát và bổ sung các quy định về sản xuất và vật tư nông nghiệp. Bởi, dù Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi đã được thông qua, xây dựng được các tiêu chí rõ ràng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm nông nghiệp, tạo hành lang pháp lý để đưa các ngành sản xuất nông nghiệp vào chuỗi khép kín, nhưng còn thiếu đi những quy định trong khâu sản xuất và chế biến.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định pháp luật nói chung, quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam bằng cách thức: Hoàn thiện các tiêu chuẩn Việt Nam để thiết lập và quản lý vùng trồng để dễ dàng đàm phán với các nước nhập khẩu, cũng như để các cơ sở đóng gói tuân thủ và thống nhất thực hiện sẽ tạo điều kiện phát triển thị trường xuất khẩu; Xây dựng cơ sở đóng gói, giám sát cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu để mở rộng vùng trồng tăng số lượng cơ sở đồng bộ là yêu cầu bắt buộc để đủ điều kiện xuất khẩu nông sản; Cơ quan quản lý nhà nước các cấp và các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, chế biến, đóng gói xuất khẩu để chuẩn bị cho kiểm tra đánh giá trong việc mở cửa thị trường hoặc thanh tra của đối tác; Doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để đáp ứng yêu cầu về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo hoạt động xuất khẩu được thông suốt và đạt hiệu quả.

Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách cho công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, các cơ sở, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Minh Nhật
Bạn đang đọc bài viết Chuẩn hóa các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tăng cường kiểm soát giết mổ động vật, đảm bảo an toàn thực phẩm
Với hơn 24.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, có nguy cơ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Sản xuất kinh doanh thủy sản: Ưu tiên nguồn lực cải thiện hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm
Rà soát, sửa đổi chương trình quản lý chất lượng theo HACCP; thiết lập có hệ thống các biện pháp kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu sản xuất; Ưu tiên nguồn lực cải thiện hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm… là những yêu cầu đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.
Giữ vững chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm thuỷ sản sống xuất khẩu của Việt Nam
Sau khi có thông tin phản ánh về hoạt động bao gói, xuất khẩu cua sống sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu rà soát hoạt động thẩm định, chứng nhận và giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở bao gói nhằm tiếp tục giữ vững uy tín của Việt Nam.
Gỡ vướng xuất khẩu tôm hùm bông: Yêu cầu an toàn thực phẩm không đổi, chứng minh quá trình nuôi trồng
Dù các yêu cầu về an toàn thực phẩm, thủ tục hải quan không thay đổi, tuy nhiên, việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc đang bị ách tắc. Để xác định nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 10/11.