Giữ vững chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm thuỷ sản sống xuất khẩu của Việt Nam

13/11/2023, 14:21

TCDN - Sau khi có thông tin phản ánh về hoạt động bao gói, xuất khẩu cua sống sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu rà soát hoạt động thẩm định, chứng nhận và giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở bao gói nhằm tiếp tục giữ vững uy tín của Việt Nam.

1437_cua_ghe_1

Tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm

Thời gian vừa qua, sau khi có thông tin phản ánh của báo chí về hoạt động bao gói, xuất khẩu cua sống sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường kịp thời kiểm tra, xác minh các nội dung thông tin phản ánh.

Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh và rà soát hoạt động thẩm định, chứng nhận và giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở bao gói thủy sản sống xuất khẩu; hoạt động thẩm định, cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản sống xuất khẩu sang Trung Quốc và hoạt động thẩm tra thực tế tại một số cơ sở bao gói, xuất khẩu cua sống sang Trung Quốc của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường;

Nhằm tiếp tục giữ vững uy tín về chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm thuỷ sản sống xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời đảm bảo ổn định thị trường cung ứng, tiêu thụ và góp phần tạo sinh kế bền vững cho người nuôi thuỷ sản nói chung, sản phẩm thuỷ sản sống nói riêng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai một số nội dung cụ thể. Trong đó, Bộ yêu cầu các cơ sở bao gói thủy sản sống xuất khẩu sang Trung Quốc nghiêm túc tuân thủ thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ qui trình, hoạt động thu mua, bao gói, xuất khẩu thủy sản sống sang Trung Quốc, đảm bảo khắc phục triệt để các sai lỗi, tồn tại liên quan đến xây dựng và thực hiện Chương trình quản lý chất lượng theo HACCP đã được nêu trong biên bản thẩm định, kiểm tra, thanh tra gần nhất.

Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu cơ sở bao gói thủy sản sống chủ động xây dựng, duy trì chuỗi liên kết sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ thuỷ sản sống đảm bảo an toàn thực phẩm, chia sẻ rủi ro và hài hoà lợi ích với người nuôi nhằm phát huy thế mạnh ngành thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam; Không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuỷ sản nói chung, thuỷ sản sống xuất khẩu vào Trung Quốc nói riêng, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, hợp pháp.

Giám sát, thẩm tra thực tế

Riêng đối với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ yêu cầu đơn vị này triển khai 3 nhiệm vụ. Thứ nhất, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục duy trì hoạt động giám sát, tăng cường thẩm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của các cơ sở bao gói thủy sản sống xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng quy định của Việt Nam và Trung Quốc.

Thứ hai, tăng cường hoạt động giám sát sau chứng nhận, chú trọng hoạt động sản xuất, bao gói xuất khẩu thuỷ sản sống, bao gồm thẩm tra nguồn gốc, xuất xứ và điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (nếu có), bao gồm cả đình chỉ sản xuất, xuất khẩu.

Thứ ba, tăng cường công tác thông tin, phổ biến các qui định của thị trường đến các doanh nghiệp để các doanh nghiệp tuân thủ và có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình vận chuyển, bảo quản.

Về phía Cục Thuỷ sản, chủ trì tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh/thành phố về công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý vùng nuôi thuỷ sản đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với đối tượng thủy sản xuất khẩu dạng tươi, sống (tôm hùm, cua, ốc hương, tôm sú, tôm thẻ…).

Bên cạnh đó, Cục cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn công nghệ, phương pháp vận chuyển, bảo quản để kéo dài thời gian sống, tăng tỷ lệ sống trong quá trình vận chuyển bảo quản đối với thủy sản sống xuất khẩu; Phối hợp chặt chẽ với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường để theo dõi tình hình thị trường tiêu thụ với thực tế hoạt động nuôi trồng (đối tượng nuôi, sản lượng, thời điểm thu hoạch, tình hình dịch bệnh) để cảnh báo, khuyến cáo các địa phương có biện pháp phòng ngừa rủi ro trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ thuỷ sản sau thu hoạch.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương, Bộ yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, các cấp chính quyền địa phương về công tác quy hoạch, quản lý vùng nuôi thuỷ sản đối với đối tượng thủy sản xuất khẩu dạng tươi, sống (tôm hùm, cua, ốc hương, tôm sú, tôm thẻ…); tăng cường quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh; quản lý, giám sát hoạt động thu mua nguyên liệu trên địa bàn đảm bảo cân bằng lợi ích của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh;

Các sở phải tăng cường tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sản xuất, thu gom, bảo quản nguyên liệu tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản sống xuất khẩu; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, các sở cần phối hợp chặt chẽ với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thủy sản để theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường tiêu thụ để tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất trên địa bàn có biện pháp phòng ngừa rủi ro trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ thuỷ sản sau thu hoạch.

Thu Trang
Bạn đang đọc bài viết Giữ vững chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm thuỷ sản sống xuất khẩu của Việt Nam tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Gỡ vướng xuất khẩu tôm hùm bông: Yêu cầu an toàn thực phẩm không đổi, chứng minh quá trình nuôi trồng
Dù các yêu cầu về an toàn thực phẩm, thủ tục hải quan không thay đổi, tuy nhiên, việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc đang bị ách tắc. Để xác định nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 10/11.
Nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, việc thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững phải gắn liền với phát triển nông nghiệp sinh thái; nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Xây dựng Đề án Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”.