Phát triển thị trường nông lâm sản, thủy sản:

Ngành Nông nghiệp tập trung triển khai đồng bộ chính sách về chất lượng an toàn thực phẩm

18/10/2023, 09:01

TCDN - Giai đoạn 2021 - 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách về chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) theo hướng cải cách hành chính, phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn.

kiem-tra-nong-san-mua-tet-20210107155537066

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư

Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết giai đoạn 2021 - 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện và tổ chức triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách về chất lượng an toàn thực phẩm theo hướng cải cách hành chính, phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn và hài hòa với chuẩn mực quốc tế.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm sản, giai đoạn 2020 – 2030. Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành 19 văn bản (Nghị định/Quyết định/Chỉ thị); phối hợp Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm; trực tiếp ban hành 13 Thông tư về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; ban hành 98 TCVN và 07 QCVN về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

Đối với công tác giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức lấy 8.164 mẫu nông lâm sản thủy sản sau thu hoạch để giám sát, phát hiện 183 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, bộ đã xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, với 151.776 ha cây trồng đạt chứng nhận VietGAP; 9.852 sản phẩm đạt các sao OCOP…

“Qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản đã đáp ứng ngày càng tốt hơn quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, sai lỗi về điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị và đặc biệt là áp dụng chương trình quản lý chất lượng”, ông Ngô Hồng Phong nhận định.

Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025, đến nay đã có 2.510 chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn được thiết lập duy trì. với sự tham gia của một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà ...).

Cùng với đó, đã có 151.776 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương với 13.552 doanh nghiệp được chứng nhận, tăng hơn so với năm 2022 (13.272 cơ sở). Diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP là 20.890 ha, tương đương với 987 cơ sở được chứng nhận, tăng hơn so với năm 2022 (847 cơ sở). Ngoài ra, có 4.080 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (tăng hơn so với năm 2022 (3.448 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận).

Đề cập về công tác kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu, ông Phong cho hay các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện thẩm tra, kiểm tra, chứng nhận trung bình 100.000 lô/1.400.000 tấn hàng thủy sản xuất khẩu đi các thị trường (tăng 1,5% so với trung bình năm giai đoạn 2017-2019); đã lấy mẫu kiểm nghiệm trung bình 31.000 lô/năm, phát hiện khoảng 0,5% số lô không đạt yêu cầu về chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Tiếp tục thực hiện áp dụng hệ thống 1 cửa quốc gia đối với tất cả các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc và Hàn Quốc để thuận lợi cho doanh nghiệp. Trung bình mỗi năm cấp 30.000 chứng thư/40.000 hồ sơ đăng ký (giấy và trực tuyến, đạt trên 80%); đang tiếp tục phối hợp với Viettel xử lý các vướng mắc kỹ thuật của phần mềm cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản vào 5 thị trường mở rộng (Braxin, Argentina, Indonesia, Newzeland và Panama) qua cổng thông tin một cửa quốc gia;

Theo dõi sát và kịp thời xử lý các sự cố

Theo ông Phong, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến nâng cao chất lượng cho phát triển thị trường nông lâm thủy sản như: Tỷ trọng sản phẩm được kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi cung ứng theo chuẩn quốc tế chưa cao.

Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm, thiếu sáng tạo, đổi mới.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã duy trì thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và kiểm tra chứng nhận nông sản xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đồng thời, chủ động tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất; xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Theo dõi sát và kịp thời xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm; hướng dẫn xử lý và triển khai các biện khắc phục đối với các lô hàng xuất khẩu vi phạm an toàn thực phẩm. Chủ động đánh giá, cung cấp kịp thời thông tin an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thanh tra, điều tra xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng như sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh, chất bảo quản ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, nhấn mạnh phải nâng cao chất lượng sản phẩm, để nông lâm thủy sản nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, để đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm sản, thủy sản và nâng cao chất lượng các sản phẩm nông lâm sản, thủy sản, định hướng tới của ngành nông nghiệp là sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo môi trường thuận lợi và động lực cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững.

Cùng với đó, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và truyền thông quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Minh Châu
Bạn đang đọc bài viết Ngành Nông nghiệp tập trung triển khai đồng bộ chính sách về chất lượng an toàn thực phẩm tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Doanh nghiệp vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị 'bêu tên'
Bộ Công Thương sẽ công khai doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, sản phẩm hàng hóa vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm, cung cấp thông tin số điện thoại đường dây nóng và đầu mối nhận, xử lý phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Công ty Bánh mì Hà Nội bị phạt vì vi phạm an toàn thực phẩm
Tỉnh Đắk Lắc đã xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với Công ty TNHH thương mại sản xuất Bánh mì Hà Nội (Công ty Bánh mì Hà Nội, mã số thuế: 6001557080) số tiền 35 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất đối với sản phẩm Sand Wich Hà Nội trong thời gian 2 tháng.