Tăng cường kiểm soát giết mổ động vật, đảm bảo an toàn thực phẩm

08/12/2023, 14:50

TCDN - Với hơn 24.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, có nguy cơ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Lợn được giết mổ trên dây chuyền đảm bảo vệ sinh, có kiểm dịch của thú y.

Lợn được giết mổ trên dây chuyền đảm bảo vệ sinh, có kiểm dịch của thú y.

Chỉ 18,6% cơ sở được cơ quan thú y kiểm soát

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 11/2023, cả nước có 32/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch xây dựng mạng lưới giết mổ động vật tập trung, 463 cơ sở giết mổ tập trung. Trong đó một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Bình Định… đã có những cơ sở được đầu tư rất hiện đại, đạt chuẩn quốc tế.

Đây là những kết quả của quá trình triển khai thực hiện quy định của Luật Thú y năm 2015 và Luật Quy hoạch năm 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gần đây là Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, cả nước vẫn còn tồn tại hơn 24.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó chỉ có khoảng 18,6% cơ sở được các cơ quan thú y kiểm soát, nguy cơ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm là rất cao.

Nhiều địa phương, kể cả địa phương trọng điểm về du lịch nhưng chưa triển khai xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Gia Lai, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Vĩnh Long...

Nguy cơ động vật không rõ nguồn gốc, động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh được giết mổ, làm lây lan dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm là rất cao, gây bức xúc cho cộng đồng, cạnh tranh không lành mạnh.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực trạng này có 4 nguyên nhân chính. Đầu tiên là các cấp chính quyền chưa quan tâm kịp thời, đúng mức, chưa tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của các Luật và văn bản chỉ đạo nêu trên.

Thứ hai, các địa phương chưa có kế hoạch, quy hoạch, chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Nguyên nhân tiếp theo là hệ thống thú y các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã bị đứt gẫy, không có lực lượng thú y để tổ chức kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y theo đúng quy định.

Cuối cùng là thông tin, tuyên truyền, nhận thức về tầm quan trọng của giết mổ tập trung, giết mổ có kiểm soát của cơ quan thú y còn nhiều hạn chế.

Xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật

Để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Luật Thú y năm 2015, Luật Quy hoạch năm 2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết là chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và chính quyền địa phương khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt Kế hoạch xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật theo quy định của Luật Thú y năm 2015, Luật Quy hoạch năm 2017.

Đồng thời, tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm Chị thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, cần khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023) để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ thú y, nhất là nhiệm vụ kiểm soát giết mổ, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Nhiệm vụ tiếp theo là tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Song song đó tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức kiểm tra, xác định rõ những tồn tại, bất cập nhằm có giải pháp khắc phục kịp thời, có hiệu quả; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong công tác quản lý giết mổ động vật theo đúng quy định.

Với các đơn vị trực thuộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Cục Thú y thành lập các đoàn công tác đến các địa phương kiểm tra, đôn đốc về công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra sử dụng chất cấm tại cơ sở giết mổ động vật.

Trong khi đó, nhiệm vụ của Cục Chăn nuôi là chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về chăn nuôi, thú y tại địa phương thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát sử dụng chất cấm tại các cơ sở chăn nuôi.

Hoàng Hà
Bạn đang đọc bài viết Tăng cường kiểm soát giết mổ động vật, đảm bảo an toàn thực phẩm tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Sản xuất kinh doanh thủy sản: Ưu tiên nguồn lực cải thiện hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm
Rà soát, sửa đổi chương trình quản lý chất lượng theo HACCP; thiết lập có hệ thống các biện pháp kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu sản xuất; Ưu tiên nguồn lực cải thiện hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm… là những yêu cầu đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.
Giữ vững chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm thuỷ sản sống xuất khẩu của Việt Nam
Sau khi có thông tin phản ánh về hoạt động bao gói, xuất khẩu cua sống sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu rà soát hoạt động thẩm định, chứng nhận và giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở bao gói nhằm tiếp tục giữ vững uy tín của Việt Nam.
Nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, việc thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững phải gắn liền với phát triển nông nghiệp sinh thái; nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Xây dựng Đề án Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”.