Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, bền vững:

Nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng

13/10/2023, 15:13

TCDN - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, việc thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững phải gắn liền với phát triển nông nghiệp sinh thái; nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

2. bg

Gắn liền với phát triển nông nghiệp sinh thái

Để thực thi mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững, ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu chung của Kế hoạch là nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế địa phương; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam và toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Để triển khai Kế hoạch này, Bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành quyết định phân công các cục, vụ, viện làm đầu mối triển khai 30 nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch. Đồng thời, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Đối tác hệ thống lương thực thực phẩm bền vững gồm Bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, một số bộ, ngành liên quan, các địa phương, một số tổ chức quốc tế về nông nghiệp, doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan nghiên cứu… nhằm tăng cường hợp tác, phát huy thế mạnh của từng đối tác trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Theo Bộ trường, việc thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với an ninh lương thực trong khu vực và thế giới; chuyển đổi phải gắn liền với phát triển nông nghiệp sinh thái, nâng cao năng lực cạnh tranh; chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm hướng tới nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; chuyển đổi hệ thống lương thực là trách nhiệm liên ngành.

Theo đó, các mục tiêu thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực từ đây đến năm 2023, gồm có: thu nhập cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%; duy trì kinh ngạch xuất khẩu lương thực thực phẩm trên 30 tỷ USD/năm; tỷ lệ hộ gia đình không đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm mức nặng và vừa ở mức dưới 5%. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực; Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai kế hoạch.

Nhấn mạnh vai trò của ngành Nông nghiệp đối với nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 12% GDP của quốc gia (2022). Trong 10 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu nông sản đạt 43,08 tỷ USD.

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với một số thách thức lớn, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan: quy mô nông hộ nhỏ chiếm đa số, nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Người sản xuất ít có điều kiện tiếp cận thị trường và thường chỉ dừng ở khâu cung cấp nguyên liệu thô.

Thái độ, hành vi và nhận thức của người tiêu dùng - là chủ thể và là trung tâm của hệ thống lương thực thực phẩm - còn hạn chế về dinh dưỡng, về tiêu dùng xanh và có trách nhiệm, về chống thất thoát lãng phí thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và giảm phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, Việt Nam đang đối mặt với 3 gánh nặng đồng thời về dinh dưỡng, đó là thách thức về tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn cao ở khu vực vùng miền núi, vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ lệ thừa cân béo phì, tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh chóng tại khu vực thành thị. Việt Nam mong muốn được tăng cường hợp tác cùng các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, "Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các tác nhân trong hệ thống lương thực thực phẩm nhằm tạo ra những thay đổi bền vững, sâu rộng của cả hệ thống".

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thành lập "Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm" và các "Tổ công tác kỹ thuật chuyên đề" để hỗ trợ và phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn và các địa phương triển khai Kế hoạch hành động và huy động các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các đối tác quốc tế và trong nước.

Hoàn thiện quy trình tiêu chuẩn

 Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch cho biết, mô hình nông nghiệp truyền thống, dựa vào sử dụng nhiều hóa chất và lạm thác tài nguyên đã và đang tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên, làm suy giảm chất lượng đất và nước, qua đó tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống con người. Cùng với đó, biến đổi khí hậu toàn cầu đang là một vấn đề nan giải, tác động không nhỏ đến sự ổn định của sản xuất nông nghiệp và an ninh thực phẩm.

“Do đó, các vấn đề về môi trường luôn là một bài toán cấp thiết cần được xử lý kịp thời trong cả tư duy nhận thức và hành động thực tế của mỗi tổ chức, cá nhân, cộng đồng để cùng nhau đưa ngành nông nghiệp, thực phẩm phát triển bền vững, bảo vệ mội trường, giảm khí thải nhà kính”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh nói.

Ông Lê Thành Công Chánh văn phòng Đảng uỷ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia đến năm 2030 Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Việc chuyển đổi này nhằm hướng đến đảm bảo khả năng tiếp cận và thụ hưởng lương thực thực phẩm lành mạnh; nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp thực phẩm theo hướng minh bạch và bền vững phải được thực hiện ở tất cả các khâu, từ cung ứng đầu vào cho sản xuất đến khâu chế biến, phân phối thực phẩm và tiêu dùng. Để làm được điều này, cần phải rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế chính sách, các quy trình tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản xuất chế biến và tiêu dùng lương thực thực phẩm.

“Hiện nay, phát triển sản xuất nông nghiệp minh bạch và bền vững là một xu thế chung. Bởi nếu chúng ta không có sự minh bạch trong quá trình sản xuất thì không thể hội nhập vào quốc tế và sản phẩm nông nghiệp của chúng ta không đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường”, ông Lê Thành Công nhận định.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Doanh nghiệp vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị 'bêu tên'
Bộ Công Thương sẽ công khai doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, sản phẩm hàng hóa vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm, cung cấp thông tin số điện thoại đường dây nóng và đầu mối nhận, xử lý phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Công ty Bánh mì Hà Nội bị phạt vì vi phạm an toàn thực phẩm
Tỉnh Đắk Lắc đã xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với Công ty TNHH thương mại sản xuất Bánh mì Hà Nội (Công ty Bánh mì Hà Nội, mã số thuế: 6001557080) số tiền 35 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất đối với sản phẩm Sand Wich Hà Nội trong thời gian 2 tháng.